Hồ sơ chứng tích chiến tranh Việt Nam: Tri ân các Anh hùng liệt sỹ, hàn gắn vết thương chiến tranh

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Mặc dù những kỷ vật trong “Hồ sơ chứng tích chiến tranh Việt Nam” không thể xóa đi đau thương của các gia đình liệt sỹ nhưng phần nào đã động viên họ, góp phần hòa giải giữa hai dân tộc.

Tổ chức “Trái tim Người lính Việt Nam” phối hợp với Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ (VNCA) thuộc Đại học Công nghệ Texas (Mỹ) thực hiện dự án phi lợi nhuận mang tên “Hồ sơ Chứng tích Chiến tranh Việt Nam”. Hồ sơ gồm: nhật ký, thư riêng, hiện vật, đồ dùng cá nhân... của các liệt sỹ hoặc các cựu chiến binh còn sống. Hai bên phối hợp tìm kiếm và trao trả Hồ sơ cho thân nhân các liệt sỹ, các cựu chiến binh, đồng thời tìm kiếm hài cốt các liệt sỹ vẫn còn mất tích trong chiến tranh.

Hồ sơ chứng tích chiến tranh Việt Nam: Tri ân các Anh hùng liệt sỹ, hàn gắn vết thương chiến tranh - ảnh 1Trao tặng Hồ sơ chứng tích chiến tranh Việt Nam lần thứ 2 tháng 6/2024. Ảnh: Ngọc Anh

Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ (VNCA), Đại học Công nghệ Texas ở thành phố Lubbock, bang Texas, Mỹ, được thành lập cách đây 35 năm (năm 1989), có nhiệm vụ thu thập và bảo quản các tài liệu và thông tin về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Các giảng viên tại Đại học Công nghệ Texas phân loại, định vị các kỷ vật và khoanh vùng địa lý, giúp cho tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” có thể xác minh liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ dễ dàng hơn. Bà Tosha Dupras, Tiến sĩ, Viện trưởng Khoa học và Nghệ thuật, Đại học Công nghệ Texas, cho biết: “Trong 35 năm qua, Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ và Viện nghiên cứu Hòa bình và Xung đột thuộc Đại học Công nghệ Texas đã thu thập tài liệu, hiện vật trong cuộc chiến tranh Việt Nam để bảo tồn quá khứ, tôn vinh những anh hùng liệt sỹ đã phục vụ và hy sinh vì đất nước. Đồng thời, thúc đẩy, hàn gắn vết thương chiến tranh và hòa giải giữa hai dân tộc Mỹ và Việt Nam. Chúng tôi đã làm việc cùng nhau để xác định các quyển nhật ký cá nhân, sổ ghi chép, thư từ và các tài liệu được lưu lại ở chiến trường khốc liệt Việt Nam hơn 50 năm trước và tìm kiếm các cựu chiến binh hoặc thành viên gia đình liệt sỹ để trao lại cho họ”.

Hồ sơ chứng tích chiến tranh Việt Nam: Tri ân các Anh hùng liệt sỹ, hàn gắn vết thương chiến tranh - ảnh 2Trao tặng di ảnh cho đại diện các gia đình liệt sỹ tháng 6/2024. Ảnh: Ngọc Anh

Căn cứ nguồn tư liệu do VNCA gửi, Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” đã biên soạn và giới thiệu trên mạng xã hội facebook và Tạp chí điện tử “Văn hóa và Phát triển” để giúp thân nhân các liệt sỹ thuận lợi trong việc tìm kiếm người thân của mình. Tháng 6/2023, tại Hà Nội, Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ phối hợp với Viện Hòa bình và Xung đột, Đại học Công nghệ Texas, lần đầu tiên bàn giao một phần “Hồ sơ chứng tích chiến tranh Việt Nam” cho Tổ chức “Trái tim Người lính Việt Nam”.

