Câu lạc bộ dân gian Long Cốc- gìn giữ văn hóa dân tộc Mường

Kim Lan
Chia sẻ
(VOV5) - Nhìn họ múa, biểu diễn như những nghệ sĩ thực thụ, nhưng ít ai biết, đây là câu lạc bộ dân gian được lập nên bởi những người có nhiệt huyết đam mê, tình yêu với âm nhạc dân tộc.

Ghé thăm đồi chè của xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, một điểm du lịch đang thu hút khách của tỉnh  Phú Thọ, du khách còn được trải nghiệm những điệu hát, điệu múa, cồng chiêng của dân tộc Mường. Những thành viên trong câu lạc bộ dân gian của xã là những người đã góp phần gìn giữ nét văn hóa của dân tộc mình, đồng thời giới thiệu cho du khách khi tới đây.

Nghe âm thanh tại đây:

Những điệu múa khăn, múa ống kết hợp cồng chiêng, những bộ trang phục truyền thống của dân tộc Mường cuốn hút du khách khi tới đây. Vẻ đẹp của những đồi chè xanh ngát, rộng mênh mông khiến mỗi người cảm thấy thực sự thú vị. Đến thăm những đồi chè ở xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, một điểm du lịch được ưa thích, chúng tôi còn được xem các tiết mục văn nghệ và được giao lưu với người dân ở địa phương. Nhìn họ múa, biểu diễn như những nghệ sĩ thực thụ, nhưng ít ai biết, đây là câu lạc bộ dân gian được lập nên bởi những người có nhiệt huyết đam mê, tình yêu với âm nhạc dân tộc.
Câu lạc bộ dân gian Long Cốc- gìn giữ văn hóa dân tộc Mường - ảnh 1Chị Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ dân gian xã Long Cốc

Chị Nguyễn Thị Hạnh, phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ, ngay từ nhỏ, đã thường xuyên được người cha đưa đến các buổi biểu diễn văn nghệ của xã khi ông tham gia. Tình yêu với những làn điệu dân tộc đã thấm dần vào trong chị, lớn dần lên, để rồi, chị Hạnh luôn mong muốn làm được điều gì đó để gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Vì thế, chị là một trong ba người đầu tiên khởi xướng ra việc thành lập câu lạc bộ dân gian của xã Long Cốc. Chị chia sẻ: Đối với chúng tôi, trong câu lạc bộ, đa số không được đào tạo mà yêu nghề, yêu ca hát nên rủ nhau thành lập câu lạc bộ giữ bản sắc. Những tiết mục dân tộc Mường hát ví, hat rang tự biên tự diễn, những tiết mục  múa cũng tự biên tự diễn. Chúng tôi muôn khách du lịch về nghe hát ví, hát rang, ủng hộ chúng tôi để giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Câu lạc bộ dân gian Long Cốc- gìn giữ văn hóa dân tộc Mường - ảnh 2Những làn điệu của dân tộc Mường do Câu lạc bộ trình diễn

Từ 3 thành viên khi bắt đầu thành lập vào năm 2020, tới nay, Câu lạc bộ có 30 thành viên gồm cả nam và nữ. Mỗi đoàn du khách đến đây, đều có những yêu cầu khác nhau và các thành viên đều tự biên, tự diễn, hướng dẫn nhau tập luyện những nội dung của mỗi chương trình. Các thành viên trong trang phục áo trắng váy dân tộc, biểu diễn các tiết mục múa ống, múa chàm, múa khăn, hát ví, hát ràng… Có những buổi, các anh chị cũng có thể kết hợp trang phục và điệu múa của một số dân tộc khác để buổi biểu diễn sinh động hơn.

