Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc Hoàng Sang:
Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào VN ở xa Tổ quốc của Đài TNVN được thành lập vào ngày 16/8/1981. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, nhà báo Huyền Yến, người có nhiều năm gắn bó với Chương trình chia sẻ những câu chuyện đời, chuyện nghề.
Thu sang, bâng khuâng nỗi nhớ một thời
Đầu những năm 1970 của thế kỷ XX, lứa sinh viên chúng tôi hầu hết đều từ các trường đại học ở Hà Nội như: Đại học Tổng hợp, Đại học Sư phạm, Đại học Bách khoa, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Nông nghiệp, Đại học Kinh tế quốc dân …được về nhận công tác tạị Đài Tiếng nói Việt Nam.
Tổng Giám đốc VOV Phan Quang (người ngồi thứ 2 từ phải qua) cùng các vị khách quý và một số lãnh đạo các Ban Biên tập thăm, chúc mừng phòng Việt Kiều nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Đài TNVN - 7/9/1990. Ảnh: Huyền Yến
|
Khoảng chục năm đầu tiên về Đài, không ít người trong chúng tôi đã làm việc ở những đơn vị khác nhau. Chúng tôi đều là dân ngoại đạo, nên khi ngẫu nhiên được “chọn làm nghề báo” không tránh khỏi những bỡ ngỡ ban đầu. Ngày ấy, cũng chỉ có ba loại hình báo chí là báo viết, báo nói và báo hình. Chương trình phát thanh “Nông thôn Miền Nam” thuộc Ban biên tập Miền Nam của Đài Tiếng nói Việt Nam là nơi tôi bắt đầu nghề báo nói. Đối tượng thính giả lúc bấy giờ là bà con vùng nông thôn Miền Nam đang sống dưới thể chế Việt Nam cộng hòa, nên các tin và bài viết đều mang đậm tính “binh vận”, động viên bà con vùng lên phá ấp chiến lược, cảm hóa chồng, con, anh em rời bỏ quân ngũ, trở về với quê hương, làng xóm.
Ngày 30/4/1975 Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Ban biên tập Miền Nam hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình và các chương trình phát thanh thuộc Ban cũng ngưng phát sóng. Tôi và một số đồng nghiệp được điều về Ban Khoa giáo - một Ban mới thành lâp với chức năng đúng như “tên gọi”- chủ yếu phổ biến kiến thức khoa học và giáo dục tới bạn nghe đài.
Phóng viên Đài TNVN cùng chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành - VK Mỹ (người thứ 2 từ trái qua) về Bắc Ninh tặng học bổng cho em học sinh nghèo vượt khó. |
Thời gian này, việc chính của chúng tôi là “công tác cộng tác viên”. Hầu hết những bài lên sóng được phóng viên “đặt hàng” các nhà khoa học, các chuyên gia hoạt động trong mọi lĩnh vực ở các viện nghiên cứu, trường đại học tại Hà Nội, rồi biên tập và sang Đài Bá Âm (nay là Trung tâm Kỹ thuật lưu trữ phát thanh và truyền hình) thu dựng chương trình.
Sau vài ba năm hoạt động, Ban Khoa giáo giải thể, chúng tôi lại chuyển sang làm việc ở đơn vị mới. Tôi về phòng phát thanh Văn xã. Đi công tác cơ sở vài lần, viết được vài bài, chưa có ấn tượng gì, tôi lại về chương trình “Tiếp chuyện Bạn nghe Đài” mới thành lập, với công việc là đọc thư thính giả gửi đến, chọn lọc nội dung thuộc lĩnh vực mình phụ trách và trả lời trực tiếp trên sóng phát thanh hoặc có thể mời chuyên gia thuộc các bộ, ngành cùng tham gia trả lời qua buổi trao đổi hoặc phỏng vấn, đồng thời, giới thiệu các chính sách, văn bản pháp quy của Nhà nước mới ban hành. Ngoài ra còn có những chuyến đi công tác địa phương điều tra ý kiến của thính giả…
Phóng viên, biên tập viên phòng Việt Kiều và cộng tác viên trong dịp Kỷ niêm 9 năm thành lập phòng (16/8/1990). |
Năm 1983, do yêu cầu “bổ sung lực lượng” cho chương trình phát thanh “Dành cho Đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc” thường gọi là chương trình Việt Kiều mới thành lập, tôi và phóng viên Nguyễn Hải Tần được Bộ Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam “nhập tịch” phòng Việt Kiều. Trước đó, phòng đã có những thành viên đầu tiên từ ngày thành lập (16/8/1981) là Nguyễn Huy Dung, Trần Sơn Ngọc, Nguyễn Anh Trang và Lê Thu Nga.
