Lợi ích từ sáng kiến “Triệu ngôi nhà xanh” tại Việt Nam

Haf Linh
Chia sẻ
(VOV5) - Các giải pháp được áp dụng trong chương trình là Điện mặt trời mái nhà; Bình nước nóng năng lượng mặt trời, đèn LED ; Biogas, xử lý rác, thu tái sử dụng nước mưa. 

Chương trình “Triệu Ngôi Nhà Xanh” do Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (Green ID -do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) thành lập) cùng các tổ cùng các đối tác đang triển khai khá hiệu quả tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam.

Sáng kiến góp phần thực hiện những mục tiêu về an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Từ năm 2020, dự án tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nhằm nhân rộng những mô hình năng lượng và giải pháp Xanh theo định hướng phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Chương trình “Triệu ngôi nhà xanh” được GreenID khởi động nghiên cứu cùng các đối tác từ tháng 8/2018 với mục tiêu chính là thúc đẩy triển khai các giải pháp năng lượng Xanh tại cộng đồng. Hiện nay, chương trình đang thực hiện xây dựng 5 dự án thí điểm điện mặt trời mái nhà tại Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, An Giang, Đắk Lắk, Hậu Giang…

Theo bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc Green ID, các giải pháp được áp dụng trong chương trình là Điện mặt trời mái nhà; Bình nước nóng năng lượng mặt trời, đèn LED ; Biogas, xử lý rác, thu tái sử dụng nước mưa: Chúng tôi thấy trong nghị quyết 55 những ưu tiên về thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình vào sản xuất năng lượng Xanh.

Đặc biệt, trong định hướng ưu tiên cho phát triển năng lượng Mặt trời nhấn mạnh ưu tiên cho phát triển điện mặt trời áp mái. Đây là nội dung mà Liên minh hành động vì khí hậu Việt Nam đưa vào chương trình hành động để cùng đồng hành với chính phủ, các cơ quan, tổ chức nhằm đạt được các mục tiêu khí hậu mà Việt Nam cam kết cũng như hướng tới sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái.”

Lợi ích từ sáng kiến “Triệu ngôi nhà xanh” tại Việt Nam - ảnh 1Theo EVN, ngày càng có nhiều hộ gia đình đăng ký tham gia dự án Điện mặt trời áp mái nhà. Ảnh EVN 

Trong khuôn khổ dự án vì không khí sạch- thành phố xanh này, Liên minh hành động vì khí hậu Việt Nam phối hợp cùng với nhiều công ty, doanh nghiệp đặc biệt hợp tác với  tổ chức Live and Learn có được nguồn tài trợ từ Cơ quan hỗ trợ phát triển Hoa Kỳ. Bà Khanh cho biết, với một hộ gia đình tại Hà Nội khi lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái sẽ được hỗ trợ tối đa tới 9 triệu đồng: Thực ra đây chỉ là  nguồn hỗ trợ nhỏ nhưng quan trọng chúng tôi muốn khuyến khích các hộ gia đình đi tiên phong. Khi chúng ta tự tin với việc làm này, cộng động sẽ lan rộng những giải pháp, hay dự án xanh vì môi trường này. Chúng tôi luôn cam kết sẽ đồng hành, kết nối người dân với những nhà cung cấp uy tín, nhằm giảm bớt thời gian tìm hiểu, lựa chọn về kỹ thuật”.

Sáng kiến điện mặt trời mái nhà là hệ thống tấm quang điện mặt trời được lắp đặt trên mái nhà, hấp thu ánh nắng mặt trời và tạo ra nguồn điện hòa chung vào lưới điện quốc gia, cung cấp trực tiếp cho các thiết bị điện tại hộ gia đình. Hệ thống điện mặt trời này phù hợp với mọi vùng miền và phù hợp với các khu vực chưa có điện lưới như vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, xu hướng lắp điện mặt trời của các hộ dân hiện nay đang tăng nhanh, tính đến tháng 7 năm 2019  đã có hơn 9.000 khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái, trong đó chủ yếu là các hộ gia đình.

