Hội Người mù thành phố Hà Nội, hành trình nâng cao đời sống tinh thần người khiếm thị

Mạnh Quỳnh
Chia sẻ
(VOV5) - Hội Người mù thành phố Hà Nội được thành lập từ năm 1972, đến nay Hội đã phát triển thành 30 đơn vị ở tại các quận, huyện và một chi hội Nguyễn Đình Chiểu.
Suốt những năm qua, Hội luôn phối hợp chặt chẽ cùng các đơn vị tại các địa bàn, thường xuyên tổ chức các lớp học chữ, học nghề đồng thời hướng nghiệp để những người khiếm thị vừa nâng cao trình độ, vừa có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.
Hội Người mù thành phố Hà Nội, hành trình nâng cao đời sống tinh thần người khiếm thị - ảnh 1Chương trình chăm lo tết cho người khiếm thị trên địa bàn thành phố Hà Nội: Ảnh do Thành Hội cung cấp

Kỷ niệm 54 năm ngày thành lập Hội Người mù Việt Nam(17/04/1969 - 17/04/2023), Hội Người mù thành phố Hà Nội đang có nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp này. Bà Chu Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội Người mù thành phố Hà Nội cho biết, một chuỗi những hoạt động xuyên suốt đã và đang triển khai ngay từ dịp Tết Nguyên Đán năm nay: "Tết Nguyên đán năm 2022 chúng tôi đã phát động cuộc thi đua tết ấm cho người khiếm thị, 100% các đơn vị trên thành phố đã vận động xã hội hóa được gần 5 tỷ đồng (khoảng 6000 suất quà) được trao cho 30 đơn vị trên toàn thành phố để chăm sóc tết cho hội viên. Nhân tháng thanh niên thì các bạn trẻ của thành phố cũng đã có một cuộc tôn vinh thanh niên khiếm thị với chủ đề vượt khó, vượt cản và khát vọng cống hiến của người khiếm thị trẻ. Tiếp theo là chúng tôi cũng tham gia hưởng ứng tuần lễ áo dài với chủ đề “nâng bước phụ nữ khiếm thị trong tà áo dài việt” cũng vừa được triển khai trong tháng thanh niên hướng đến ngày kỷ niệm của hội".

Hội Người mù thành phố Hà Nội, hành trình nâng cao đời sống tinh thần người khiếm thị - ảnh 2Một tiết mục trong hội thi tiếng hát người lao động do Hội người mù thành phố Hà Nội tổ chức: Ảnh do Thành Hội cung cấp

Hướng tới Đại hội của Thành Hội Người mù thành phố Hà Nội vào tháng 10 năm nay, Hội Người mù thành phố cùng các đơn vị tại các địa bàn sẽ tổng kết 20 năm Cuộc vận động “2 vượt, 4 rèn, 5 phấn đấu”. Cuộc vận động đã đem lại rất nhiều lợi ích cho hội viên, tổ chức Hội và cộng đồng xã hội.

Dịp này, Hội cũng đã phát động một cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật nhằm cổ vũ cho chương trình tổng kết cuộc vận động “2 vượt, 4 rèn, 5 phấn đấu”. Cuộc thi bao gồm những tác phẩm, sáng tác thơ, những bài hát mới hoặc viết lời mới cho những làn điệu dân ca, các sáng tác thơ, bài viết về những tấm gương vượt khó của người khiếm thị.

Hội Người mù thành phố Hà Nội, hành trình nâng cao đời sống tinh thần người khiếm thị - ảnh 3Chương trình “Lễ hội trăng rằm, vầng trăng nhân ái”: Ảnh do Thành Hội cung cấp

Những hoạt động này được các hội viên nô nức triển khai tại các cơ sở. Như Hội Người mù quận Đống Đa và Câu lạc bộ khiêu vũ dành cho người khiếm thị (Soler dance club) đã xây dựng một tiểu phẩm vui. Tiểu phẩm này với kịch bản, nội dung và diễn viên đều là những hội viên khiếm thị thực hiện. Chị Đỗ Thúy Hà, Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa chia sẻ: Tiểu phẩm này do chúng tôi vừa tự sáng tạo, biên kịch cũng như các diễn viên, ghi hình, âm thanh tất cả các thành viên tham gia đều là các bạn khiếm thị của cụm thi đua số 1, câu lạc bộ soler dance club này".