Khi chúng tôi về thì phóng viên Trần Sơn Ngọc sang đơn vị khác và phòng đã thêm phóng viên Phạm Thụy Chóng. Sau đó ít ngày, anh Nguyễn Đình Lương được chuyển về làm trưởng phòng. Một thời gian ngắn, anh Nguyễn Đình Lương lại được điều chuyển sang Ban Văn nghệ và anh Nguyễn Thắng Lộc từ Ban Đối ngoại về tiếp nhận chức Trưởng phòng. Cùng thời gian này, phòng được bổ sung những tay viết đa năng như anh Thái Thuyên, Đào Xuân Tân, Hoàng Đồng và Đào Thị Phước. Nửa cuối những năm 1980 có Lê Quốc Hưng, khoảng năm 1993 thêm Nguyễn Thúy Hoa, và từ 1998 về sau, nhiều gương mặt trẻ đã “về cùng đội” với chúng tôi như: Hoàng Hướng, Trần Lệ Chiến, Phi Hà, Nguyễn Lan Phương, Nguyễn Hồng Anh, Hoàng Thu Thảo, Nguyễn Kim Lan. Sau này là Nguyễn Thành Đức, Nguyễn Mai Liên, Nguyễn Tú Anh.
Mỗi lần thăm “Mái nhà xưa", chúng tôi đều được các em, các cháu VOV5 và phòng Việt kiều tiếp đón nồng ấm |
Với một chương trình phát thanh mới mẻ, có thời lương 60 phút trên sóng mỗi ngày cho đối tượng thính giả là người Việt sống ở khắp nơi trên thế giới, chúng tôi thật sự gặp không ít trở ngại. Viết gì đây? Viết như thế nào? Bà con mình ở hải ngoại muốn nghe, muốn biết những gì từ quê hương? Khó khăn là vậy, nhưng tất cả anh chị em trong phòng đều nỗ lực và sáng tạo trong công việc, nên chỉ qua một thời gian ngắn “tự bơi” trong môi trường mới, ngoài thay nhau trực bản tin hàng ngày, hàng tuần, điểm báo, trực tin đêm và sang Trung Tâm âm thanh thu dựng chương trình … chúng tôi được phòng phân mỗi người chịu trách nhiệm một phần việc cụ thể. Rồi cứ thế, các thành viên vừa làm, vừa cải tiến và sáng tạo để có “diện mạo” chương trình phát thanh đa dạng và phong phú, như một thính giả từng nhận xét: “Chương trình Việt Kiều có nội dung lên sóng như của cả Đài Tiếng Nói Việt Nam thu nhỏ” vậy.
Gặp gỡ một số trí thức, doanh nhân Việt Kiều tại Montreal - Canada, tháng 3/1998. |
Tôi được giao nhiệm vụ kết nối với Ban Việt Kiều Trung Ương (nay là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) để tìm hiểu về những chính sách, văn bản pháp quy của Chính phủ và Nhà nước Việt Nam đối với kiều bào ta ở hải ngoại như thế nào. Giới thiệu cho thính giả sống xa tổ quốc qua hình thức thông tin nhanh văn bản hoặc phỏng vấn, tọa đàm về nội dung với các cán bộ có trách nhiệm ở cơ quan chủ quản (Ban Việt Kiều Trung Ương hoặc Bộ Ngoại giao), đồng thời lưu ý “săn” để gặp và phỏng vấn khi bà con kiều bào về nước, viết bài biểu dương những trí thức, doanh nhân kiều bào đã hợp tác đầu tư phát triển kinh tế hoặc đóng góp trong nhiều lĩnh vực khác cho quê hương.
