Hành động để bảo vệ môi trường, bảo vệ biển và đại dương

Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nước biển dâng.

Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm nay được Chương Trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề "Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa”.

Hưởng ứng sự kiện này, Việt Nam đã triển khai những việc làm thiết thực, hiệu quả, nhằm giữ vững đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu; chống rác thải nhựa, bảo vệ đại dương.

Hành động để bảo vệ môi trường, bảo vệ biển và đại dương - ảnh 1Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cùng các đại biểu tham gia nhặt rác, làm sạch biển tại sự kiện Lễ phát động quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường, hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới, Ngày Đại dương Thế giới năm 2023. Ảnh: dangcongsan.vn

Với khoảng 50% dân số cả nước sống ở các vùng đất thấp và ven biển, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nước biển dâng. Điều này dã đặt ra thách thức trong thực hiện các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và phát triển bền vững của đất nước, đòi hỏi phải có những giải pháp ứng phó thiết thực và kịp thời.

Phát biểu tại Lễ phát động quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới (8/6), Ngày Môi trường thế giới năm nay, diễn ra hôm qua (4/6) tại tỉnh Nghệ An, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh: "Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới năm nay là cơ hội để chúng ta cùng nhau khẳng định quyết tâm, thay đổi nhận thức, thống nhất hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức đặt ra, ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ ô nhiễm và suy thoái môi trường, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo, bảo đảm cân bằng sinh thái; thay thế từng bước việc sử dụng túi nilon khó phân hủy bằng sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường trong đời sống sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước."

Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược gồm 4 mục tiêu cụ thế là khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo; Bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; Ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai; Điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: "Đây là sự kiện có ý nghĩa, khẳng định quyết tâm, tầm nhìn chiến lược nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển bền vững kinh tế biển; bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả, công bằng tài nguyên trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh trên các vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

Hương ứng Ngày Môi trường thế giới, các địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để “chống ô nhiễm nhựa”. Tại Bến Tre, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn đã tổ chức thu gom, phân loại, xử lý rác thải, nhất là rác thải nhựa; phát triển mô hình thu gom rác thải nhựa phục vụ tái chế, gây quỹ... Chị Nguyễn Thanh Hiền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Bến Tre, chia sẻ: 'Sức lan tỏa đối với mô hình này ngày càng lan tỏa, phát triển sâu rộng hơn. Chị em rất có ý thức trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, chị em có ý thức phân loại rác thải rất tốt. Bên cạnh đó, có mô hình "ngôi nhà xanh, biến rác thải phế liệu thành tiền; nghĩa là cũng phân loại rác thải, rồi chị em sử dụng tiền thu gom rác thải, phế liệu gây quỹ để hỗ trợ cho các trẻ mồ côi hay giúp các phụ nữ khó khăn."

Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới có lượng rác thải nhựa và túi nilon lớn. Vì vậy, Chính phủ và người dân Việt Nam đã và đang nổ lực kiểm soát rác thải nhựa để bảo vệ môi trường… từ đó khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo, vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Feedback