Yêu thương hai tiếng “Việt Kiều”

Lê Thu Nga
Chia sẻ
(VOV5) - Hơn 10 năm gắn bó với phòng Việt Kiều, trực tiếp làm chương trình phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc với tôi là một niềm vui lớn...

Con gái Việt Kiều

Sinh ra và lớn lên ở mỏ Tiébaghi, thuộc quần đảo Nouvelle Calédonie (Tân Thế giới) do người Pháp chiếm đóng sau Thế chiến thứ 2, tuổi thơ tôi thấm đẫm tình yêu Việt Kiều.

Ba má tôi quê gốc ở Gia Viễn (Ninh Bình), là cái rốn nước của đồng bằng sông Hồng, quanh năm thường bị lũ lụt hoành hành. Cái cảnh “sống ngâm da, chết ngâm xương” này cứ đeo đẳng, người dân không chỉ đói rách mà còn bị địa chủ bóc lột thậm tệ. Cực chẳng đã họ phải trốn nhà, đi tha phương cầu thực. Ba má tôi phải gạt nước mắt kí bản hợp đồng 5 năm làm phu cho Pháp tại Tân Thế giới để xây dựng mỏ và khai thác quặng (Crom). 

Yêu thương hai tiếng “Việt Kiều” - ảnh 1 Nhà báo Lê Thu Nga trong chuyến công tác tại Pháp năm 1994. Ảnh: Tác giả cung cấp

Sau hằng tháng lênh đênh trên biển, con tàu cập bến Nouméa, đưa hơn 5000 lao động người Việt đi phu (Chân Đăng) tới vùng mỏ Tiébaghi hoang vu. Từ những nông dân đầu xanh tuổi trẻ, họ phải bạt đồi, xẻ núi dựng nhà rồi làm mỏ để khai thác quặng, đưa lên tàu chở về mẫu quốc (Pháp). Công việc vất vả, gian nan, cái chết luôn rình rập hàng ngày. Những tưởng sau 5 năm họ sẽ được hồi hương, nhưng cuộc chiến tranh Đông Dương kéo dài. Một lần nữa, những Chân Đăng này lại phải gạt nước mắt ở lại vùng mỏ xa xôi để mưu sinh trong nỗi nhớ quê hương đến xé lòng: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau, trông về quê mẹ ruột đau trăm chiều…”. Nhiều đêm khuya, tôi thấy ba và những người hàng xóm chụm đầu bên chiếc đài bán dẫn nghe tin tức quê nhà. Các cụ còn bàn nhau đấu tranh với chủ Tây lập “nhà công” để được họp hành vui chơi giải trí những ngày lễ Tết, làm trường học cho con em để học tiếng mẹ đẻ, tổ chức các hoạt động gây quỹ gửi về nước nhà ủng hộ cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc… Cuộc sống heo hút ở vùng mỏ ngày càng được cải thiện nhưng người Chân Đăng ở đây vẫn đau đáu nỗi nhớ nhà. Cuộc đấu tranh đòi hồi hương vẫn nóng bỏng… Cho đến đầu những năm 60, niềm vui vỡ òa khi các cụ hay tin Pháp đã chấp nhận cho những người chân đăng ở vùng mỏ được hồi hương. Ra đi với mái đầu xanh, nay trở về tóc đã luống bạc và một đàn con 8 đứa quấn quýt, ba má tôi và mọi người hân hoan bước lên tàu về quê mẹ, giờ đã giành độc lập tự do.

Về nước năm 1963, quê hương Ninh Bình với núi Thúy sông Vân nên thơ, hùng vĩ đón chúng tôi thân tình: một căn nhà nhỏ trên phố Hoa Lư, ba má có công ăn việc làm ổn định, các con được cắp sách tới trường… Vùng mỏ xưa với những chuỗi ngày lao động cực nhọc, đầy hiểm nguy đã lùi vào dĩ vãng.

Thả hồn vào chương trình phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc

Sau hơn 4 năm học ở khoa Báo chí, trường Tuyên giáo Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền), tôi được điều về ban Thời sự, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Yêu thương hai tiếng “Việt Kiều” - ảnh 2Nhà báo Hoàng Tiến, Phó Tổng biên tập báo Hà Bắc tiếp Nhà báo Thu Nga (giữa) và nhà báo Phạm Thuỵ Chóng  dự Hội nghị Báo chí các tỉnh phía Bắc tại Hà Bắc

