Già Bríu Pố, người có uy tín ở thôn Arớh, xã Lăng, tỉnh Quảng Nam

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) -  Tự hào về già Bríu Pố, bà con xã Lăng coi ông là tấm gương sáng để mọi người học tập. 

Ở thôn Arớh, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, nhắc đến tên già Bríu Pố thì ai cũng biết. Ông là người Cơ Tu đầu tiên có bằng Đại học, là Nghệ nhân Ưu tú, người làm kinh tế nông nghiệp tiêu biểu. Già làng Bríu Pố từng được người dân tín nhiệm bầu làm lãnh đạo ở địa phương nhiều năm liền.

Già làng Bríu Pố sinh năm 1949, nay ông đã có 37 năm tuổi Đảng. Năm 1977, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Thái Nguyên, chàng thanh niên Bríu Pố trở thành người Cơ Tu đầu tiên có bằng Đại học. Sau đó, anh trở về quê với khát vọng đóng góp công sức của mình để xây dựng quê hương.

Già Bríu Pố, người có uy tín ở thôn Arớh, xã Lăng, tỉnh Quảng Nam - ảnh 1Già làng Bríu Pố. Ảnh Ngọc Anh

Ông Bríu Pố nhớ lại: "Hồi nhỏ, tôi ra Bắc học Trường Dân tộc Trung ương ở Hà Nội. Đảng, Nhà nước cho tôi đi sang Trung Quốc học ở thành phố Quế Lâm, sau đó về học trường Đại học Sư phạm thành phố Thái Nguyên (1973 - 1977). Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên trở về quê hương, tôi làm Hiệu trưởng Trường bổ túc văn hóa, rồi tăng cường về xã làm Bí thư, Chủ tịch xã Lăng từ năm 1989 đến năm 2005."

Khi đang đương chức Chủ tịch xã Lăng, già Bríu Pố quyết định nghỉ hưu trước 2 năm (2 năm này già Bríu Pố không nhận lương), vừa tạo điều kiện cho lớp trẻ phát triển, vừa bắt tay vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Ông luôn tâm niệm rằng đói nghèo là giặc, vậy nên bà con cần quyết tâm đánh giặc đói nghèo. Trên suy nghĩ đó, già Bríu Pố tập trung làm kinh tế nông nghiệp. Hơn 10 năm qua, ông mày mò nghiên cứu, nhân giống thành công cây ba kích và hướng dẫn, giúp đỡ bà con xóa đói giảm nghèo từ trồng loại cây này.

Già Bríu Pố kể:"Tôi trồng cây ba kích từ năm 2007. Lúc đầu lấy cây ba kích từ rừng về trồng thử hơn 100 cây. Tôi là người đầu tiên bảo tồn được gen cây ba kích bản địa địa, mãi mãi không bị tuyệt chủng. Đó là điều tôi rất tự hào. Diện tích ba kích hiện nay của tôi là 1,3 ha, bán giá 500 ngàn đồng/kg, 1 năm thu nhập hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn đào nuôi cá. Ao cá thả chép và cá trắm cỏ, 1 năm thu được 210 triệu đồng tiền cá. Tôi lấy cây ba kích làm cây trồng kinh tế mũi nhọn đầu tiên. Kết quả tốt, tôi hướng dẫn bà con trong thôn, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây ba kích. Bà con đến học tập trồng cây ba kích, người nào có điều kiện cũng đào ao nuôi cá."

Già Bríu Pố, người có uy tín ở thôn Arớh, xã Lăng, tỉnh Quảng Nam - ảnh 2Trung tá Ating Chơn, Trưởng công an xã Lăng đến thăm già làng Bríu Pố.
Ảnh: Ngọc Anh

Vừa nghe già làng nói, vừa tận mắt chứng kiến cách làm ăn hiệu quả của già Bríu Pố, bà con trong vùng bắt đầu học theo. Đến nay, không chỉ ở thôn Arớh, xã Lăng mà khắp huyện Tây Giang, đã triển khai trồng ba kích quy mô lớn. Chính quyền hỗ trợ mua cây giống cho các hộ gia đình, hướng dẫn kỹ thuật và nhận bao tiêu sản phẩm.

Ông Bling Miên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lăng, cho biết: "Gia đình bác Bríu Pố là gia đình cách mạng, đóng góp nhiều cho xã Lăng. Bác là người có uy tín ở huyện Tây Giang. Bác Bríu Pố là một tấm gương tốt, đáng để mọi người học hỏi, đặc biệt là người dân tộc thiểu số ở xã Lăng nói riêng, huyện Tây Giang nói chung."

Với vai trò là người có uy tín, già làng Bríu Pố luôn đi đầu gương mẫu trong mọi công việc xã hội ở địa phương. Ông cũng tích cực tham gia cùng lực lượng chức năng bảo an ninh trật tự ở xã Lăng.

Thiếu tá Ngô Văn Thìn, Phó trưởng Công an huyện Tây Giang, cho biết: "Chú Bríu Pố là già làng có uy tín. Chú Bríu Pố luôn là cầu nối để tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước đến nhân dân ở trong thôn, trong xã. Từ đó, người dân hiểu và chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước."

Không chỉ giỏi làm ăn kinh tế, già Bríu Pố còn là một bách khoa thư và là nghệ nhân uy tín ở huyện Tây Giang nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung. Ông viết truyện, làm thơ, có năng khiếu kể chuyện, thổi sáo rất hay… Già Bríu Pố còn tạo dựng sự nghiệp riêng cho mình với tư cách là một nghệ nhân điêu khắc. Ông dành tâm huyết dạy nghề các thế hệ con cháu tiếp tục nối nghề, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cơ Tu. Năm 2019, già Bríu Pố vinh dự được nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú do có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Cơ Tu.

Luôn lo âu về giữ gìn bản sắc văn hóa của người Cơ Tu, từ năm 2000, già Bríu Pố đã bắt tay thực hiện cuốn sách tâm huyết, trong đó ghi chép lại lịch sử, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, kiến trúc của đồng bào Cơ Tu. Già mong cuốn sách có thể xuất bản, như một tài liệu hữu ích giúp các thế hệ sau có thêm sự hiểu biết và tự hào hơn về giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Với những đóng góp của mình trong phát triển kinh tế và gìn giữ văn hóa của dân tộc Cơ Tu, già Bríu Pố là 1 trong 3 nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm báo chí “Bríu Pố và chuyện nêu gương”, tác phẩm đoạt giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ V năm 2020. Tự hào về già Bríu Pố, bà con xã Lăng coi ông là tấm gương sáng để mọi người học tập. 

Feedback