Kỷ niệm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam: Tại xóm Roòng Khoa 70 năm trước

Chia sẻ
(VOV5) - Ngày 21/4/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo thành lập “Hội Những người viết báo Việt Nam”, nay là Hội Nhà báo Việt Nam. 

Đại hội họp tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Là một người làm báo, từng sống tại những nước phát triển vẫn được coi là  văn minh nhất thế giới hồi bấy giờ như Anh, Pháp, Đức, Mỹ…, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận ra nguyên lý: “Ta muốn sống thì phải cách mệnh. Cách mệnh là việc chung của cả dân chúng chứ không phải của một hai người” (Sách “Đường Kách mệnh”, 1925). Thành lập các tổ chức nhân dân, thông qua các đoàn thể ấy vận động, tổ chức phong trào đòi độc lập, tự do là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kỷ niệm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam: Tại xóm Roòng Khoa 70 năm trước - ảnh 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 9/1962). - Ảnh Tư liệu

Lịch sử cho thấy, sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam không lâu, ngay trong năm 1930 và vài năm tiếp sau đó, đã lần lượt ra đời các tổ chức quần chúng như Công đoàn, Nông hội, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… Lập các hội đoàn về văn hóa, báo chí có ý nghĩa cấp bách bởi đó là những phương tiện không thể thiếu, phù hợp với thông lệ quốc tế đòi tự do báo chí, tự do ngôn luận - những quyền không riêng của báo chí và những người làm báo, mà là quyền dân chủ hàng đầu, không thể thiếu của mọi người dân bất kỳ thuộc tầng lớp, nghề nghiệp, đẳng cấp nào, ở bất cứ quốc gia nào.

Ý nghĩa sâu xa của việc ra đời Hội Nhà báo Việt Nam ngày 21/4/1950 tại chiến khu Việt Bắc, khởi nguồn từ các phong trào và các tổ chức tiền thân của nó, là ở chỗ đó.

Trong lịch sử, báo chí cách mạng Việt Nam có nhiều hoạt động đặc biệt, đáng tự hào, không phải bất cứ tổ chức, đoàn thể nào cũng có.

Ngày 27/3/1937, Hội nghị Báo giới Trung Kỳ họp phiên chính thức tại thành phố Huế. Những nhân vật lỗi lạc như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Chủ nhiệm báo Tiếng Dân, chí sĩ Phan Bội Châu đang bị Pháp giam lỏng, không đến dự nhưng đều có thư hoan nghênh. Nhà báo Võ Nguyên Giáp thay mặt báo giới Bắc Kỳ, nhà báo Hà Huy Tập thay mặt báo giới Nam Kỳ cùng về Huế tham dự.

Chưa đầy một tháng sau, ngày 24/4/1937 tại Hà Nội, hai trăm nhà báo thuộc mọi xu hướng mở Đại hội Báo giới Bắc Kỳ. Nhà báo Phan Tư Nghĩa, người đã cùng các nhà báo Trần Huy Liệu, Võ Nguyên Giáp, Khuất Duy Tiến xuất bản tờ báo tiếng Pháp Le Travail (Lao động) và tờ Rassemblement (Tập hợp) phát hành ngay sau khi báo Le Travail bị nhà cầm quyền Pháp đóng cửa làm Chủ tọa, nhà báo Tam Lang nổi tiếng với tập phóng sự “Tôi kéo xe” (1932) làm Thư ký.

Hội nghị Báo giới Nam Kỳ, do tình hình Nam Bộ hồi bấy giờ, họp có muộn hơn. Các hội nghị của báo giới nói trên đã góp phần thức tỉnh nhiều nhà báo Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình của báo chí cánh tả Pháp ở Đông Dương và ngay tại Pháp, góp phần giác ngộ nhân dân ta. Lịch sử cho thấy, trong khoảng thời gian ba năm từ 1936 đến 1939, phong trào đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh của các nhân dân ta lần lượt rộ lên ở cả ba miền là do sự lãnh đạo của Đảng, trong đó báo chí là đội quân đi đầu.

Đó là niềm tự hào, là truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam, tạo tiền đề cho sự ra đời của Hội Nhà báo Việt Nam 15 năm sau đó.

Chỉ ít lâu sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, trong bối cảnh đất nước phải đối mặt vô vàn khó khăn, thế nước nói theo lời người xưa như “ngàn cân treo sợi tóc”, trong khi phải tập trung sức lực, trí tuệ chèo lái con thuyền quốc gia, Bác Hồ vẫn nghĩ đến việc nên sớm thành lập tổ chức của những người làm báo. Bác giao cho nhà báo Xuân Thủy, Chủ nhiệm báo Cứu quốc đứng ra tổ chức, điều hành công việc ấy.

