Nhớ- nghĩ về nghề báo ... nói

Đào Dục Tú
Chia sẻ
(VOV5) -  "Một mẫu số chung quy tụ nhân tâm người Việt hải ngoại không có gì khác hơn là tình yêu đất nước, tình cảm với quê hương, gia đình, thân tộc. Tình cảm phổ quát đó không ai có thể dán nhãn mác cộng sản hay quốc gia, trong hay ngoài, quá khứ bên này hay bên kia chiến tuyến....."

(VOV5) - "Một mẫu số chung quy tụ nhân tâm người Việt hải ngoại không có gì khác hơn là tình yêu đất nước, tình cảm với quê hương, gia đình, thân tộc. Tình cảm phổ quát đó không ai có thể dán nhãn mác cộng sản hay quốc gia, trong hay ngoài, quá khứ bên này hay bên kia chiến tuyến....."


Ngoại trừ ba năm làm anh cán bộ diện tập sự sau đại học ở Khu Triển lãm Vân Hồ, Hà Nội, tôi có tới trên ba mươi năm làm nghề báo nói ở Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Trong suốt thời gian ấy, có hai đối tượng nghe đài tôi gắn bó nhất là người nghe ở nông thôn và thành thị miền Nam thời chiến tranh và người nghe là bà con Việt Kiều ở khắp các châu lục, đặc biệt là thính giả Việt Nam ở xa tổ quốc.  Có thể nói nguồn thính giả miền Nam thời chiến cũng là nguồn góp phần hình thành cộng đồng người Việt trên dưới năm triệu người sau khúc quanh lịch sử ngày 30-4 -1975.


Nhớ- nghĩ về nghề báo ... nói - ảnh 1
Nhà báo Đào Xuân Tân
 ảnh: facebook Dục Tú Đào

Lại xin nói đôi lời về hai chữ Việt Kiều dưới góc độ kỷ niệm nghề nghiệp. Người viết còn nhớ cách đây chừng trên dưới một phần tư thế kỷ, do kiến văn hạn hẹp, kiến thức Hán học quá mỏng manh, cứ thắc mắc hoài chữ “Kiều” có nghĩa gì khi mà cái cầu đẹp người ta cũng dùng mỹ từ “cầu kiều”: “muốn sang thì bắc cầu kiều - muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”; khen một người con gái đẹp, người ta thường ví von  “đẹp như Kiều”; gọi người đẹp là... kiều nữ. Thế còn Kiều trong danh từ Việt Kiều, Hoa Kiều, Ấn Kiều... là “kiều gì”? Một buổi tôi ra hiệu sách Tràng Tiền, lật giở trang “tam thiên tự” (ba nghìn chữ Hán ghi âm Việt), thấy chữ  Kiều này nghĩa  là nhờ,  người ăn nhờ ở đậu một nước khác gọi là kiều dân, tự dạng chỉ khác ở chỗ kiều là đàn bà đẹp có bộ nữ, kiều là cầu có bộ mộc; còn chữ Kiều này có bộ nhân đứng chỉ người mà thôi. Nói hơi quá lời, tôi muốn reo lên rằng ... nghĩa việt kiều đây rồi! Người Việt sống nhờ ngoài biên giới nước mình dù họ có một lịch trình khác biệt, chính kiến khác biệt, hoàn cảnh khác biệt, tất cả đều là “Việt Kiều”, một bộ phận không thể tách rời của đại gia đình dân tộc Việt Nam như chính thể trong nước nhiều lần long trọng xác quyết.  Một mẫu số chung quy tụ nhân tâm người Việt hải ngoại  không  có gì khác hơn là tình yêu đất nước, tình cảm với quê hương, gia đình, thân tộc. Tình cảm phổ quát đó không ai có thể dán nhãn mác cộng sản hay quốc gia, trong hay ngoài, quá khứ bên này hay bên kia chiến tuyến thời đất nước chìm trong chia cắt, bom đạn, thù hận. Cái “rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì” trong câu thơ của tác giả lão thành hải ngoại  Du Tử Lê là rặng tre ngàn đời chung của người Việt trên đất Việt, là biểu tượng của xứ sở.


Nhớ- nghĩ về nghề báo ... nói - ảnh 2
Nhà báo Đào Xuân Tân (ngồi) cùng các đồng nghiệp phòng Việt Kiều năm 1994

Đối tượng phát thanh nào cũng là một cộng đồng nhiều thành phần xã hội, đối tượng Việt Kiều lại càng là như thế. Có người là Việt Kiều trước sự kiện lịch sử chấm dứt chiến tranh Việt Nam, tập trung nhiều nhất ở Pháp. Có người ra đi ngay trong khúc quanh lịch sử mùa xuân năm 1975 xuất xứ từ những cảnh ngộ khác nhau; có người đi tìm miền đất hứa trong thời hậu chiến khốn khó; hai “nhánh” này tập trung đông nhất ở Mỹ. Lại có bà con ra đi từ phía Bắc, vốn dĩ số đông là học sinh, hoặc diện lao động xuất khẩu ở lại và tứ tán khắp nơi sau sự biến Liên Xô - Đông Âu xã hội chủ nghĩa tan rã hồi cuối thế kỷ 20…Nhiều nhánh Việt Kiều nhưng đã là người Việt, mang dòng máu Việt, thì dù ở nhánh nào cũng trên thân cây đại thụ Việt! Tuyệt đại bộ phận cộng đồng người Việt ở nước ngoài  đều ý thức sâu sắc rằng sự trường tồn của dân tộc, sức mạnh của dân tộc trên  hành trình hội nhập toàn cầu, những thăng trầm của lịch sử  kiến quốc trước những thách thức trướng ngại bên trong và bên ngoài, cùng cơ hội nghìn năm có một của Việt Nam gắn liền với buồn vui được mất của người mang dòng máu Việt trên khắp bốn biển, năm châu. Người Việt vui với đồng bào mình, quê hương mình trước những đổi mới kinh tế xã hội ở trong nước. Và người Việt lo âu mỗi khi thiên tai cộng  kẻ thù nôi công ngoại kích gây ra trên bình diện kinh tế xã hội. Và người Việt không từ nhiệm hữu trách của mình về thực trạng đất nước chưa phát triển hiện đại văn minh ngang bằng, sánh vai được với các cường quốc năm châu như khát vọng của ông cha ta từ thời lập quốc! Nỗi ưu tư đó vượt lên trên mọi chính kiến tư tưởng dị biệt, vượt lên trên cả một quá khứ dằng dặc những thù hận với chia lìa. Ai rồi cũng sẽ nhận ra không thể đội mãi nấm mồ quá khứ đối đầu mà sống được, nếu như không muốn bị gạt sang bên lề hành trình nhân loại. Với một dải non sông gấm vóc đẹp như gấm như hoa mà hàng nghìn đời tổ tiên ta đã phải lấy núi xương sông máu xây nên trường thành bảo vệ giữ gìn, chỉ có một con đường duy nhất là hòa giải hòa hợp dân tộc, cùng chung vai gánh vác kiến quốc để Việt Nam sớm trở nên một quốc gia phú cường, xứng đáng với truyền thống dựng nước và giữ nước của ông cha ta.


Với nhận thức, với lòng tin như vậy, trên dưới một phần tư thế kỷ, người viết đã thể hiện tình tự dân tộc  trong đủ thể loại báo chí truyền thông cho thính giả Việt Kiều trên tinh thần lấy tiếng nói từ trái tim đến thẳng với trái tim người nghe, dù họ nghe qua loa ở những chân mây cuối trời khác nhau trên trái đất.

Feedback