Để có những buổi biểu diễn hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của du khách tới thăm, các thành viên phải sắp xếp công việc gia đình, sau những giờ lao động,  tập hợp nhau vào buổi tối để tập luyện. Dù vất vả, nhưng các thành viên của Câu lạc bộ dân gian xã Long Cốc rất vui vì được hát, được múa những làn điệu của quê hương mình, được giới thiệu với du khách tới tham quan. Chị Đinh Thị Hoài Trâm, thành viên của Câu lạc bộ tham gia những ngày đầu tiên chia sẻ: Đối với niềm đam mê văn nghệ, thì công việc, sáng và chiều vẫn tham gia lao động bình thường,công việc gia đình. Nhưng nếu có buổi diễn thì sắp xếp công việc, tranh thủ buổi trưa cũng tranh thủ nhưng thường tập về đêm. Khoảng 7 8 giờ sau khi ăn tối xong, tập  hợp lại và tập đến 10 h tối.

Câu lạc bộ dân gian Long Cốc- gìn giữ văn hóa dân tộc Mường - ảnh 3Những thành viên của Câu lạc bộ

Rất nhiều thành viên trong Câu lạc bộ là những người rất trẻ và cũng rất năng động. Đó là chị Nguyễn Thị Thu Hương và chị Trần Thị Thanh, chủ của những homestay của xã. Các chị vừa giỏi kinh doanh, vừa là những thành viên tích cực trong các hoạt động của Câu lạc bộ. Còn anh  Hà Anh Tuấn, chàng thanh niên dân tộc Mường, tham gia câu lạc bộ được 2 năm. Anh là người thường xuyên chơi nhạc trong các sự kiện như hội nghị, đám cưới.. của địa phương. Bận rộn với công việc riêng, nhưng Hà Anh Tuấn mong muốn, tham gia Câu lạc bộ dân gian là cách để giúp quảng bá những điệu múa, điệu chiêng cho du khách trong và ngoài nước: “Tham gia được 2 năm. Phát huy truyền thống dân tộc. Được biets những điệu múa, điệu hát, điệu ví của dân tộc Mường. Tham gia được trau dồi các làn điệu dân tộc, các bài hát Mường cổ. Những đặc trưng của dân tộc là hát xoan, hát ví, kiểu sử thi, kể lại những ngày lao động của người Mường.

Câu lạc bộ dân gian Long Cốc- gìn giữ văn hóa dân tộc Mường - ảnh 4Múa ống, một làn điệu của dân tộc Mường

Tuy nhiên, để thu hút mọi người tham gia vào Câu lạc bộ cũng không phải dễ dàng vì mỗi người đều bận bịu với công việc riêng. Vì thế, những thành viên  lớn tuổi như chị Hà Thị Thơm không chỉ tích cực tham gia các hoạt động của Câu lạc bộ, mà còn động viên các bạn trẻ tham gia, gìn giữ văn hóa của dân tộc mình: Vận động chị em cũng khó, nhiều chị em nói không có gì. Lần đầu tiên, trên huyện có câu lạc bộ từng xã, chúng tôi văn nghệ từ xưa rồi thì xã nói lấy vào làm nòng cốt. Vào để động viên con cháu thôi vì chúng tôi có tuổi rồi, vào động viên lớp trẻ.  

Câu lạc bộ dân gian Long Cốc- gìn giữ văn hóa dân tộc Mường - ảnh 5Những thiếu nữ dân tộc Mường, làm đẹp cho đồi chè xã Long Cốc

Mỗi tháng, Câu lạc bộ dân gian biểu diễn cho gần chục đoàn khách đến tham quan đồi chè ở xã Long Cốc. Những tháng cao điểm, lượng khách còn đông hơn. Dù bận rộn với công việc sản xuất cũng như công việc gia đình, nhưng những buổi tập, các thành viên vẫn có mặt đầy đủ. Chưa được đào tạo bài bản, cũng như chưa có kinh phí đầu tư nhiều cho Câu lạc bộ, nhưng họ vẫn đam mê, nhiệt huyết với những làn điệu của quê hương mình, mong muốn quảng bá bản sắc dân tộc cho du khách trong nước và nước ngoài.

Feedback