“Định hướng truyền thông về Tháng hành động vì trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” là chủ đề của Hội thảo do Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức sáng 25/05, tại tỉnh Hòa Bình.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: VOV |
Tính đến tháng 02/2021, Việt Nam có 72 triệu tài khoản mạng xã hội và 68,72 triệu người dùng Internet. Do dịch COVID-19, ngày càng có nhiều người, bao gồm cả thanh thiếu niên, sử dụng Internet để học tập, làm việc, giao tiếp, giải trí... Điều này làm gia tăng rủi ro trực tuyến đối với trẻ em và thanh thiếu niên trên mạng và bạo lực mạng trên cơ sở giới.
Tại hội thảo, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, nhấn mạnh vấn đề trẻ em không còn là vấn đề quyền con người mà còn là vấn đề hội nhập và phát triển kinh tế và truyền thông phải đóng vai trò tiên phong trong nâng cao nhận thức, trách nghiệm của các bên liên quan trong bảo vệ trẻ em: “Chúng ta cần tăng cường nhận thức hành vi của xã hội, của cộng đồng dân cư để mọi người mạnh dạn lên tiếng, tố cáo các hành vi, các nghi ngờ về xâm hại trẻ em. Việc giải quyết can thiệp của các cơ quan chức năng, đặc biệt của các cơ quan bảo vệ pháp luật đối với các vụ việc xâm hại trẻ em thời gian qua là rất kịp thời, nhưng công tác phòng ngừa chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa. Chúng tôi chọn một trong những chìa khóa để tăng cường công tác phòng ngừa là vận động toàn xã hội quan tâm hơn nữa, chú ý hơn nữa để phát hiện kịp thời những nghi ngờ, những hành vi xâm hại trẻ em để thông báo, tố giác kịp thời đến cơ quan chức năng”.
Đồng hành cùng Việt Nam các cơ quan chính phủ Việt Nam trong triển khai Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”, tổ chức Plan International huy động ngân sách cho dự án “Bảo vệ Trẻ em và thanh thiếu niên An toàn trên môi trường mạng”. Dự án triển khai từ tháng 8 năm 2021 đến tháng 7 năm 2024. Dự án hỗ trợ tăng cường kiến thức và kỹ năng bảo vệ bản thân và những người khác khỏi các hình thức bắt nạt và bạo lực giới trên môi trường mạng cho trẻ em, thanh thiếu niên, đặc biệt là trẻ em gái và các nhóm dễ bị tổn thương, và cha mẹ, người chăm sóc trẻ, thầy cô và người dân tại cộng đồng sử dụng các trang trực tuyến, trang mạng xã hội.