Ở đây, tôi nhanh chóng hòa nhập vào không khí làm việc sôi động của biên tập viên, phóng viên của Ban. Ngày 16/08/1981, Bộ Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam thành lập phòng Việt Kiều để thực hiện Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa tổ quốc. Đây là chương trình phát thanh dành cho cho các đối tượng là cán bộ, người lao động, lưu học sinh Việt Nam và Việt Kiều đang sinh sống ở khắp các châu lục trên thế giới. Bốn chúng tôi gồm Nguyễn Huy Dung, Trần Sơn Ngọc, Nguyễn Anh Trang và tôi được điều xây dựng chương trình. Sau này, phòng được bổ sung những cây bút sắc sảo có kinh nghiệm với nghề: Thái Thuyên, Phạm Thụy Chóng, Đào Xuân Tân, Huyền Yến, Đào Phước, Hoàng Đồng… Với tôi, đây là niềm vui lớn bởi đã là Việt Kiều từ trong lòng mẹ, chào đời và sống ở vùng mỏ thời thơ ấu; hơn nữa, một số người thân của tôi vẫn đang sinh sống ở đấy và các nước Bỉ, Pháp, Úc… Không vui sao được khi giờ đây từ trái tim của Tổ quốc, tôi và đồng nghiệp được trực tiếp làm chương trình phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có Việt Kiều và người thân của tôi.

Vạn sự khởi đầu nan! Niềm vui dâng trào trong lòng mọi người khi chương trình được phát sóng với tiếng đàn bầu du dương thánh thót, lời xướng thiết tha của nữ phát thanh viên hòa quyện với những khúc nhạc ngắn hấp dẫn, phù hợp với nội dung. Ngoài phần tin tổng hợp, chương trình có các tiết mục: Việt Nam đất nước con người, Câu chuyện với người xa quê, Giai điệu quê hương, Những tấm lòng vì quê hương… Tôi được phòng phân công làm tiết mục Măng non đất nước và Sân khấu Việt Nam. Để thực hiện các tiết mục sinh động hấp dẫn, phù hợp với các đối tượng cách xa hàng vạn dặm nhưng con tim vẫn nhung nhớ quê nhà, người thực hiện chương trình không chỉ giới thiệu một cách khái quát, khô cứng những thành tựu của ngành đó mà phải chi tiết cụ thể hóa, hấp dẫn người nghe. Tiết mục Măng non đất nước đã đến với đồng bào xa quê tính ưu việt của nền giáo dục trẻ thơ nước nhà, những điển hình của đội ngũ kĩ sư tâm hồn đầy tình thương và trách nhiệm với con trẻ, sự liên kết gắn bó giữa gia đình và nhà trường trong việc chăm lo các em, những cách nhìn và cung cách làm đầy sáng tạo của các trường mầm non, câu lạc bộ thiếu nhi… trong việc phát hiện và đào tạo năng khiếu tuổi thơ. Trang Sân khấu Việt Nam thật khó thực hiện khi người viết còn nhiều “lỗ hổng” với nghề. Bên cạnh việc đọc sách báo, thu thập kiến thức về sân khấu để bồi đắp, người viết còn phải tìm đến những đồng nghiệp lâu năm có nghề như: Vũ Hà, Đức Duy, Minh Trang; gặp và tiếp xúc với những người nổi tiếng trong làng sân khấu, các tác giả kịch bản, đạo diễn, các nghệ sĩ diễn viên, năng đến các nhà hát, các đêm diễn…, không chỉ để học hỏi và thưởng thức, mà còn lắng nghe những nhận xét, phê bình cái hay, cái dở của từng vở diễn. Từ lạ thành quen những người nổi tiếng trong làng sân khấu như: Nguyễn Đình Nghi, Nguyễn Tất Thắng, Hồ Thi, Xuân Trình, Lưu Quang Vũ, Phạm Thị Thành, Doãn Hoàng Giang, Thanh Trầm, Đàm Liên…, mảng Sân khấu dần chiếm được cảm tình của người Việt Nam xa Tổ quốc.

Những lần gặp nhớ mãi…

Hơn 10 năm gắn bó với phòng Việt Kiều, trực tiếp làm chương trình phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc với tôi là một niềm vui lớn nhưng việc gặp gỡ tiếp xúc với bà con còn hạn chế vì nhiều lẽ nhưng cái chính vẫn là không gian quá xa xôi…

Yêu thương hai tiếng “Việt Kiều” - ảnh 3 Phóng viên Thu Nga (bìa trái) và Anh Trang đón đoàn Việt Kiều từ Nhật bản về thăm Việt nam năm 1981. Ảnh: Tư liệu của Nhà báo Anh Trang