Cuối năm 1945, tại cuộc họp trù bị, nhà báo Xuân Thủy truyền đạt ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cụ Chủ tịch (Chủ tịch Hồ Chí Minh) rất hoan nghênh việc chúng ta lập Hội. Cụ nói, nhà báo cũng là chiến sĩ. Người cầm bút, người cầm súng cầm gươm trên cùng chiến tuyến, cùng toàn dân cứu quốc và kiến quốc. Đũa từng chiếc để rời thì dễ bị bẻ gãy, chụm lại thành bó không sức nào bẻ nổi”.

Kỷ niệm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam: Tại xóm Roòng Khoa 70 năm trước - ảnh 2
Một phóng viên tác nghiệp trên chiến trường. - Ảnh: baodientu.chinhphu.vn.

Do tình hình khó khăn, mãi đến ngày 15/4/1946, Đại hội mới tiến hành tại trụ sở của Hội Hợp thiện Hà Nội đường Henri d’Orléans, nay là phố Phùng Hưng. Đại hội dự kiến mời 200 nhà báo chính thức tham gia, nhưng đến ngày họp nhiều người không có giấy mời cũng đến dự, đông gần bằng số đại biểu chính thức. Phòng họp không có đủ ghế ngồi, nhiều người phải đứng suốt cả buổi. Đại hội quyết định thành lập “Đoàn Báo chí Việt Nam”. Nhà báo Nguyễn Tường Phượng bút danh Tiên Đàm, Chủ nhiệm tuần báo Tri Tân được bầu làm Chủ tịch, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng làm Tổng thư ký Đoàn. Nhà thơ Xuân Diệu được bầu thay mặt báo giới tham gia Phái đoàn Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sang thăm Pháp” (Hồi ký của nhà báo Nguyễn Đức Thuyết, chủ nhiệm báo Vì nước 1945-1946, đăng trên Tạp chí Người làm báo số 2 năm 1988).

Cuối năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Các nhà báo tản về hoạt động tại nhiều vùng trong cả nước. Phải chờ hơn ba năm sau, ngày 21/4/1950, Bác Hồ mới lại chỉ đạo thành lập “Hội Những người viết báo Việt Nam”, nay là Hội Nhà báo Việt Nam. Đại hội họp tại xóm Roòng Khoa xã Điềm Mặc huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên. Nhà báo Xuân Thủy được bầu làm Hội trưởng, hai Phó Hội trưởng là Đỗ Đức Dục và Hoàng Tùng, Nguyễn Thành Lê làm Tổng thư ký.

Từ bấy đến nay qua 70 năm, Hội Nhà báo Việt Nam với tư cách là tổ chức của những người đi tiên phong trong công tác tư tưởng, những chiến sĩ lấy cây bút và trang giấy làm vũ khí, đấu tranh “phò chính trừ tà” (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh), chúng ta đã làm được nhiều việc. Tôi xin dùng lại câu quen thuộc: “Những người làm báo Việt Nam, mà Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức nòng cột, 70 năm qua đã đồng hành cùng dân tộc”. Trong mọi thành tựu của đất nước Việt Nam đều có phần đóng góp khiêm nhường của những người làm báo và tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của nó; trong những mặt hệ thống chính trị nước ta chưa làm được hoặc phạm sai lầm, thiếu sót, đều có phần trách nhiệm của những người làm báo Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam.

Tính từ đầu thế kỷ XXI đến nay, bốn nhiệm kỳ của Hội Nhà báo Việt Nam có nhiều bước tiến vượt bậc, làm được nhiều việc trước đây khó hình dung. Vị thế của báo chí Việt Nam trong nhân dân và trên trường quốc tế ngày càng tỏa sáng. Báo chí ta cũng có những thiếu sót, sai lầm, đặc biệt về mặt suy thoái về đạo đức nghề nghiệp và đạo đức xã hội của một số người. Đó là điều người dân quan tâm, chúng ta băn khoăn trăn trở, đòi hỏi mọi người trên dưới đồng lòng, quyết tâm khắc phục.

Đại dịch Covid-19 buộc nhiều cơ quan báo chí và cấp ủy Hội Nhà báo Việt Nam cũng như không ít người phải hủy bỏ kế hoạch nhân Ngày kỷ niệm 21/4/2020 về xóm Roòng Khoa, nay đã được công nhận là Di sản văn hóa quốc gia, viếng nơi Hội Nhà báo ra đời, bày tỏ lòng tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối. Thay vào đó, đông đảo các nhà báo trong cả nước hăng hái xông lên tuyến đầu “chống dịch như chống giặc”.

Có thể nói từ sau ngày chống Mỹ, cứu nước thành công, thống nhất đất nước cho đến nay, chưa từng có lần nào báo chí, truyền thông lại ra quân rầm rộ, được mọi người cùng quan tâm theo dõi, coi báo chí là nguồn thông tin kịp thời, bổ ích, không thể thiếu đối với bất kỳ ai. Đó là niềm tự hào của những người làm báo và là một minh chứng báo chí ta đang đi đúng con đường Bác Hồ đã chỉ nhân Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam 70 năm về trước: “Nhà báo cũng là chiến sĩ, báo chí cùng toàn dân cứu quốc và kiến quốc”

Nhà báo Phan Quang 

Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam 

Feedback