Lao động Việt Nam trong CMCN 4.0: Để biến “vàng” từ số lượng sang “vàng” về chất lượng

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Diễn đàn “Việc làm, tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”  tổ chức ngày 31/10 tại Hà Nội.

Tại diễn đàn, các đại biểu đều nhất trí cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 dù mới khởi đầu nhưng đã có tác động nhất định và tác động ngày càng nhanh đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội tại Việt Nam. Trong đó, lao động, việc làm được cho là lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất bởi sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc của khoa học và công nghệ nói chung, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và công nghệ robot, công nghệ tự động hóa… nói riêng.

Lao động Việt Nam trong CMCN 4.0: Để biến “vàng” từ số lượng sang “vàng” về chất lượng - ảnh 1 Diễn đàn Khoa học Việc làm, tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0. (Ảnh: CV) 

Dù Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, trẻ, năng suất lao động và GDP bình quân đầu người đang có xu hướng tăng, song trước sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, lao động Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Tình trạng thất nghiệp và bất bình đẳng trong thu nhập có nguy cơ gia tăng nhanh, dẫn đến khoảng cách giàu nghèo.

Ông Nguyễn Văn Thuật, Trung tâm Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia nêu, hiện nay, Việt Nam có hơn 43 triệu lao động giản đơn, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Đây là nút thắt lớn trong trục phát phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ông Nguyễn Văn Thuật cho rằng: Trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 những công việc nặng nhọc đang được chuyển giao cho máy móc, cũng như những công việc đòi hỏi kỹ năng tinh tế và tính chính xác cũng đang được robot đảm nhận ngày càng nhiều dưới sự giám sát của con người. Do đó, trong tương lai, dự báo còn 3 loại hình cơ bản đó là lao động có tiềm năng về tư duy trí tuệ, thứ 2 là lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề nhưng phải phù hợp với nhu cầu của xã hội. Thứ 3 là lao động có đòi hỏi về kỹ năng mềm ngày càng cao.

Để nâng cao các kỹ năng cần thiết cho người lao động, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng này mang lại, PGS, TS Nguyễn Quang Thọ, Viện trưởng Viện công nhân và công đoàn, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, nêu giải pháp: "Thứ nhất, tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, các cơ quan, doanh nghiệp, người lao động vể bản chất, nội dung và yêu cầu của cách mạng 4.0 và tác động của nó đến nền kinh tế nói chung và thị trường lao động nói riêng. Thứ hai, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm. Thứ ba, cần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nghề nghiệp, tạo bước chuyển rõ nét, thực chất về chất lượng, hiệu quả giáp dục nghề nghiệp thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0"

Hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng chiến lược quốc gia về  cách mạng công nghiệp 4.0. Những ý kiến đóng góp, kết quả nghiên cứu công bố tại diễn đàn sẽ là nguồn luận cứ quan trọng để các nhà hoạch định chính sách tham khảo trong công tác xây dựng, cụ thể hóa chính sách phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xu thế phát triển của  cách mạng công nghiệp 4.0, hoàn thiện chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ mới.

Diễn đàn do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Feedback