“Nếu không tận dụng nhanh và tốt những tiến bộ khoa học kỹ thuật từ cuộc Cáchmạng công nghệ lần thứ tư, không nỗ lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thì những mục tiêu chiến lược kinh tế-xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 - đưa Việt Nam trở thành Quốc gia phát triển, có mức thu nhập cao, khó có thể trở thành hiện thực”. Đó là khẳng định của các chuyên gia quốc tế và trong nước khi bao quát nỗ lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, từ tầm vĩ mô đến cấp doanh nhân, doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Theo báo cáo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2022 phát hành bởi BambuUp mới đây: Trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam, có khoảng 3.800 startup đang hoạt động. Ngoài 4 startup đạt đến trạng thái kỳ lân (giá trị đạt trên 1 tỷ USD là VNG, VNLife, MoMo và Sky Mavis), doanh nghiệp nghiệp khởi nghiệp công nghệ Việt Nam có trạng thái tiệm cận “kỳ lân” bao gồm Tiki, Giao hàng Tiết kiệm, Trusting Social, Kyber Network, KiotViet, Amanotes và Giao hàng nhanh. Có hơn 200 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động và đầu tư cho các startup tại Việt Nam, trong đó có gần 40 quỹ đầu tư nội địa.
Mới đây, vào cuối tháng 10/2022, trong một sự kiện quy mô quốc tế về đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, “Ở tầm vĩ mô, mục tiêu của toàn nền kinh tế là rất lớn: 7 năm nữa, vào năm 2030, Việt Nam phải là nước đang phát triển, trình độ công nghiệp hiện đại, mức thu nhập trung bình cao; 23 năm nữa, Việt Nam là quốc gia phát triển, trình độ công nghiệp hiện đại, có mức thu nhập cao. Vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là vô cùng quan trọng với tất cả các Quốc gia, đặc biệt với Việt Nam”: Băng TET 22/01 CHI DUNG
“Việt Nam đạt được rất nhiều thành tựu trong quá trình 35 năm đổi mới vừa qua, nhưng cũng đang đứng trước nhiều thách thức từ bên ngoài đến từ nội tại. Làm thế nào vượt qua được? Việt Nam đã xác định con đường duy nhất, cơ hội duy nhất là phải tranh thủ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là cơ hội cho Việt Nam. Việt Nam đã khẳng định trong tất cả các văn kiện, qua các Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, qua chiến lược phát triển đất nước về kinh tế xã hội 10 năm, hay là Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư... Quốc hội rồi Chính phủ đã tập trung vào xây dựng thể chế, đó là các chiến lược, kế hoạch, các chương trình hành động cụ thể để triển khai, vì mục tiêu này”.
Từ đòi hỏi của thực tiễn, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã tham mưu cho Đảng, chính phủ từ chiến lược tổng thể cho đến những đề án, mô hình kinh tế mới, và phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách, pháp luật hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) là một trong những bước đi khẳng định nỗ lực này. Trụ sở Trung tâm đang được gấp rút hoàn thiện tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, dự kiến sẽ vận hành từ tháng 3/2023. Với diện tích 35ha, tổng kinh phí xây dựng lên đến hơn 32 triệu USD, đây sẽ là cơ sở vật chất lớn nhất Việt Nam, tập trung các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế, các phòng thí nghiệm, văn phòng của các tập đoàn lớn, là nơi làm việc của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo nước nhà.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Báo Thanh Tra |
Vấn đề quan trọng được nhắc đến trong giai đoạn gấp rút hoàn thành “địa chỉ đỏ” cho đổi mới sáng tạo Việt Nam là trung tâm sẽ được vận hành như thế nào và cần những gì để đạt hiệu quả tối đa? Câu trả lời là cần sự hỗ trợ, đồng hành của mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ. Và thực tế, ở tầm doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đang hướng tới ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ lõi “do người Việt - cho toàn cầu” như Tập đoàn FPT, đã không chỉ nhận thấy trách nhiệm mà còn là cơ hội trong nỗ lực chung này.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, khẳng định “Tôi muốn kêu gọi các bạn trẻ Việt Nam, các Startup hoặc đang làm việc ở các tập đoàn trong và ngoài nước, hãy tích cực đổi mới sáng tạo. FPT chúng tôi cho rằng chuyển đổi số, công nghệ là con đường duy nhất để chúng tôi trưởng thành, phát triển và đổi mới sáng tạo là nền tảng của sự phát triển bền vững, nên chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ với tất cả năng lực, sẵn sàng mentor (bảo trợ) cho các đề án đổi mới sáng tạo; hỗ trợ kết nối với các quỹ đầu tư trên thế giới và hỗ trợ tiếp cận thị trường”.
