(VOV5) - Đối với đồng bào miền Nam, nghe Tiếng nói Việt Nam là để được nghe tiếng nói của Tổ quốc, tiếng nói Bác Hồ…
Từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi đất nước bị chia cắt làm hai miền, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam quyết định thành lập Ban biên tập miền Nam. Ban biên tập miền Nam đã trở thành cầu nối hai miền Nam - Bắc cả về chính trị và tình cảm, góp phần vào thành công của nhiệm vụ chiến lược “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau Hiệp định Geneve được ký kết tháng 7/1954, trong bối cảnh đất nước tạm thời chia làm hai miền có chế độ chính trị khác nhau, Đài Tiếng nói Việt Nam từng bước hình thành một hệ chương trình phát thanh dành riêng cho miền Nam.
Thời gian đầu, vào những năm 1955 - 1956, chương trình chỉ phát mỗi ngày 2 buổi, mỗi buổi 30 phút gồm một số tin thời sự, tiết mục “Nhắn tin vào miền Nam”, một vài câu chuyện hoặc bình luận tác chiến. Nhưng sau đó không lâu, để đáp ứng yêu cầu tuyên truyền của cuộc kháng chiến, hàng loạt chương trình và chuyên mục mới lên sóng như “Nối liền Nam Bắc”, “Chân tướng đế quốc Mỹ”, “Ngày nay trên miền Bắc”, “Lá thư vào Nam”, “Tức nước vỡ bờ”, “Nông thôn miền Nam”, “Thành thị miền Nam”… và các chương trình tổng hợp bằng 6 thứ tiếng Tây Nguyên.
Hệ thống loa phát thanh bên cầu Hiền Lương, trong những năm đất nước còn chia cắt (Ảnh: TL)
Nhà báo Mai Thúc Long, nguyên Phó Tổng giám đốc phụ trách nội dung của Đài Tiếng nói Việt Nam - từng là phóng viên, biên tập viên, bình luận viên của các chương trình phát thanh vào Nam kể lại: Sóng phát thanh khi đó đã bừng lên một không khí sống động, truyền cảm, thu hút người nghe, nhiều nhất là vào thời điểm ở miền Nam diễn ra những chiến dịch khủng bố, tố cộng tập trung của địch, những ngày rải thảm bằng B52… Còn đối với đồng bào miền Nam, nghe Tiếng nói Việt Nam là để được nghe tiếng nói của Tổ quốc, tiếng nói Bác Hồ:“Bốn từ hy sinh và căm thù lúc đó luôn thường trực trong mỗi người. Không ai nghĩ đến quyền lợi cho riêng mình. Phải biết căm thù địch giết bà con mình, chiếm đất nắm đất đai của mình, còn mình thì muốn độc lập tự do. Làm nhà báo phải tôn trọng sự thật, phải làm nhanh, phải nói đúng, viết chính xác. Lúc bấy giờ, một bên là chính sách của Đảng và Nhà nước, một bên là nhân dân thì tuân thủ ý kiến trên là đúng, nhưng tuân thủ những cái khác phải có sáng tạo, suy nghĩ để trở thành nhà báo chân chính, nhà báo cách mạng, nhà báo phục vụ cho nhân dân là chính” – ông Mai Thúc Long nói.
Để có được những chương trình đạt chất lượng phát sóng, tập thể phóng viên, biên tập viên của Ban biên tập miền Nam phải nỗ lực rất lớn, bởi tư liệu ngày ấy vô cùng hiếm hoi. Thông tin chiến đấu có được từ miền Nam thường phải thông qua những nguồn tin của Cục tác chiến Bộ Quốc phòng. Cả miền Bắc lúc ấy chỉ có vài tờ báo ngày, còn báo của ngụy quyền Sài Gòn muốn ra được Hà Nội phải mất vài tháng. Trong điều kiện khó khăn đó, những người thực hiện chương trình vẫn phải bám sát thính giả bằng việc theo dõi diễn biến thời cuộc qua những mẩu tin nhỏ.
