Lễ hội nhằm cúng tạ trời đất, thần linh phù hộ, ban cho gia đình sức khỏe, thịnh vượng, cầu phúc, cầu lộc. Đặc biệt, đây cũng là dịp để mỗi người con dân tộc Mông trong xã đi làm ăn nay có dịp về hội tụ với gia đình vui chơi chuẩn bị bước vào một mùa vụ canh tác, chăn nuôi mới.
Phần lễ được thầy cúng thực hiện nghi thức cúng tạ ơn trời đất, thần linh. Ảnh: Báo Lai Châu |
Ngoài phần lễ, phần hội diễn ra với nhiều nội dung, như: thi giã bánh Dày, trình diễn trang phục, văn nghệ, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, nhảy bao bố. Trong khuôn khổ lễ hội, bà con các dân tộc còn được tham gia các hoạt động vui chơi có thưởng, như: hái hoa dân chủ, bịt mắt bắt vịt/lợn và chơi đánh cầu lông gà, ném pao…
Từ xa xưa, vào những ngày từ mùng 7 đến 15 tháng Giêng, người Mông thường du Xuân trên những quả đồi thấp nhưng bằng phẳng có tầm nhìn rộng mà tiếng Mông gọi là hội “Grâuk Taox Cha”. Dần dần, Grâuk Taox Cha đã trở thành một nét đẹp văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông.