Khởi nghiệp từ việc theo đuổi ước mơ xanh

Thu Hằng
Chia sẻ
(VOV5) - Thầy giáo Trần Minh Tiến khởi nghiệp với ước mơ thay thế túi nylon, ống hút nhựa bằng sản phẩm từ cỏ cây

Thời điểm hiện tại khi con người đang làm quen với trí tuệ nhân tạo, với nhà thông minh, với tiện nghi đủ đầy, thì có một thầy giáo trẻ ở tỉnh Long An đã từ bỏ cuộc sống hiện đại đó để tìm về những giá trị đơn sơ, mộc mạc từ thiên nhiên, từ hệ sinh thái thiên nhiên của quê hương. Đó là thầy giáo Trần Minh Tiến. Anh đã khởi nghiệp với ước mơ thay thế túi nylon, ống hút nhựa bằng sản phẩm từ cỏ cây và mở ra cơ hội việc làm cho chính những người dân xung quanh mình. Trong chuyên mục QGKN tuần này, phóng viên Thu Hằng giới thiệu bài viết: Khởi nghiệp từ việc theo đuổi ước mơ xanh!

Khởi nghiệp từ việc theo đuổi ước mơ xanh  - ảnh 1 Anh Minh Tiến khởi nghiệp cùng ống hút cỏ

Anh Trần Minh Tiến năm nay 32 tuổi, sinh ra và lớn lên ở huyện Đức Huệ (tỉnh Long An). Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ, trường Cao đẳng Sư phạm của Tỉnh Long, anh về quê ngoại ở Tây Ninh để theo đuổi nghề dạy học. Sau 5 năm gắn bó với giảng đường, anh quyết định quay về Long An, gắn bó và phát triển trên chính mảnh đất quê hương bằng những việc làm bắt nguồn từ những nguyên liệu sẵn có trong thiên nhiên. Anh Minh Tiến chia sẻ: Anh chọn các sống thuận tự nhiên, cách làm dựa hoàn toàn vào hệ sinh thái, vì với anh "Có sinh thái sẽ tạo được sinh nhai, từ sinh nhai phát triển nên sinh kế".

"Sau một thời gian mình làm những sản phẩm tái chế, mình thấy những sản phẩm tái  chế nó không giải quyết được vấn đề 1 cách triệt để bắt đầu mình chuyển hướng sang sản xuất các sản phẩm có chất liệu từ thiên nhiên bởi vì những chất liệu từ thiên nhiên sau khi bạn dùng xong bạn không quan tâm gì đến tái chế nữa mà nó sẽ tự phân hủy" - Anh Minh Tiến chia sẻ.

Khởi nghiệp từ việc theo đuổi ước mơ xanh  - ảnh 2

Theo Trần Minh Tiến, việc tìm đến với những sản phẩm từ thiên nhiên đơn giản là anh cũng muốn tự tạo công việc và nguồn thu nhập cho chính mình và tìm ra giải pháp bảo vệ môi trường sống. 

Ban đầu, anh tìm đến với việc làm ống hút từ trúc, bởi Tiến muốn tự tạo công việc và nguồn thu nhập cho chính mình từ những thứ có sẵn tại quê hương. Sáng mỗi ngày Tiến lang thang khắp nơi tìm từng bụi trúc, lựa chọn những thân tre phù hợp để làm nguyên liệu. Tối về, Tiến lại lên các trang web nước ngoài học cách làm ống hút tre, mày mò quy trình sản xuất đúng chuẩn.

Loay hoay suốt hơn một tháng ròng, đến ngày Tiến cũng cầm được sản phẩm đầu tay của mình. "Ở vùng quê mình thì dùng cây trúc thay tre vì là cây có sẵn ở địa phương. Thứ 2 nữa là ruột của cây trúc rộng nên mình có thể làm ống hút. Để làm ống hút mình lựa những cây trúc đỏ từ 5 đến 6 năm tuổi để tạo ra được những ống hút đảm bảo chất lượng và mẫu mã. Đối với những cây trúc nằm giữa bụi mình không dùng dao để chặt được thì mình dùng cây đục để đón nó. Khi trúc mang về sẽ được sơ chế hoàn toàn bằng tay. Để đảm bảo cho sự sinh trưởng của trúc thì thường đốn vào trời tối và không đôn vào ngày trăng rằm và sáng trăng vì những ngày đó trúc và tre dễ bị mối mọt."

