Vấn đề sử dụng nhựa tràn lan đang là một trong những thách thức đối với ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm đại dương nói riêng. Với mức độ ô nhiễm nhựa đang báo động ở quy mô toàn cầu như hiện nay thì chi phí loại bỏ nhựa ra khỏi môi trường, đối với Việt Nam là rất lớn. Vì thế, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cùng với tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, nhằm hạn chế và tiến tới ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu vực ven biển và trên biển tại Việt Nam. Đây là nhận định chung của các diễn giả tại một tọa đàm “Chung tay đẩy lùi ô nhiễm rác thải đại dương” diễn ra mới đây do Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức ở Hà Nội.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Theo một báo cáo mới đây của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, mức tiêu dùng đồ nhựa tại Việt Nam đã gia tăng đều trong hai thập kỷ qua và Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia là nguồn thải của 8 triệu tấn rác thải nhựa ra đại dương mỗi năm. Với trung bình mỗi một người dân thải ra hơn 40kg rác thải nhựa mỗi năm, Việt Nam là nước đứng thứ 3 sau Thái Lan và Malaysia về mức độ rác thải nhựa tính trên đầu người tại Đông Nam Á. Kết quả là hệ thống rác thải đô thị của Việt Nam phải oằn mình nhưng cũng không đáp ứng kịp với mức độ thải gia tăng, dẫn tới tình trạng dòng rác thải nhựa và các chất thải khác đổ vào các sông, hồ nội địa và đổ ra biển dọc theo hơn 3.300 km bờ biển của đất nước.
Mỗi năm thiệt hại kinh tế đối với hệ sinh thái biển toàn cầu do rác thải nhựa gây ra hơn chục tỷ USD. Ảnh minh họa/ LA |
Trước thực trạng này, bà Holly Linqiust Thomas, Trưởng phòng công nghệ - môi trường và y tế- Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt kêu gọi, chúng ta không thể trì hoãn thêm nữa mà phải cùng hành động quyết liệt và rốt ráo ngay từ hôm nay: “Ai cũng biết, nhựa tồn tại ở khắp mọi nơi trong cuộc sống. Trong số 10 loại rác được thu gom nhiều nhất ở các dự án làm sạch môi trường ven biển có các túi đựng thực phẩm, ống hút, chai lọ, hộp đựng đồ ăn mang đi. Tất cả đều làm từ nhựa và đang gây ô nhiễm nghiêm trọng ra môi trường. Vì thế chúng ta phải hành động từ các khu vực chính phủ, công ty, doanh nghiệp, tổ chức và từ tất cả các cá nhân. Chúng ta phải hành động ngay từ ngày hôm nay nếu muốn đảo ngược lại một trong những thảm họa lớn nhất về môi trường hiện nay”
Hiện nay, vấn đề nhận thức về tác hại của “ô nhiễm trắng” ngày càng được nâng cao với việc Nhà nước, các tổ chức và cộng đồng địa phương đang nỗ lực hành động để ngăn chặn làn sóng rác thải nhựa, trong đó thực hiện theo Kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam về Quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Một trong các giải pháp về xử lý rác thải bắt nguồn từ công tác thu thập, vận chuyển cho đến tái chế xử lý. Do vậy, việc thay đổi hành vi người dùng luôn là vô cùng quan trọng và cấp thiết.
Phân loại rác tại nguồn - vì một nền kinh tế tuần hoàn bền vững |
Ông Nguyễn Đức Dương, cơ quan phát triển Hoa Kỳ (USAID) cho rằng: “Thông qua những hành động cụ thể như vậy, chúng ta sẽ đóng góp được môt phần quan trọng vào công tác đảm bảo phân loại rác thải tại nguồn. Điều này hỗ trợ rất nhiều không chỉ cho việc thu thập, vận chuyển xử lý rác thải về sau mà còn giúp cho công tác quản lý chất thải rắn. Đây gần như là một đầu vào quan trọng nhất trong xử lý chất thải nói chung. Tôi tin rằng, nếu toàn bộ xã hội vào cuộc và hành động quyết liệt chắc chắn câu chuyện về xử lý ô nhiễm này sẽ mang hiệu quả gấp nhiều lần”.