Hội Người mù thành phố Hà Nội, hành trình nâng cao đời sống tinh thần người khiếm thị - ảnh 4Tọa đàm vượt khó khăn, vượt rào cản và khát vọng cống hiến của thanh niên khiếm thị thủ đô: Ảnh do Thành Hội cung cấp

Anh Đỗ Xuân Quang, hiện đang là chủ nhiệm câu lạc bộ (Soler dance club), cũng chính là biên kịch chính cũng như đạo diễn của tiểu phẩm này, kể: “Đây như một sự hướng tới của các câu lạc bộ đối với các anh chị em khuyết tật, muốn cho mọi người hiểu rõ hơn về câu lạc bộ. Trước đây nhiều người nhìn nhận bộ môn thể thao khiếm thị này đôi khi là với con mắt chưa xác đáng lắm. Mình muốn nhân tiểu phẩm này có thể nói lên tiếng nói riêng của câu lạc bộ: Chúng tôi cũng thực sự đang rèn luyện một bộ môn thể thao không những bổ ích, rèn luyện về thể lực chí lực, phong cách mà còn giúp cho người khiếm thị khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần".

Hội Người mù thành phố Hà Nội, hành trình nâng cao đời sống tinh thần người khiếm thị - ảnh 5Các vận động viên tại cuộc thi "bước nhảy xóa mọi khoảng cách" cuộc thi khiêu vũ dành cho người khiếm thị: Ảnh do NVCC

Theo bà Chu Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội Người mù thành phố Hà Nội, trong những năm qua, nhiều hoạt động giúp đỡ các hội viên được thành hội liên tục được triển khai đem đến những hiệu quả thiết thực: “Hội thực hiện rất nhiều hoạt động để giới thiệu với cộng đồng. Đối với tổ chức nội bộ, hội thường xuyên tổ chức các hoạt động như dạy chữ, dạy nghề cho các thành viên hội cũng như giới thiệu các sản phẩm của hội đến với mọi người để mọi người có thể hiểu thêm và sẵn sàng sẻ chia và giúp đỡ người khiếm thị".

Hội Người mù thành phố Hà Nội, hành trình nâng cao đời sống tinh thần người khiếm thị - ảnh 6Bà Chu Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội người mù thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị tổng kết 20 năm cuộc vận động "2 vượt, 4 rèn, 5 phấn đấu": Ảnh do Thành Hội cung cấp

Mặc dù hoạt động của Hội còn rất nhiều khó khăn, luôn luôn cần sự chung tay đồng cảm, đồng hành của xã hội, nhưng những người khiếm thị đã luôn cố gắng nỗ lực để sống vui, sống có ích, hòa nhập và đóng góp cho xã hội. Trong số các hội viên, có rất nhiều những tấm gương vượt khó, cá nhân tiêu biểu đạt thành tích cao tại các cuộc thi cả trong và ngoài nước. Bà Chu Thị Thu Hà nói: “Chúng tôi rất cảm ơn sự quan tâm của Đảng, nhà nước cũng như sự tạo điều kiện của cộng đồng xã hội giúp cho những người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng có rất nhiều những cơ hội để các bạn ý được học tập, nâng cao năng lực. Tuy mất đi đôi mắt nhưng các bạn ý vẫn có thể học tập, vẫn có thể tiếp tục những mơ ước của các bạn ý. Có rất nhiều em không chỉ học tập trong nước mà còn học nước ngoài như em Nghiêm Thu Trang ở Ứng Hòa, rồi như chị Đỗ Thúy Hà Chủ tịch người mù quận Đống Đa bạn ý có 2 bằng thạc sỹ quốc tế đã từng du học ở Nhật và tới đây là đi học ở Canada. Có những bạn thì có thể làm MC truyền hình, đó chính là những niềm tự hào của người khiếm thị chúng tôi".

Những người khuyết tật nói chung hay những người khiếm thị nói riêng, luôn cần có điểm tựa tinh thần giúp họ phát huy khả năng hòa nhập với cộng đồng và xã hội. Và những nỗ lực hoạt động trong suốt những năm qua từ Hội Người mù Thành phố Hà Nội cũng là một trong những điểm tựa thiết thực đó.

Feedback