Đại dịch Covid-19 "đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống”. Đây là khẳng định của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đưa ra trong thông điệp nhân Ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Ngoài gánh nặng chăm sóc trẻ gia tăng do các trường học và nhà trẻ đóng cửa, phụ nữ cũng phải làm những công việc được trả lương thấp trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của lệnh phong tỏa, khiến họ có nguy cơ cao hơn thất nghiệp. Phụ nữ bị bạo hành hay bóc lột sức lao động nhiều hơn trong đại dịch, đồng thời là nhân lực chính tại các bệnh viện, cơ sở y tế, nhà dưỡng lão....
Ngoài việc cần hành động để đảm bảo các bước tiến về bình đẳng giới không bị đảo ngược do Covid-19, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi các quốc gia cần đảm bảo trao quyền bình đẳng cho phụ nữ.
“Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay nêu bật sức mạnh tham gia bình đẳng của phụ nữ. Tôi tự hào rằng lần đầu tiên trong lịch sử đã đạt được bình đẳng giới trong các vị trí lãnh đạo Liên Hợp Quốc. Khi phụ nữ lãnh đạo chính phủ, chúng ta nhận thấy có các khoản đầu tư lớn hơn vào bảo trợ xã hội và chống lại đói nghèo. Khi phụ nữ ở trong quốc hội, các quốc gia sẽ áp dụng các chính sách nghiêm ngặt hơn về biến đổi khí hậu. Khi phụ nữ bàn về hòa bình, các thỏa thuận đạt được sẽ lâu dài hơn”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho rằng, phục hồi sau đại dịch là cơ hội để xóa bỏ bất bình đẳng. Đã đến lúc xây dựng một tương lai bình đẳng cho tất cả mọi người và vì lợi ích của tất cả mọi người.
Trong thông điệp của mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng kêu gọi bảo vệ phụ nữ trong đại dịch. Theo đó, cần phải hỗ trợ nữ giới nhiều hơn nữa, kể cả thông qua tăng số cơ sở chăm sóc trẻ em và trả lương bình đẳng. Bà khẳng định mức lương của hai giới phải ngang bằng nhau.
Bên cạnh nguy cơ bất bình đẳng giới bị đảo ngược do đại dịch, cũng có nhiều kết quả đạt được trong nỗ lực của thế giới gia tăng quyền cho phụ nữ. Tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội trên toàn thế giới đạt hơn 25% vào năm ngoái, mức "cao nhất mọi thời đại", mặc dù vẫn còn xa mục tiêu đặt ra về bình đẳng giới. Đây là thông tin được Liên minh nghị viện thế giới (IPU) công bố trước Ngày Quốc tế phụ nữ.
Tuy nhiên Tổng thư ký Liên minh nghị viện thế giới (IPU) Martin Chungong cho rằng các nước cần đặt ra hạn mức để tăng số lượng phụ nữ trong quốc hội.
“Khi chúng ta vui mừng và hoan nghênh mức cao nhất mọi thời đại này, chúng ta cũng cảm thấy rằng sự tiến bộ đang diễn ra một cách từ từ, hoặc thậm chí là chậm chạp. Với tốc độ hiện nay, phải mất 50 năm nữa chúng ta mới có thể đạt được bình đẳng giới trong quốc hội. Và tất nhiên, tất cả chúng ta đều đồng ý rằng điều này không thể biện hộ được, không thể chấp nhận được”, ông Chungong nói.
Hướng tới Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, nhiều hoạt động vinh danh phụ nữ cũng diễn ra tại nhiều quốc gia. Tại thủ đô Moskva của Nga đã khai mạc một triển lãm “Nữ tình báo phụng sự Tổ quốc”. Đây là triển lãm vinh danh các nữ điệp viên Liên Xô trước đây, nước Nga ngày nay. Hàng loạt chiến dịch như “Lựa chọn thử thách” hay “Hãy nói lên tiếng nói của mình” đang được nhiều phụ nữ trên thế giới hưởng ứng, nhằm khẳng định quyền bình đẳng và cần được bảo vệ của phụ nữ.