Hồ sơ bàn giao lần đầu, gồm có 5 nhật ký và 30 lá thư được viết trong chiến tranh của các cá nhân (hầu hết là liệt sỹ). Một năm sau, tháng 6/2024, cũng tại Hà Nội, diễn ra lễ bàn giao, tiếp nhận “Hồ sơ chứng tích chiến tranh Việt Nam” lần thứ 2, gồm hơn 30 “Hồ sơ chứng tích chiến tranh” cùng nhiều kỷ vật, di vật. Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng, người sáng lập, Chủ tịch tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam”, cho biết: “Để có các hồ sơ chứng tích chiến tranh Việt Nam, Ban tổ chức, đặc biệt là các bạn phía Mỹ đã làm việc vất vả hàng năm trời mới có được hơn 30 hồ sơ chứng tích chiến tranh. Chúng tôi rất bất ngờ và cảm động khi tìm ra được hơn 10 hồ sơ hồi âm, trong đó có 3 cựu chiến binh vẫn còn sống. Còn nhiều hồ sơ nữa chúng tôi sẽ cùng phối hợp với phía Mỹ sẽ tiếp tục tìm kiếm, giới thiệu những năm tới”.

Việc phía Mỹ hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm các hiện vật và trao trả “Hồ sơ chứng tích chiến tranh Việt Nam” là việc làm ý nghĩa và nhân văn. Tiến sĩ Steve Maxner, Giám đốc Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ, Đại học Công nghệ Texas, cho biết: “Những tài liệu, hiện vật mà chúng tôi trao lại có thể là sự khởi đầu của một hành trình mới để tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ có thể đưa được hài cốt về quê hương. Một số trường hợp, các báo cáo của chúng tôi cung cấp và chứa thông tin hữu ích có thể rất gần với nơi mà người lính ấy được chôn cất trong thời chiến. Các thân nhân liệt sỹ có thể liên hệ với chúng tôi và chúng tôi sẽ trao đổi với họ những thông tin cần thiết để giúp tìm hài cốt của thân nhân mình”.

Mặc dù những kỷ vật trong “Hồ sơ chứng tích chiến tranh Việt Nam” không thể xóa đi đau thương của các gia đình liệt sỹ nhưng phần nào đã động viên, an ủi họ, góp phần hòa giải giữa hai dân tộc. Cựu chiến binh Mỹ, ông Ron Milam, Viện trưởng Viện Hòa bình và Xung đột, Đại học Công nghệ Texas, cho rằng: “Ngày hôm qua chúng ta ở hai bên chiến tuyến nhưng ngày hôm nay chúng ta có thể ngồi lại cùng nhau để tôn vinh nhau, kể cho nhau nghe những câu chuyện chiến tranh, để bắt chặt tay nhau, cùng mỉm cười và cùng nhau chia sẻ những kỷ niệm thời chiến”.

Trong khuôn khổ dự án “Hồ sơ chứng tích chiến tranh Việt Nam”, Tổ chức “Trái tim người lính” và Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” cũng phục dựng di ảnh chân dung các liệt sỹ để trao tặng cho các gia đình liệt sỹ. Nhận di ảnh anh trai mình, cựu chiến binh Phan Trọng Sơn, em trai của liệt sỹ Phan Trọng Vân, bày tỏ: “Tôi rất xúc động khi nhận được di ảnh của người anh mình đã hy sinh cách đây hơn 50 năm. Phục dựng những di ảnh người thân chúng tôi đã hy sinh ở chiến trường là việc làm rất ý nghĩa. Chúng tôi cảm tưởng như người thân đã trở về với gia đình”.

Hồ sơ chứng tích chiến tranh Việt Nam là nguồn tư liệu phong phú, sinh động và chân thực về cuộc kháng chiến giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam. Hồ sơ chứng tích chiến tranh Việt Nam đã góp phần tri ân các Anh hùng liệt sỹ, hàn gắn vết thương chiến tranh, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. 

Feedback