Lợi ích từ sáng kiến “Triệu ngôi nhà xanh” tại Việt Nam - ảnh 2Bà Ngụy Thi Khanh, giám đốc Green ID- cùng các đồng nghiệp. Ảnh Green ID 

Dưới góc độ nghiên cứu liên quan chính sách năng lượng quốc gia, bà Đinh Minh Thái, Viện trưởng Viện tài chính vi mô phát triển cộng đồng cho rằng, để đạt được mục tiêu “1 triệu ngôi nhà xanh” đến năm 2030, ngoài chính sách hỗ trợ kỹ thuật cần có những chính sách tài chính mang tính đột phá:

“Tôi biết là Ngân hàng Nhà nước đang tích cực chủ động hướng đến những gói hỗ trợ tín dụng Xanh.. Những chủ trương chính sách đó sẽ là động lực to lớn thúc đẩy tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp cũng như cộng đồng cùng hướng đến năng lượng tái tạo. Đồng hành với bất cứ giải pháp nào cũng phải là tài chính. Hi vọng với chủ trương mới, nghị định 55 sẽ tạo ra  khung pháp lý để các công ty tài chính, ngân hàng, đưa nguồn tài chính nhỏ đến các hộ gia đình thu nhập thấp lắp đặt hệ thống năng lượng tái tạo”. Bà Thái nói.

Lợi ích từ sáng kiến “Triệu ngôi nhà xanh” tại Việt Nam - ảnh 3 Hệ thống tấm quang điện mặt trời được lắp đặt trên mái nhà, hấp thu ánh nắng mặt trời và tạo ra nguồn điện hòa chung vào lưới điện quốc gia, cung cấp trực tiếp cho các thiết bị điện tại hộ gia đình. Ảnh EVN

Theo bà Thái, từ những gói vay nhỏ cho hộ gia đình thì việc phát triển Năng lượng sạch này sẽ khả thi và vô cùng thiết thực. Tuy rằng, sự hỗ trợ tài chính là cần thiết nhưng điều quan trọng nhất chính là nhận thức cũng như nỗ lực từ mỗi hộ gia đình…

Sử dụng hệ thống năng lượng áp mái được gần 1 năm, anh Nguyễn Đại Thắng, quận Bắc Từ Liêm đang thấy được những lợi ích mà giải pháp Xanh này mang lại: Tôi làm hệ thống này trước nhất vì lợi ích cho chính gia đình mình. Theo tính toán, sau hơn 2 năm nữa, tôi sẽ thu hồi được chi phí bỏ ra ban đầu. Hàng tháng, nhà tôi đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí sinh hoạt. Mùa hè còn dôi lượng điện dữ trữ. Với lượng điện năng dư thừa, tôi biết sau này có sẽ chính sách về giá bán lại cho Nhà nước. Trước mắt nhà tôi sử dụng nguồn năng lượng này thật thoải mái và tiện lợi.".

Tại xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội, những chính sách năng lượng Xanh đã được người dân ủng hộ từ nhiều năm nay. Đây là một trong những địa phương tiên phong triển khai mô hình bình nước nóng, phân loại rác thải tại nguồn, biến rác thải thành điện năng…

Ông Lê Văn Thú, nguyên chủ tịch UBND xã Yên Sở mong muốn tới đây mô hình điện mặt trời áp mái sẽ được triển khai rộng rãi: “Quê tôi có khoảng 2 nghìn hộ dân. Năm 2019, chương trình Triệu ngôi nhà Xanh đã đến với quê tôi. Đây là một sáng kiến tuyệt vời vì nó mang lợi lợi ích vì khí hậu cho quốc gia và vô cùng thiết thực cho người dân. Nhờ truyền thông, xã chúng tôi lắp đặt một lúc hơn 20 hệ thống năng lượng mặt trời và bình xử lý rác thải tạo khí đốt. Về lợi ích sử dụng, chúng tôi tiết kiệm được rất nhiều chi phí điện năng, góp phần nhỏ bảo vệ môi trường ở địa phương.".

Lợi ích từ sáng kiến “Triệu ngôi nhà xanh” tại Việt Nam - ảnh 4Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, sẽ có ít nhất 1 triệu ngôi nhà Xanh sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái. Ảnh Green ID 

Thông điệp mà sáng kiến triệu Ngôi nhà Xanh muốn gửi đến là mọi người hãy thực hiện những giải pháp mà ít gây tác hại nhất tới môi trường. Giám đốc Green ID Ngụy Thị Khanh mong rằng, những mục tiêu mà nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đặt ra cũng như định hướng trong Quy hoạch điện 8 tới đây sẽ có thêm cú huých về cơ chế, chính sách để tất cả moi người đều tham gia và hưởng lợi.

Và, rất nhiều khẩu hiệu về môi trường có thể thành hiện thực nếu tất cả chúng ta- từ người dân, các tổ chức, doanh nghiệp đến chính quyền đều cùng lo chung vấn đề về an ninh năng lượng, về môi trường như vấn đề của chính mình.

Feedback