Giao lưu ra mắt sách Con về không phải bởi phép màu: đồng hành cùng trẻ tự kỷ

Ngọc Lan
Chia sẻ
(VOV5) - “Mỗi đứa trẻ tự kỉ là một thế giới khép kín. Hãy kiên nhẫn gõ cửa, điều kì diệu sẽ xảy ra”.

Buổi giao lưu ra mắt sách Con về không phải bởi phép màu, đồng hành cùng trẻ tự kỷ diễn ra vào sáng thứ Bảy, tại sân khấu Phố sách Hà Nội, đường 19/12, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Ngoài chương trình giao lưu với tác giả Đào Hải Ninh và các khách mời xung quanh câu chuyện nuôi dạy trẻ tự kỉ, NXP Phụ nữ cũng tổ chức hội chợ gây quỹ ủng hộ các hoạt động dành cho trẻ tự kỉ: diễn ra toàn buổi sáng tại phố sách Hà Nội.

Giao lưu ra mắt sách Con về không phải bởi phép màu: đồng hành cùng trẻ tự kỷ - ảnh 1

Con về, Con về không phải bởi phép màu là bộ đôi sách kể về quá trình nuôi, dạy trẻ tự kỉ, được viết bởi tác giả Đào Hải Ninh và các giáo viên của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Hỗ trợ trẻ tự kỉ Tuệ Quang. Bằng kinh nghiệm thực tế, các tác giả khẳng định: “Mỗi đứa trẻ tự kỉ là một thế giới khép kín. Hãy kiên nhẫn gõ cửa, điều kì diệu sẽ xảy ra”. Mong muốn của các tác giả, cũng như của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, khi xuất bản hai cuốn sách này, là tiếp thêm niềm tin cho các bậc cha mẹ, ông bà, người thân và người làm việc với trẻ tự kỉ, rằng, bằng tình yêu thương, sự hiểu biết và nhẫn nại, họ có thể đưa một trẻ tự kỉ “trở về” với cuộc sống bình thường.

Hai cuốn sách đã góp phần làm đầy đặn tủ sách nuôi dạy trẻ tự kỉ của Nxb Phụ nữ Việt Nam, với những cuốn sách đã xuất bản trước đó, là: Đưa con trở lại thiên đường, Ông biết tuốt, đầu bò và tự kỉ, Nuôi dạy trẻ có rối loạn phổ tự kỉ, Hướng dẫn cha mẹ thực hành trị liệu hoạt động cho trẻ tự kỉ, Can thiệp phổ tự kỉ hàng ngày, Thúc đẩy giao tiếp: 300 trò chơi dành cho trẻ tự kỉ. 

Chị mong con có thể quên đi tất cả, có thể phát triển bình thường, có một công việc làm tự nuôi sống bản thân và xa hơn chị mong con sẽ có được một người yêu thương, có mái ấm riêng nhưng chị cũng rất vui khi con vui vẻ chấp nhận sự đặc biệt của mình và sẵn lòng chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ.

Giao lưu ra mắt sách Con về không phải bởi phép màu: đồng hành cùng trẻ tự kỷ - ảnh 2

Cuốn Con về  ghi lại một cách chi tiết và trung thực quá trình đồng hành cùng con của chị. Đồng hành cùng con là một hành trình gian nan đầy nước mắt và sự hi sinh của người mẹ từ những ngày đầu đến khi khi gặt hái quả ngọt -con chị có thể trở về với cuộc sống bình thường.

Từ thành công của chị, rất nhiều gia đình có con tự kỷ mong muốn được chị chia sẻ để tiếp thêm nghị lực sống, chị đã lập hội quán Con về để những gia đình có con tự kỷ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và tiếp thêm nghị lực sống cho nhau.

Sau đó để giúp được nhiều gia đình có con tự kỷ hơn và hoạt động hiệu quả hơn chị đã thành lập trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Hỗ trợ trẻ tự kỷ Tuệ Quang. Chị và những cộng sự của mình tập trung nghiên cứu các phương pháp dạy trẻ tự kỷ tại nhà đồng bộ từ phương pháp vận động – phục hồi chức năng, đến nạp thông tin, hưỡng dẫn kỹ năng sống cho trẻ tự kỷ nhằm giúp cho các con vừa có đủ sức khỏe vừa có đủ kĩ năng để theo kịp các bạn cùng lứa tuổi giúp trẻ hòa nhập của trẻ với cộng đồng.

