Đối thoại về chính sách liên quan tới lao động trẻ em trong bối cảnh các cam kết quốc tế về thương mại

Chia sẻ
(VOV5) - Đây là diễn đàn để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam và quốc tế, đề xuất các giải pháp phù hợp cho việc phòng, ngừa lao động trẻ em.

Đối thoại về chính sách liên quan tới lao động trẻ em trong bối cảnh các cam kết quốc tế về thương mại  - ảnh 1

Ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam phát biểu tại Đối thoại

Ngày 13/03, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Đối thoại về chính sách các tiêu chuẩn lao động quốc tế liên quan tới lao động trẻ em trong bối cảnh các cam kết quốc tế về thương mại. Đây là diễn đàn để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam và quốc tế cũng như các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, đưa ra các khuyến nghị, góp phần đề xuất các giải pháp phù hợp cho việc phòng, ngừa lao động trẻ em, đặc biệt là trong bối cảnh các cam kết quốc tế về thương mại. 

Tại đối thoại, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho rằng để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, cần có sự tham gia thường xuyên, phối hợp chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã hội, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng. Trong Dự án giảm thiểu và xóa bỏ lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020 đã đề cập cụ thể đến trách nhiệm các bên liên quan.     

Ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh: “Nhóm trẻ em có nguy cơ và nhóm trẻ em lao động trái quy định của pháp luật thì được phát hiện, hỗ trợ, can thiệp kịp thời để hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển. Mục tiêu chương trình này nhấn mạnh đến mục tiêu phòng ngừa. Ở các mục tiêu cụ thể thì có các mục tiêu liên quan đến nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan đến người sử dụng lao động, cộng đồng và trẻ em".

Về phía ILO, ông Chang Hee Lee, Giám đốc Tổ chức ILO tại Việt Nam, bày tỏ mong muốn tăng cường mối quan hệ đối tác với các doanh nghiệp để giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam và giúp cho Việt Nam giảm được những thách thức về kinh tế, nhân khẩu học, kỹ thuật, môi trường, đảm bảo quyền cơ bản nơi làm việc, điều kiện lao động thỏa đáng cho cả người lao động và doanh nghiệp.

Feedback