Trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu (GEF6) diễn ra tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 23-29/6, sáng 26/6, tại bờ biển Nguyễn Tất Thành (Đà Nẵng), diễn ra Chương trình “Chung tay bảo vệ đại dương”.Phát biểu tại buổi lễ, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết rác thải nhựa trên biển đã và đang trở thành hiểm họa đối với môi trường biển quốc tế nói chung và môi trường biển Việt Nam nói riêng.
Các đại biểu GEF 6 tham gia nhặt rác tại bãi biển Nguyễn Tất Thành, Đà Nẵng. Ảnh: kinhtedothi.vn |
Để giảm thiểu, ngăn ngừa tác động tiêu cực từ chất thải nhựa trên biển hiện nay, thế giới và Việt Nam đã có nhiều nỗ lực mang tính pháp lý đến những hoạt động, dự án cụ thể. Hoạt động làm sạch bãi biển nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của người dân trong việc thải bỏ chất thải nhựa ra môi trường biển, cũng như thúc đẩy sự phối hợp của các cấp, các ngành trong hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động nguồn lực cho công tác kiểm soát, quản lý rác thải biển nói chung, rác thải nhựa nói riêng.
Giám đốc Tài chính môi trường toàn cầu Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Adriana Dinu cho rằng: Với đường bờ biển dài hơn 3.000 km và 20% GDP của Việt Nam phụ thuộc vào tài nguyên biển, Việt Nam cần tiến hành các bước cần thiết để bảo vệ và phục hồi đại dương, vùng bờ. UNDP đã phối hợp với Chính phủ, người dân Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng xanh, lối sống bền vững và thói quen mua sắm bền vững hơn.