Khi các sản phẩm hữu cơ tự nhiên đang được người tiêu dùng hướng đến, chị Đồng Thị Vân Hà ở tổ Khuổi Thuổm, phường Huyền Tụng, Thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn, đã nghiên cứu, sản xuất thành công sản phẩm xà phòng, bánh Trung Thu, trà thảo mộc và các sản phẩm an toàn khác từ quả bí thơm, dược liệu ở địa phương. Việc này vừa giúp bản thân phát triển kinh tế vừa tìm hướng đi mới tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân tại địa phương.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Thương hiệu Slampe bắt nguồn từ tiếng Tày- đó chính là Ba Bể, nơi có những bản Tày mà chị Đồng Thị Vân Hà sinh ra và lớn lên với những mùa bí thơm, búp chè ngọt. Từng tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, Vân Hà biết quả bí thơm đã được ứng dụng cho một số loại mỹ phẩm, có thể làm xà phòng như các loại xà phòng tía tô, xà phòng cám gạo...
Chị Đồng Thị Vân Hà. Ảnh: VOV |
Bắt tay thử nghiệm từ năm 2019, chị Hà làm xà phòng từ nguyên liệu bí thơm nhưng thấy có mùi như mùi thức ăn, sau vài lần thất bại, chị đã thêm tinh dầu như bạc hà, dầu dừa, dầu cọ để có hương thơm tự nhiên và an toàn cho bà bầu, người già và trẻ nhỏ, được Sở Y tế Bắc Kạn kiểm nghiệm. Đến đầu năm 2022 chị Hà bắt đầu có nhiều đơn hàng xà phòng.Chị cho biết, giá 1 kg bí xanh dao động từ 10.000 - 15.000 đồng, có thời điểm bà con mới bán được 5.000 - 6.000 đồng/kg. Trong khi đó, 1 kg bí xanh làm được khoảng 5 bánh xà phòng, mỗi bánh có giá 65.000 đồng, cao gấp nhiều lần so với bán bí tươi: "Ngày còn đi học, qua những đoạn đường thấy bà con bán bí thơm từng gánh, từng bao, tôi nghĩ nếu bán hết một gánh bí kia cùng lắm chỉ được 200 ngàn đồng, trong khi đó, trồng trọt, chăm sóc mất nhiều công sức. Bí thơm ở địa phương ít người biết tới, mà chỉ đem về nấu ăn thôi thì không thể ăn trường kì được. Người ở xa đến chơi, mua về làm quà thì cũng thấy xách nặng. Tôi muốn sản xuất được bánh xà phòng như quả bí thơm thu nhỏ lại."
Năm nay, huyện Ba Bể có vùng nguyên liệu trồng bí thơm 200 ha, tập trung chủ yếu ở hai xã là Địa Linh và Yến Dương. Từ những quả bí xanh thơm ngon được trồng từ Ba Bể, Hợp tác xã Slampe do chị Hà làm giám đốc còn làm nên những chiếc Trung Thu độc đáo, được xếp trong giỏ tre buộc dây xinh xắn. Bánh mềm, thơm ngon, có nhân là bí thơm Ba Bể và trà xanh, ít ngọt, không chất bảo quản. Riêng trà thảo mộc nguyên liệu chính là bí xanh sấy khô được bán với giá 100.000 đồng/hộp. Tính tới thời điểm này, Hợp tác xã đã tiêu thụ 50 tấn bí thơm cho bà con nông dân, ước tính đến cuối năm sẽ tiêu thụ khoảng 100 tấn. Chị Đồng Thị Vọng, người dân trồng bí thơm ở xã Địa Linh, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, cho biết: "Nhà tôi bán cho Hợp tác xã Slampe được 10 tấn rồi, mỗi cân 10 ngàn, so với giá bán ở chợ bây giờ chỉ 4- 5 ngàn là cao, 10 tấn đã được 100 triệu. Nhà tôi bây giờ đã hết bí xanh bán, nhưng nhiều nhà trong bản trồng bí sạch theo quy trình, nếu Hợp tác xã còn nhu cầu thì mọi người lại gửi xe xuống.
Bánh trung thu nhân bí thơm và trà xanh của HTX Slampe. Ảnh: VOV |
Chị Hoàng Thị Trang, nhân viên kinh doanh tại tỉnh Thái Nguyên thường xuyên đặt hàng của Hợp tác xã làm quà biếu và cho gia đình sử dụng, nhận xét: "Mình rất mong tất cả mọi người không chỉ ở Bắc Kạn mà trong cả nước biết đến sản phẩm của Hà và Slampe, ủng hộ sản phẩm hữu cơ với mục tiêu sống xanh, sống lành. Mình chúc cho Hà ngày càng phát triển hơn trong sự nghiệp của mình."
Hợp tác xã Slampe hiện nay có 7 thành viên thường xuyên sản xuất và khoảng 12 lao động thời vụ, thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng. Để người tiêu dùng nhiều nơi biết đến sản phẩm của mình, ngoài tích cực tham gia quảng bá sản phẩm tại Khu du lịch quốc gia Hồ Ba Bể, các hội chợ, triển lãm thương mại trong và ngoài tỉnh, chị Hà còn tìm hướng đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. "Ở thành phố nhiều người có thói quen mua hàng trên mạng hơn, tôi cũng tiếp cận công nghệ, cùng các thanh viên già, trẻ, lớn bé chụp ảnh sản phẩm để đưa lên mạng, với hi vọng sản phẩm mình làm ra không chỉ bán được ở bản, trong tỉnh, trong nước, tiến xa hơn sẽ là bán ra nước ngoài."
Bí xanh thơm là sản phẩm của Chương trình mỗi xã, phường, một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Bắc Kạn, nhưng chủ yếu vẫn bán thô cho các tư thương, đầu ra bấp bênh. Các sản phẩm có nhiều triển vọng của Hợp tác xã Slampe và câu chuyện khởi nghiệp của chị Đồng Thị Vân Hà cần được các cấp, ngành quan tâm, giải quyết bài toán về vốn để đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất, góp phần tìm đầu ra cho quả bí xanh địa phương.