Các quốc gia tăng cường đoàn kết, phối hợp để gìn giữ hành tinh xanh

Chia sẻ
(VOV5) - Trái Đất là ngôi nhà chung, do đó các quốc gia cần phải tăng cường sự đoàn kết và cùng phối hợp hành động một cách có trách nhiệm để giữ gìn hành tinh xanh cho thế hệ tương lai. 

 

Các quốc gia tăng cường đoàn kết, phối hợp để gìn giữ hành tinh xanh - ảnh 1 Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Chinhphu.vn)

 

Sáng 11/05, Hội nghị chuyên đề IPU Khu vực châu Á-Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu - Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững” do Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Quốc hội Việt Nam phối hợp tổ chức, khai mạc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tham dự Hội nghị có Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Saber Chowdhury, Chủ Chủ tịch Quốc hội các nước và hơn 200 đại biểu Quốc hội của 24 nước trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, cùng các đại diện của các tổ chức quốc tế.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh Trái Đất là ngôi nhà chung, do đó các quốc gia cần phải tăng cường sự đoàn kết và cùng phối hợp hành động một cách có trách nhiệm để giữ gìn hành tinh xanh cho thế hệ tương lai. Đó chính là mục tiêu phát triển bền vững mà các quốc gia đã thống nhất thông qua tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9 năm 2015.

Theo Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: "Quốc hội Việt Nam đã nhất trí cao với IPU về nội dung nghị sự của Hội nghị chuyên đề lần này, đó là: thảo luận về các mục tiêu phát triển bền vững, tập trung vào Mục tiêu về bình đẳng giới và sức khỏe trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu; thảo luận về các thách thức, cơ hội và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; các cam kết quốc tế và vai trò của các cơ quan lập pháp và huy động nguồn lực để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững nói chung và ứng phó biến đổi khí hậu nói riêng. Nhân dịp này, Quốc hội Việt Nam sẽ phối hợp với IPU tổ chức Lễ Công bố Bộ công cụ tiêu chí cho các nghị viện tự đánh giá việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Đây là một văn bản quan trọng, cung cấp thông tin về các Mục tiêu phát triển bền vững, khuôn khổ hành động, sự tham gia của các Nghị viện trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG)".

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Saber Chowdhury chỉ rõ biến đổi khí hậu là vấn đề chung của toàn cầu tác động đến toàn bộ khía cạnh phát triển của thế giới, xuyên suốt 17 mục tiêu phát triển bền vững và nếu không thực thi tốt mục tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu thì tất cả những mục tiêu còn lại sẽ bị ảnh hưởng. Điều đó cho thấy sự kết nối rất chặt chẽ giữa thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu thiên tai.

Theo Chủ tịch IPU, ứng phó với biến đổi khí hậu có trọng tâm là khắc phục thiên tai. Do đó cần đưa ra những chiến lược năng động hơn cho phụ nữ, cho trẻ em, cho cả loài người trong ngăn chặn, khắc phục những thiên tai đó.

Theo Chủ tịch IPU, có 5 nội dung gồm: trọng tâm là con người; hòa bình; sự thịnh vượng; kết nối giữa các chính phủ, các nghị viện, bên trong các nghị viện; phát triển về kinh tế, năng suất, dựa vào nguồn lực xã hội. Năm trụ cột này sẽ hình thành nên nền tảng thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Sau phiên khai mạc, các đại biểu họp Phiên toàn thể thứ nhất, tập trung thảo luận nội dung "Các Mục tiêu Phát triển bền vững và vai trò của các Nghị viện để đạt được các mục tiêu này". Phát biểu tại phiên họp, ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư Việt Nam, cho biết trong kế hoạch hành động để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, Việt Nam đề xuất 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể, đưa ra phân kỳ thực hiện và các giải pháp đồng bộ.

Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nêu ý kiến: "Chúng tôi cho rằng để có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, từng quốc gia phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình, dựa trên 17 mục tiêu phát triển bền vững chung của thế giới để có thể xây dựng chương trình hành động phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của mình. Phải xác định được các ưu tiên, quan tâm đến các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương nhất trong quá trình phát triển".

Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu quan tâm đến cách làm của Bhutan, quốc gia đã đưa các mục tiêu phát triển bền vững vào luật và chương trình hành động, triển khai chương trình phát triển bền vững.

Feedback