Bà Rịa - Vũng Tàu là vùng đất địa đầu, giữ vị trí quan trọng trong quá trình khai phá và xây dựng vùng đất Nam Bộ. Trải qua hơn 300 năm lịch sử phát triển, gắn với các di tích văn hóa, lịch sử, hàng năm trên địa bàn có rất nhiều lễ hội được tổ chức. Các lễ hội lớn diễn ra thường niên, thể hiện nét đẹp nhân văn, một truyền thống văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, góp phần hình thành những sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng riêng của Bà Rịa-Vũng Tàu.
Một lễ hội thả diều trên biển Vũng Tàu
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Thiên nhiên, lịch sử, văn hoá đã tạo cho Bà Rịa –Vũng Tàu có tiềm năng phát triển du lịch dồi dào. Gắn với các di tích hàng năm trên địa bàn có rất nhiều lễ hội được tổ chức, các lễ hội lớn diễn ra thường niên có thể kể đến như Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam, Lễ hội Miễu Bà Ngũ Hành, Lễ hội Trùng Cửu, Lễ hội Dinh cô, Lễ giỗ ông Trần, lễ giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, lễ Giỗ Bà Phi Yến…
Bên cạnh những lễ hội truyền thống, mấy năm trở lại đây, những lễ hội mới như Lễ hội văn hóa du lịch, Festival Diều, Festival Biển…, được ngành Văn hóa Du lịch tỉnh tổ chức hàng năm, cũng góp phần hình thành những sản phẩm du lịch đặc trưng riêng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa thể thao Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu Hồ Văn Lợi cho biết: "Việc tổ chức các lễ hội hàng năm để vừa tạo không khí vui chơi, đặc biệt tạo điểm đến cho các du khách trong nước cũng như quốc tế. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có kế hoạch tổng thể tất cả các sự kiện, lễ hội diễn ra trong năm và quảng bá, thông báo rộng rãi cho du khách. Việc này có sự kết nối giữa các kênh truyền thông trong tỉnh để hỗ trợ, quảng bá các hoạt động lễ hội của tỉnh".
Lễ hội Nghinh Ông
|
Để tăng cường thu hút khách du lịch, thời gian qua, tỉnh tập trung tổ chức nhiều hoạt động quảng bá du lịch thông qua việc tham gia các hội chợ trong nước và khu vực, quảng bá, đẩy mạnh xúc tiến du lịch, liên doanh liên kết…Đặc biệt, tổ chức thành công các sự kiện du lịch-lễ hội mang tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế là hướng đi Tại lễ khai mạc Festival Biển vừa diễn ra đầu tháng 9 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Trình khẳng định: "Phát triển du lịch lễ hội trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Để ngành du lịch phát triển lên tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng thế mạnh của tỉnh, tỉnh đã triển khai nhiều nhóm giải pháp, tăng cường tính liên kết hợp tác phát triển ngành kinh tế du lịch giữa các vùng miền, các địa phương trong cả nước và đối tác quốc tế, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, thể hiện sự mến khách của người dân đến bạn bè trong và ngoài nước".
Hiện, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch gắn với lễ hội của mình mang sắc thái và đặc trưng riêng so với các địa phương khác trong vùng cũng như cả nước. Điển hình như Festival Diều tổ chức hàng năm ở Bà Rịa-Vũng Tàu đã trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng mang thương hiệu du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu. Các nghệ nhân của các nước, các vùng lãnh thổ tham gia Festival Diều năm sau luôn cao hơn năm trước. Festival Diều đem đến cho du khách nhiều điều thú vị về nghệ thuật chơi diều. Một du khách trong nước tham dự Lễ hội Diều bày tỏ: "Vũng Tàu tổ chức lễ hội này rất hay và thu hút nhiều khách tham gia, từ các tỉnh đến đây. Mình rất thích những lễ hội mà tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức và hy vọng mỗi năm tỉnh tổ chức các hoạt động thường xuyên hơn, để khi nhắc đến Vũng Tàu là mọi người nhớ đến các lễ hội".
Ngoài các lễ hội truyền thống, Bà Rịa Vũng Tàu cũng đang trở thành điểm đến của các cuộc thi quốc tế tổ chức rất thành công thời gian qua như cờ vua thế giới, hoa hậu quý bà thế giới, ẩm thực thế giới, bóng chuyền nữ quốc tế… Điều này thể hiện cách làm sáng tạo mới của Bà Rịa-Vũng Tàu đối với việc quảng bá du lịch, được Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và nhiều tỉnh thành trong nước học hỏi.
Sau nhiều năm tổ chức liên tục, tính nghệ thuật sáng tạo ở mỗi lễ hội lại được nâng lên. Mỗi một lễ hội với những nét văn hóa đặc sắc góp phần làm nên sức hấp dẫn của Bà Rịa-Vũng Tàu đối với du khách khi về tham dự. Du lịch lễ hội không chỉ là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng thuần túy mà còn là động lực thúc đẩy sự giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế xã hội. Với chừng ấy di sản, có thể nói, loại hình du lịch văn hóa lễ hội ở Bà Rịa-Vũng Tàu đang có cơ sở vững chắc để phát triển.