Nhân ngày gia đình Việt Nam 28/06 và tháng hành động quốc gia phòng, chống bao lực, mời quý vị và các bạn cùng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học nhìn nhận vấn đề này.
Nghe âm thanh tại đây:
Thực hiện khá nhiều dự án về giới, với những nghiên cứu về vấn đề bình đẳng tại nhiều địa phương khác nhau, thạc sĩ Tú Anh và những đồng nghiệp ở Trung tâm Sáng kiến, sức khỏe và Dân số luôn tâm niệm phải giúp cho các nhóm người yếu thế như phụ nữ và trẻ em gái, thông qua việc xây dựng các mô hình can thiệp và xây dựng chính sách. Cụ thể về hiệu quả dự án phòng chống bạo lực trên cơ sở giới ở Cửa Lò (Nghệ An), triển khai từ năm 2006 đến 2012, thạc sĩ Hoàng Tú Anh cho là: “Tới nay, khi dự án kết thúc, câu lạc bộ của chị em phụ nữ vẫn duy trì, họ hỗ trợ nhau và hỗ trợ tiếp những phụ nữ bị bạo lực khác. Đặc biệt, mô hình nam giới được Bộ lao động thương binh xã hội nghiên cứu để đưa vào chương trình quốc gia phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Tài liệu làm việc với nhóm nam giới, nhóm nam thanh niên, nhóm gây bạo lực khuyến nghị đưa ra cho các đơn vị sử dụng. Vì bình đẳng giới không chỉ phụ nữ mà còn có sự tham gia của nam giới”.
Thạc sĩ Hoàng Tú Anh |
Sự hỗ trợ của các chuyên gia, sự tham gia của chính quyền, thông qua việc tiếp cận và xây dựng chính sách, đã giúp cho nhiều gia đình tìm kiếm và cố gắng xây dựng được một mái ấm bền vững, trong đó mọi thành viên thực sự hiểu nhau và luôn hỗ trợ lẫn nhau. Xã hội ngày càng phát triển, vai trò của mỗi thành viên cũng có những thay đổi qua nhận thức, hành vi. Đặc biệt, với thiên chức làm vợ, làm mẹ, người phụ nữ hiện đại cũng còn gánh vác công việc xã hội. Đối với họ, có được sự cảm thông, hỗ trợ của các thành viên sẽ giúp cho công việc của họ tốt hơn. Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Phi Kim Phụng cho rằng: “Hiện chưa có bình đẳng thực sự, vì phụ nữ thiên chức làm vợ, làm mẹ. Phần lớn phụ nữ từ chối nhiều công việc vì con cái, năng lực 30-40% đã dành cho gia đình nhưng những việc đó không vô ích vì nếu gia đình yên ấm thì các em mới yên tâm công tác đóng góp cho xã hội”.
Rõ ràng để đòi hỏi sự bình đẳng thực sự giữa nam và nữ sẽ là điều vô cùng khó khăn vì phụ nữ luôn gắn với trọng trách là người thắp lửa trong gia đình. Nhưng để xây dựng một gia đình bền vững, hạnh phúc, là môi trường tốt nhất để giáo dục nhân cách cho những đứa trẻ là trách nhiệm của mỗi thành viên. Khẳng định về vai trò của gia đình trong xã hội hiện đại, Giáo sư, Viện sĩ Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “ Vai trò của gia đình đối với viêc giáo dục rèn luyện đạo đức của học sinh rất quan trọng. Theo tôi đấy là quan trọng nhất vì giáo dục của gia đình có hiệu lực hơn. Bố mẹ có sức mạnh hơn với các em. Gia đình chịu trách nhiệm mọi chỗ mọi nơi mọi lúc. Đã đến lúc phải nhìn nhận lại nhấn mạnh tầm quan trọng trách nhiệm của gia đình, giúp cho trẻ con không tham gia bạo lực”.
Xã hội phát triển cần sự đóng góp của mỗi một gia đình. Điều này cũng có nghĩa là mỗi một thành viên phải thực sự gắn kết, yêu thương, biết sẻ chia và luôn có ý thức vun đắp, xây dựng một gia đình hạnh phúc.