Nếp sống của người Việt lưu dấu ấn trong lòng lưu học sinh Lào

CTV Phương Thảo
Chia sẻ
(VOV5) - “Đưa lưu học sinh Lào đi thực tế tại nhà dân” của trường Hữu Nghị T78 đã giúp cho lưu học sinh nâng cao vốn tiếng Việt, đồng thời hiểu biết thêm về văn hóa, nếp sống của người Việt Nam. 

Tham gia chuyến thực tế về nhà dân, lưu học sinh Lào được trải nghiệm cuộc sống bình dị, thường ngày ở những gia đình người Việt ở xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội. Sống với người dân địa phương, cách duy nhất để các em giao tiếp chính là dùng tiếng Việt.

Nếp sống của người Việt lưu dấu ấn trong lòng lưu học sinh Lào - ảnh 1 Em Phetphailin Saisombut, lưu học sinh Lào

Phetphailin Saisombut, lưu học sinh Lào tham gia chương trình Homestay bộc bạch: “Khi em chưa tham gia chương trình, em cảm thấy tiếng Việt của em chưa tốt lắm. Em rất ngại khi muốn nói chuyện, giao tiếp với các thầy cô giáo. Ít khi em dám giao tiếp với người Việt Nam ở trong trường. Sau đó, em được ra ngoài ở với người dân, cùng lao động, cùng sinh hoạt, được giao tiếp với người Việt Nam nhiều hơn. Bây giờ em dám nói chuyện, giao tiếp, không sợ sai nữa. Nếu em nói sai gì, mọi người sẽ giúp em sửa sai cho đúng và nói rõ hơn. Bây giờ em cảm thấy rất thoải mái khi nói chuyện, giao tiếp bằng tiếng Việt”.

Nói về thứ ngôn ngữ hàng ngày, gần gũi, gắn liền với đời sống của người địa phương, sinh viên Soulisack Libounyasao chia sẻ: “Qua việc đi thực tế nhà dân lần này, em được học rất nhiều từ mới về các loại rau như rau cần, rau dền đỏ, rau bí. Ngoài ra, em còn được biết các loại cá như cá rô, cá trôi, cá rô phi. Em còn biết được các từ của Việt Nam, như từ “ăn” còn có thể nói được “chén”, “nhậu”, “xơi”. Em thấy các từ ngữ Việt Nam rất phong phú, làm cho em muốn học thêm về tiếng Việt”.

Nếp sống của người Việt lưu dấu ấn trong lòng lưu học sinh Lào - ảnh 2          Sinh viên Soulisack Libounyasao

Không chỉ bởi cái đẹp ngôn ngữ, nếp sống của người Việt được các bạn sinh viên Lào cảm nhận ở những giá trị đạo đức truyền thống. Suốt quá trình thực tế, lưu học sinh Lào được hiểu thêm về nét văn hóa trong lối sống chân chất, nghĩa tình của người Việt. Em Sonechang Daochouaxue chia sẻ về quãng thời gian ở nhà dân: “Khi tham gia chương trình thực tế tại nhà dân, em đã hiểu thêm được về văn hóa, phong tục ở Việt Nam. Đối với người Việt Nam, lời chào rất quan trọng. Dù gặp nhau ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng luôn có lời chào với nhau. Lời chào thể hiện sự kính trọng, yêu thương. Trong bữa cơm gia đình, các con, các cháu phải mời ông bà, cha mẹ xơi cơm. Có thể nói đây là văn hóa ứng xử tốt đẹp".

Qua thời gian trải nghiệm cuộc sống ở làng quê, thứ đáng quý nhất theo em Song Phomthavongsy, có lẽ, chính là tình cảm gắn bó đặc biệt như gia đình ruột thịt giữa lưu học sinh với người dân địa phương: “Em cảm nhận được sự thân thiện, mến khách và sự yêu thương của bố mẹ dành cho chúng em như con đẻ của mình”.

Còn em Lamee Soukphaly nói: “Em rất nhớ và không bao giờ quên các món ăn bố mẹ làm cho em ăn hàng ngày. Khi em về Lào, em sẽ tự làm ở nhà cho bố mẹ ở Lào ăn”.

Nếp sống của người Việt lưu dấu ấn trong lòng lưu học sinh Lào - ảnh 3Sinh viên Lào gói bánh chưng nhân dịp Tết cổ truyền Việt Nam tại nhà lưu trú

Nói đến tình cảm mà các lưu học sinh cảm nhận được từ người Việt Nam, phải kể đến những con người chất phác, thân thiện, mến khách, những người đã lan tỏa tình yêu thương và dấu ấn đẹp đẽ trong lòng lưu học sinh Lào. Ông Nguyễn Đình Năng, người dân ở thôn Trung Nam Lộc, huyện Phúc Thọ cho biết: “Mỗi sáng ngủ dậy, gia đình dậy từ 5 giờ 30, thường lúc đó các cháu cũng dậy. Khi gia đình nấu cơm buổi sáng, các cháu cũng vào đó. 

Nếp sống của người Việt lưu dấu ấn trong lòng lưu học sinh Lào - ảnh 4 Ông Nguyễn Đình Năng, người dân ở thôn Trung Nam Lộc, huyện Phúc Thọ

Buổi trưa các cháu đi học về cũng vậy, vào bếp cùng gia đình nấu nướng thổi cơm. Bếp bật ban đầu các cháu chưa biết, nhưng khi bảo, các cháu tiếp thu rất nhanh và hiểu hết các phong tục của gia đình”.

Chương trình “Đưa lưu học sinh Lào đi thực tế tại nhà dân” đến nay đã được trường Hữu Nghị T78 triển khai được 5 năm. Gần 500 lượt lưu học sinh tham gia trải nghiệm chương trình thực tế với quy mô ngày càng mở rộng. Sự tương tác của lưu học sinh với nhân dân địa phương và sự hòa nhập với nền văn hóa của người Việt đã tạo ra được dấu ấn đặc biệt trong lòng lưu học sinh Lào, qua đó góp phần củng cố, vun đắp và phát triển mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt- Lào ngày càng bền chặt.

Feedback