Cũng là một trong những doanh nghiệp tiên phong hướng tới ngành công nghệ cao – công nghệ lõi “do người Việt - cho toàn cầu”, Tập Đoàn Công Nghiệp - Viễn Thông Quân Đội Viettel xác định trách nhiệm của Viettel là cùng hợp tác với các doanh nhân-doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xây dựng kinh tế nước nhà.
Tiến sĩ Rafael Frankel, Giám đốc Chính sách công Khu vực Nam Á và
Đông Nam Á, Tập đoàn Meta. Ảnh: Báo Dân sinh |
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Viettel, chỉ rõ việc từng cá nhân phải nỗ lực đổi mới sáng tạo ngay từ những việc làm thường ngày thì mới có thể tạo ra những chuyển biến tích cực, thúc đẩy sáng tạo trong xu thế phát triển chung và lan tỏa tới những ngành, nghề, lĩnh vực khác: “Sáng kiến, ý tưởng đổi mới sáng tạo không phải ghê gớm gì cả, phải từng ngày trong công việc, phải có những ý tưởng để công việc tốt hơn. Là tập đoàn tiên phong sáng tạo công nghệ, tiên phong kiến tạo xã hội số Việt Nam, chúng tôi cũng tự tin tạo ra các hệ sinh thái cho các doanh nghiệp phát triển, chúng tôi tạo hạ tầng 4G, 5G, cloud, tiên phong làm các nền tảng IOT để các doanh nghiệp phát triển các ứng dụng quản lý ô tô, môi trường, giao thông, nước…. Tiên phong cùng tham gia giải quyết các vấn đề của xã hội”.
“Ý thức tự thân là quan trọng và đổi mới sáng tạo là quá trình thường xuyên, liên tục, giúp các cá nhân phát huy năng lực sáng tạo. Nhưng để hiện thực hóa những ý tưởng đổi mới sáng tạo “tầm cỡ”, luôn cần những động lực và nguồn lực” như lời của ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Viettel. Đó chính là hệ thống chính sách pháp luật phù hợp có tính mở linh hoạt, tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo; Đó chính là kinh phí và nhân lực. Điều này cần sự hỗ trợ cả về mặt kinh phí và kiến thức từ các chuyên gia trong nước, quốc tế. Tiến sỹ Rafael Frankel, Giám đốc Chính sách công Khu vực Nam Á và Đông Nam Á, Tập đoàn Meta cho biết: “Hơn 20 năm qua tôi có dịp đi lại công tác ở Việt Nam, 20 năm qua người Việt Nam với tinh thần cần cù sáng tạo; các doanh nghiệp Việt Nam với sự hỗ trợ từ chính sách đúng đắn của Chính phủ đã hình thành một hệ sinh thái số phát triển mạnh mẽ. Chúng tôi đánh giá cao Chính phủ Việt Nam về tầm nhìn chuyển đổi số và tranh thủ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và chúng tôi đang, sẽ tích cực hỗ trợ bằng những hành động cụ thể là triển khai đào tạo kỹ năng số cho 580 nghìn học sinh, gần 64 nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Thời gian tới, chúng tôi tái khẳng định cam kết trong việc hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nền kinh tế số Việt Nam”.
Trong nỗ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Việt Nam đang nhận được sự ủng hộ và cam kết đồng hành từ các tập đoàn kinh tế lớn trong nước và quốc tế. Cùng với đó, Việt Nam có được những nỗ lực tự thân của một lớp thanh niên có kiến thức và nhiệt huyết. Trên hết là những chủ trương, chính sách giúp kích hoạt, nuôi dưỡng, phát triển nguồn lực, năng lực đổi mới sáng tạo, đã và đang dần hoàn thiện, là yếu tố quan trọng nhất để mục tiêu kỳ lân khởi nghiệp tầm cỡ khu vực và thế giới của Việt Nam trở thành hiện thực.