Một khó khăn nữa của các chương trình phát thanh vào Nam là xác định rõ đối tượng để định hướng nội dung và hình thức tuyên truyền thích hợp. Mặc dù lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam đã quy tụ về Ban biên tập miền Nam nhiều cán bộ miền Nam tập kết, nhưng do khoảng cách không gian và thời gian, sự hiểu biết về con người và xã hội bên kia giới tuyến có phần thiếu hụt, số cán bộ trẻ có kiến thức về miền Nam rất ít, nên việc xác định thính giả muốn nghe những gì quả thực không dễ.
Ông Mai Thúc Long, nguyên Phó Tổng giám đốc phụ trách nội dung của Đài Tiếng nói Việt Nam
Khắc phục những hạn chế đó, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam lúc bấy giờ và Ban biên tập miền Nam thường xuyên tổ chức tiếp xúc giữa các biên tập viên với cán bộ từ miền Nam ra, tổ chức những buổi nói chuyện về miền Nam, nhập báo chí xuất bản ở Sài Gòn để tham khảo và khai thác. Nhờ đó các chương trình ngày càng sát với nhu cầu của đối tượng nghe đài.
Nhà báo Nguyễn Kim Trạch, nguyên phóng viên, biên tập viên của Ban biên tập miền Nam, cho biết: “Bản tin thời sự của Ban miền Nam khi đó chỉ đưa cốt lõi tin, sau đó là phần bình, để vừa thông tin vừa hướng dẫn người nghe hiểu sự kiện đó như thế nào. Ở trong chương trình “Thành thị miền Nam” có mục “Theo dòng thời sự” chuyên làm những tin bình theo giọng điệu của miền Nam. Theo tôi lúc bấy giờ đó là cách viết độc đáo nhất, tức là vừa thông tin, bình luận, đôi khi lại có châm biếm. Sau này khi đã chuyển công tác, tôi cho rằng thời kỳ mình làm ở Đài là thời kỳ tôi đã được bồi dưỡng nghiệp vụ rất sát sao”.
Là một phóng viên nữ xông xáo, nhiệt tình, không ngại khó khăn gian khổ, nhà báo Hồ Thị Khánh Quý vẫn nhớ như in nhiều kỷ niệm khi còn công tác tại Ban biên tập miền Nam. Nhận nhiệm vụ sản xuất chuyên mục binh vận của chương trình phát thanh “Thành thị miền Nam”, bà Khánh Quý không thể quên những chuyến đi thực tế, những dịp tới trại tù binh Đường 9 Nam Lào để chứng kiến buổi trao trả tù binh.
Bà Hồ Thị Khánh Quý
Cùng ăn cơm với các chiến sĩ binh vận, được tiếp xúc với sĩ quan tù binh đã cho bà nhiều tư liệu quý và chân thực để phục vụ tuyên truyền. Những bài viết về binh vận của bà luôn để lại dấu ấn trong mỗi chương trình dành cho miền Nam khi ấy.
Nhà báo Hồ Thị Khánh Quý nhớ lại: “Tôi làm về mảng binh vận. Tôi khai thác theo cách gặp đối tượng là mấy tù binh thì không dám nói mình làm binh vận. Người ta giới thiệu là làm mảng phụ nữ, thế nên họ sẵn sàng nói chuyện vợ con với mình, từ đó khai thác thông tin. Tất cả các vấn đề cần khai thác thì các phóng viên phải chủ động. Tất cả các bài viết không hề có tiền thù lao, để thấy rằng nhiệt tình của người viết hoàn toàn không phụ thuộc vào kinh tế, mà chỉ có lòng yêu nước, yêu công việc”.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, các chương trình phát thanh vào Nam còn phát sóng thêm một thời gian nữa. Ban biên tập miền Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhiều người đã trở thành cán bộ nòng cốt của Đài Phát thanh và Truyền hình từ Trung ương đến địa phương.
Ban biên tập miền Nam với những chương trình phát thanh sống động của một thời máu lửa đã trở thành dấu ấn quan trọng trong suốt chặng đường phát triển của Đài Tiếng nói Việt Nam./.