Ngày 8/12, tại tỉnh Quảng Ngãi, Tổng cục Thủy sản, Cơ quan quản lý thủy sản Australia và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo chia sẻ thông tin cộng đồng về chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Ông Brendan Reyner trả lời báo chí về việc xử lý tàu cá xâm phạm chủ quyền và giải pháp - Ảnh: Trần Mai/tuoitre |
Tại hội thảo, Cơ quan quản lý thủy sản Australia đã cung cấp thông tin về quy định của Chính phủ Australia đối với việc bảo vệ, quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên biển; một số loài thủy sản cấm đánh bắt, các hành vi vi phạm đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, mức xử phạt tiền, phạt tù đối với các phương tiện và ngư dân vi phạm…
Ông Brendan Rayner, Trưởng Bộ phận chấp pháp Quốc tế, Cơ quan quản lý thủy sản Australia, cho biết Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác song phương trong việc ngăn chặn ngư dân Việt Nam khai thác thủy sản bất hợp pháp. Trong đó, Bộ Nông nghiệp 2 nước đã ký kết bản ghi nhớ về hợp tác phòng chống đánh bắt cá bất hợp pháp để triển khai chiến dịch truyền thông cộng đồng về quy định quốc tế trong đánh bắt hải sản cũng như hậu quả của việc đánh bắt cá bất hợp pháp.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác, Tổng cục Thủy sản cho biết, Chính phủ đã và đang triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng ngư dân khai thác thủy sản bất hợp pháp. Trong đó, tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này cũng như tăng cường quản lý phương tiện đánh bắt: “Lần đầu tiên chúng ta đưa vào trong Luật quy định mức phạt tối đa lên đến 1 tỷ đồng cho hành vi vi phạm. Đó là cá nhân nếu là tổ chức thì mức phạt đó sẽ gấp đôi là 2 tỷ đồng. Sửa đổi Nghị định 53 trong đó có quy định về trang thiết bị giám sát tàu cá và nếu tàu không trang bị theo quy định thì coi như tàu đánh bắt bất hợp pháp”.