Chị cùng những cộng sự của mình đưa ra lộ trình hỗ trợ trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng cho từng trường hợp riêng biệt. Sự chia sẻ, gắn kết giữa trung tâm và gia đình để mỗi phụ huynh là một giáo viên đặc. Là một người mẹ có con tự kỷ, một người làm giáo dục đặc biệt, chị luôn tâm niệm rằng gia đình là nơi tốt nhất để dạy trẻ và mỗi cha mẹ là những người giáo viên “đặc biệt” tốt nhất cho con. Chị khao khát giúp đỡ những người phụ nữ có cùng cảnh ngộ như mình - những người phụ nữ tưởng chừng không thể hoạch định được tương lai bởi sự cản bước từ hội chứng tự kỷ của con mình có thể vượt lên số phận và làm chủ cuộc sống.

Không những thế chị còn truyền cảm hứng cho những giáo viên, nhân viên tại trung tâm, có những người lúc đầu lựa chọn làm việc với trẻ tự kỉ chỉ là để có một công việc mưu sinh, nhưng sau khi được làm việc cùng các con, chứng kiến hành trình giúp con về của các gia đình họ đã coi mình là người trong cuộc và tự nguyện gắn bó với nghề.

Từ những ngày đầu thành lập, đâu đó vẫn có ánh mắt nghi ngờ dò xét, coi việc chị làm “cũng chỉ là kinh doanh giáo dục mà thôi”, chị bỏ ngoài tai tất cả những điều tiếng đó, chị coi đó là nghiệp của mình và cứ thế làm, chị nghỉ hẳn công việc là giám đốc chi nhánh của một ngân hàng toàn tâm toàn ý xây dựng Trung tâm. Sự bền bỉ của chị dần dần được xã hội khẳng định, phụ huynh tin tưởng, năm 2019 Trung tâm Tuệ Quang đã vinh dự được nhận danh hiệu Én Xanh - Sáng kiến kinh doanh vì mục tiêu phát triển bền vững.

Giao lưu ra mắt sách Con về không phải bởi phép màu: đồng hành cùng trẻ tự kỷ - ảnh 3

Cuốn sách Con về không phải bởi phép màu tập hợp 15 bài viết về 15 câu chuyện tự kỉ điển hình được ghi lại một cách chân thực từ hoạt động của Trung tâm Tuệ Quang, có trường hợp can thiệp thành công, nhưng cũng có những trường hợp không được như mong muốn. Qua đó, tác giả nhắn gửi đến cha mẹ trẻ tự kỷ đừng buông xuôi, hãy can thiệp càng sớm càng tốt và điều quan trọng nhất là cha mẹ phải đồng hành cùng con, không thể chỉ phó mặc cho bất kì ai hay bất kì trung tâm nào, không có bất cứ phép màu nào nếu không có sự đồng hành của cha mẹ.

Cuốn sách được ghi từ nhiều giọng kể khác nhau, khi thì là góc nhìn của giáo viên trực tiếp hướng dẫn, khi thì là lời kể của cha mẹ những người của trẻ tự kỷ. Cuốn sách được viết bởi những cây bút không chuyên, những chính sự không chuyên đó lại mang lại sự xúc động với cảm xúc chân thật từ góc nhìn của những người trong cuộc.

Khi tôi muốn làm một bộ phim tài liệu về trẻ bị tự kỷ, cái duyên đưa đẩy tôi được gặp chị Đào Hải Ninh - người có con bị tự kỷ, người giúp tôi rất nhiều khi thực hiện bộ phim này. Từ những trang bản thảo ban đầu, tôi hẹn gặp và đến Trung tâm Tuệ Quang. Chị dẫn tôi đi thăm quan trung tâm, gặp gỡ và trao đổi với vài người (theo dân trong nghề của tôi là đi khảo sát bối cảnh và nhân vật). Quả thực, nếu không tìm hiểu trước thì tôi choáng thật sự! Nào thì cô giáo, nào thì phụ huynh, nào thì trẻ con khóc, nào là những đữa trẻ mắt đang nhìn đi đâu đó trong không gian, chạy nhảy không biết đâu là đường và tường. Và rồi ở một không gian khác chỉ là những lời nói “nóng và lạnh” được phát ra…..

Quả thật, đến giờ tôi mới thấm, mới hiểu thế nào là hai từ “Con về” trong cuốn tự truyện trước đó của chị Ninh. “Con về” từ những bài học đầu tiên! “Con về” là sự kiên trì, kiên trì không biết mệt mỏi hàng 100, hàng 1.000 lần. Không chỉ đưa con gái mình - bé Phương Minh - một đứa trẻ tự kỷ đã hoà nhập cuộc sống bình thường và đang chuẩn bị bước vào đại học, chị Ninh và trung tâm Tuệ Quang đã cùng đồng hành cùng hàng trăm gia đình gắng sức đưa những đứa trẻ tự kỷ trở về với cuộc sống bình yên này.Con về” là cần sự trợ giúp của rất nhiều người! “Con về” cần phải có sự yêu thương, đồng hành của cả gia đình!

Đạo diễn Phạm Văn Kiểm- Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương

Feedback