Sau khi làm ống hút tre ổn định, Tiến lại phát triển thêm sản phẩm nữa là ống hút cỏ bàng, với những công đoạn thủ công. "Sợi cỏ bàng to cỡ bằng chiếc đũa nhổ và phải nhò bằng tay. Sợi này sẽ đủ tiêu chuẩn để làm ống hút. Khi đi gom cỏ phải để ý khi sợi cỏ thẳng là mạnh tay giật lên là cỏ sẽ không bị gãy và cong. Khi nhổ xong bụi cỏ bàng vẫn còn nguyên trạng để thấy được rằng đây là cách thu hái bền vững. Nhổ cỏ không nhổ tận gốc để cỏ còn có thể sinh sản, như vậy cũng là các tôn trọng thiên nhiên".

Quả thực, Minh Tiến luôn tìm cách khai thác thiên nhiên xung quanh mình theo hướng bền vững nhất. Đặc biệt, trên nền những nguyên liệu có sẵn, anh khai thác nhưng cũng nuôi dưỡng hệ sinh thái để phát triển dựa trên chính hệ sinh thái đó. Ví dụ như trúc làm ống hút chỉ đục lấy đúng những thân già, không chặt trụi cả bụi. Với cỏ bàng thì nhổ từng ống, không cắt hết một lượt, để có có thời gian tiếp tục sinh trưởng.

Thành công bước đầu từ những sản phẩm tự nhiên từ ống hút bằng tre và cỏ bàng, giờ đây, ý tưởng của anh đã được phát triển thành 1 cửa hàng mang tên 3T - "Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế". Không chỉ có sản phẩm độc đáo ống hút bằng tre và bằng cỏ bàng, cửa hàng 3T của anh còn có nhiều sản phẩm tự nhiên khác đã và đang gây tiếng vang trên thị trường trong nước, như các sản phẩm túi, chiếu đan bằng cỏ bàng…. Chia sẻ về những ưu việt của sản phẩm làm từ thiên nhiên, bạn Trần Thị Thùy Vinh, nhân viên 3T, cho rằng: "Việc làm các sản phẩm từ thiên thiên thì thực sự là an toàn và thân thiện với môi trường. Các sản phẩm bày bán tại của hàng anh Tiến làm theo hướng là trân trọng những gì mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Từ những sản phẩn của anh Tiến, mình mong muốn mọi người hãy sử dụng những sảm phẩm nào mà thân thiện với môi trường ở mức có thể. Nên tìm về với những gì mà thiên nhiên ban tặng".

Hiện tại, cửa hàng của anh Tiến hoạt động ổn định, mỗi ngày bán hơn 3.000 sản phẩm ống hút các loại cùng các mặt hàng thủ công khác cung cấp cho nhiều nhà hàng trên cả nước. Cửa hàng 3T tại huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, mang lại công việc cho 10 người, hầu hết là bà con trong xóm, mức thu nhập hàng tháng khoảng 3-5 triệu/ người. Chị Nguyễn Thị Phượng làm việc tại của hàng 3T, chia sẻ: "Từ ngày làm cho Tiến đến giờ cảm thấy là có tiền nhiều hơn hồi xưa. Tôi cũng mừng. Tôi mong muốn là có hàng dài dài để làm cho Tiến. Tôi nghĩ ngày xưa mình mà có việc này để làm thì mình nuôi con mình thoải mái".

Lối sống tích cực, đơn giản, thân thiện và gần gũi với môi trường đang được nhiều bạn trẻ hướng đến. Ý tưởng kinh doanh từ những vật liệu có sẵn trong tự nhiên của anh Trần Minh Tiến ngoài mục đích góp phần mang lại nguồn thu nhập cho gia đình còn thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vừa bảo vệ sức khỏe con người, vừa giảm thiểu rác thải và bảo vệ môi trường. Đây được xem là “gợi ý” tuyệt vời cho giới trẻ đang tìm ý tưởng kinh doanh, thỏa lòng đam mê sáng tạo của mình trên bước đường lập thân, lập nghiệp.

Feedback