Tọa đàm: Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. |
Còn theo TS Trịnh Thái Hà, Giám đốc Quốc gia Chương trình Đối tác hành động quốc gia về Nhựa tại Việt Nam (NPAP) thì một trong những giải pháp có thể tạo ra đòn bẩy cho giải quyết vấn đề, chính là việc làm tăng giá trị sau sử dụng của sản phẩm nhựa:
“Đối với chương trình NPAP, chúng tôi sử dụng cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn, dựa trên các giải pháp, các quyết tâm về chính trị của các khối tư nhân, cũng như các tổ chức đang hỗ trợ Việt Nam giải quyết vấn đề này. Nếu chúng ta tuân theo lộ trình Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa tại Việt Nam đưa ra thì một lượng rác thải nhựa không được quản lý, thải ra đại dương sẽ giảm từ 41,8% xuống còn 9,1% cho đến năm 2030. Ngoài ra, chúng ta cần giảm tối đa u việc sử dụng sản phẩm nhựa không cần thiết, thay thế chúng bằng những vật liệu thân thiện môi trường hơn và tăng cường năng lực tái chế hệ thống cũng như quản lý một cách tốt hơn việc thải bỏ”
Ghi nhận những nỗ lực của chính phủ Việt Nam, đặc biệt trong việc sửa đổi luật Bảo vệ Môi trường có hiệu lực 1/1/2022, trong các chương trình hợp tác, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ triển khai việc ưu tiên các giải pháp nhằm giảm lượng chất thải, phát triển giải pháp mới về tái sử dụng vật liệu, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn hơn.
Đặc biệt, để giúp môi trường biển khỏe mạnh hơn, năm nay, một chương trình toàn cầu của USAID mang tên Thành phố sạch, Đại dương xanh được khởi động tại Việt Nam, qua đó hỗ trợ những thành phố và cộng đồng chịu tác động từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng xoay chuyển dòng thủy triều rác thải nhựa đại dương. Dự án được thực hiện tại 4 địa phương là Phú Quốc, Đà Nẵng, Biên Hòa và Huế. Cùng với đó, USAID tiếp tục nhân rộng những mô hình, hỗ trợ sáng kiến khác về làm xanh, sạch biển tại các địa phương như Phú Quốc, Hạ Long…
Ông Nguyễn Đức Dương, Văn phòng Biến đổi Khí hậu, Năng lượng và Môi trường, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ nhấn mạnh, chương trình hành động của USAID tập trung vào 5 vấn đề chính: “Thứ nhất liên quan đến môi trường pháp lý cũng như các quy trình thủ tục cho kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy 3R. Thứ 2 liên quan đến công tác cơ sở hạ tầng, thúc đẩy và hoàn thiện hệ thống quản lý rác thải không chỉ ở tầm trung ương mà tại các địa phương. Thứ 3 là hỗ trợ phát triển thị trường cho các sáng kiến áp dụng phù hợp với nhu cầu năng lực từngđịa phương. Thứ 4 liên quan đến hành vi của từng cá nhân sẽ dẫn đến sự thay đổi của cả xã hội cộng đồng nhấn mạnh cần phân loại rác tại nguồn. Từ đó thúc đẩy công tác 3R. Cuối cùng là câu chuyện hỗ trợ chuỗi giá trị, nó nằm trong hệ thống rác thải rắn chứ không chỉ riêng là rác thải nhựa”
Cùng với sự tham gia, tăng cường hợp tác trong mạng lưới đối tác môi trường quốc tế, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp, chương trình về chống ô nhiễm rác thải nhựa toàn cầu. Tin rằng, trong thời gian không xa, với sự nỗ lực và chung tay của cộng đồng quốc tế, sẽ mang lại cho cuộc sống, đặc biệt cho các đại dương một môi trường sinh thái phong phú, trong lành như vốn có.