Vì thế cũng dễ hiểu vì sao được gặp và trò chuyện trực tiếp với Việt Kiều luôn là mong ước của tôi. Còn nhớ vào khoảng cuối năm 1981, một đoàn Việt Kiều ở Nhật Bản về thăm quê hương, đến làm việc với phòng Việt Kiều, chúng tôi gặp nhau tay bắt mặt mừng như những người thân lâu ngày gặp lại. Sau buổi làm việc, tôi và đồng nghiệp Nguyễn Anh Trang dù bận bịu, vẫn dành cả buổi tối “tháp tùng” anh em dạo quanh Hồ Gươm, Nhà thờ lớn, các phố cổ… Họ rất trẻ trung, hoạt bát nên câu chuyện giữa chủ và khách rất chân tình. Thời gian gặp nhau ngắn ngủi nhưng để lại trong chúng tôi nhiều kỉ niệm đẹp. Anh Huỳnh Chí Chánh (Trưởng đoàn) tâm sự: “Bà con Việt Kiều ở Nhật làm việc rất cực nhọc nhưng tối về được nghe chương trình phát thanh dành cho đồng bào ở xa Tổ quốc là khỏe hẳn ra. Qua chương trình, bà con không chỉ nắm được tình hình đất nước, cuộc sống trên quê hương, mà còn được thưởng thức nhiều tiết mục sinh động, hấp dẫn như: Tâm sự với người xa quê, Việt Nam đất nước con người… Nhiều bạn trẻ coi kênh phát thanh này như người bạn tri kỷ, là nhịp cầu nối trái tim với trái tim…”.

Ấn tượng sâu sắc của tôi là vào năm 1994 trong chuyến đi học tại Pháp, tôi gặp ông Lâm Bá Châu, Chủ tịch Hội Việt Kiều tại Pháp. Cùng là Việt Kiều nên vừa gặp đã có cảm giác như quen thân. Chủ tịch Lâm Bá Châu cho biết: “Bà con Việt Kiều ở Pháp rất vui khi được nghe chương trình phát thanh phản ánh tình hình đất nước quê nhà; xa quê hương nhưng họ vẫn được nghe những làn điệu dân ca, cải lương quen thuộc. Bà con ở đây thường gặp nhau vào các dịp lễ Tết để ôn lại truyền thống, liên hoan ca hát, nhảy múa… Có sự kiện gì ở đất nước, bà con cùng nhau xuống đường “mít-tinh” ủng hộ, quyên góp tiền giúp đồng bào gặp thiên tai… Nhìn chung cuộc sống của bà con ở đây khấm khá do biết cách làm ăn, hòa nhập với nước sở tại.”

Năm 2014, trong chuyến du lịch và thăm thân tại nước Bỉ - trái tim châu Âu, tôi gặp ông Huỳnh Công Mỹ - Chủ tịch Hội Việt kiều và một nữ doanh nhân thành đạt tại Bỉ với việc mở cả chuỗi cửa hàng ăn đậm đà sắc thái Việt Nam. Chị kể rằng những lần về Việt Nam, tôi đã đi các cửa hàng ăn uống ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, thưởng thức và học từng món ăn đặc sắc của quê nhà. Về Bỉ, tôi mạnh dạn mở cửa hàng thể nghiệm những điều đã học qua các chuyến đi. Kết quả đáng mừng là các cửa hàng này với các món ăn đặc sắc như: bún chả, chả cá Lã Vọng, bún bò Huế… không chỉ được đông đảo bà con Việt Kiều yêu thích mà còn hấp dẫn cả khách Tây.

Ông Huỳnh Công Mỹ, Chủ tịch Hội Việt Kiều tại Bỉ cho biết: “Được nghe chương trình phát thanh dành cho đồng bào ở xa Tổ quốc, bà con rất vui, coi đó như nhịp cầu âm thanh nối liền tình cảm của người trong nước với những người con xa quê. Ở mọi phương trời, bà con luôn nhớ về quê cha đất mẹ với muôn vàn tình thương yêu; luôn chia sẻ niềm vui và những khó khăn mất mát của quê hương bằng những hoạt động phong phú, thiết thực góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước. Niềm vui của chúng tôi hiện nay là nhiều bà con đã cho con em học tiếng Việt, không còn cái cảnh ba mẹ nói con không hiểu gì, lại phải nói tiếng Tây với chúng. Gặp nhau những ngày lễ Tết, bà con thường mặc những trang phục đẹp, truyền thống, nhất là các thanh nữ với những tà áo dài đủ màu sắc, kiểu dáng thướt tha".

Gặp bà con Việt Kiều ở mỗi phương trời càng thấy tình yêu thắm thiết của những người con xa xứ với quê hương đất nước, xứng đáng là một “bộ phận khăng khít không thể tách rời của đại dân tộc Việt Nam”.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 8 năm 2020.

Feedback

Vũ Sandrine

Bài viết của bác rất sâu sắc đã nói lên hết tình cảm của những người Việt Nam trên quê hương luôn... Xem thêm