Thăm cơ sở của doanh nhân Hoàng Tấn
ở Matxcova, LB Nga |
Vào những năm 1980, Việt Nam trong thời kỳ khôi phục kinh tế vô cùng khó khăn thiếu thốn bởi hậu quả của chiến tranh và chính sách cấm vận của Mỹ. Bà con ta ở nước ngoài thời điểm này ít có cơ hội về thăm quê. Chúng tôi cũng không có nhiều dịp để được trực tiếp gặp gỡ, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của kiều bào. Hầu hết các buổi trao đổi giữa phóng viên với bà con khi đó đều do các anh chị trong Ban Việt Kiều Trung Ương tạo điều kiện.
Bước vào thập niên 1990, đất nước từng bước đổi mới, Mỹ đã bỏ cấm vận (2/1994). Thời điểm này, Chính phủ và Nhà nước Việt Nam ban hành nhiều chính sách cởi mở, coi kiều bào là “một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam” (Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị) tạo thuận lợi hơn cho bà con về thăm tổ quốc, đầu tư, góp phần xây dựng quê hương, thì số lượng người Việt xa xứ trở về ngày một nhiều.
Viết tới đây, tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành tới các anh chị - những thế hệ cán bộ, nhân viên Ban Việt Kiều Trung ương trước kia, nay là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài về sự giúp đỡ vô cùng quý báu của các anh chị ngày ấy, để tôi có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tôi đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện cùng anh Đặng Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội Việt kiều ở Mác-xây (Pháp), giáo sư Trần Văn Khê, tiến sĩ sử học Thu Trang, Công Thị Nghĩa, ông Đặng Văn Hữu, ông Bùi Văn Tuyền (đều là việt kiều Pháp), anh Lương Châu Phước, chị Nguyễn Thị Thanh (Việt kiều ở Canada), chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, vợ chồng anh chị Tài Phương, ông Lê Trọng Văn (việt kiều ở Mỹ), tiến sĩ Mai Thế Nguyên (Việt kiều ở Na Uy), giáo sư Trần Văn Thọ (Việt Kiều ở Nhật Bản), tiến sĩ Trần Hồng Cẩm (việt kiều ở Bỉ )…cùng nhiều anh chị ở Australia, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Ba Lan, Nga, Ăng-gô-la, Lào, Thái Lan, Campuchia và nhiều nước khác (mà trong khuôn khổ của bài viết này, tôi không thể kể ra hết được), đã phần nào giúp chúng tôi và những người ở trong nước hiểu được tâm tư, nguyện vọng và tấm lòng của người xa quê đối với Tổ quốc.
Gặp gỡ một số Việt kiều ở tỉnh Uđon Thani (Đông Bắc Thái Lan - 2001) |
Khi còn đương nhiệm, với chúng tôi, những chuyến đi công tác nước ngoài để “tìm hiểu đối tương thính giả” nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phục vụ cho công việc, là câu chuyện không dễ dàng. Đây cũng là điều trăn trở của hầu hết các phóng viên, biên tập và lãnh đạo phòng Việt Kiều trong suốt thời gian dài. Điều chúng tôi mong muốn đó là “mắt thấy, tai nghe” ngay ở nước sở tại, bà con ta đang sinh sống và làm việc ra sao? Tâm tư nguyện vọng của các cô, bác, anh, chị - cộng đồng người Việt ở nước ngoài (trong đó không ít người chưa một lần trở về thăm nơi mình đã sinh ra) như thế nào? Và bà con có thường xuyên nghe Đài Tiếng nói Việt Nam không?… Có thể nói ngày ấy, phản hồi dư luận từ thính giả Việt Nam ở xa Tổ Quốc với “những sản phẩm phát thanh” của chúng tôi hầu như chỉ trông chờ vào những cánh thư ít ỏi từ phương xa cùng những cuộc gặp gỡ, trao đổi “Xuân Thu nhị kỳ” với bà con trở về thăm đất nước dịp Quốc Khánh 2/9 hay đón Tết Nguyên Đán ở quê hương.
Cùng đồng nghiệp trong một chuyến công tác ở Hà Bắc (Nay là Bắc Giang) và Lạng Sơn. Từ phải sang: nhà báo Huy Dung, Thụy Chóng cán bộ cơ sở, Huyền Yến và hai cán bộ địa phương |
Kể chuyện dông dài về một thời làm chương trình phát thanh dành cho kiều bào với không ít khó khăn và thách thức để thấy khi có “cơ hội” thực hiện được phần nào mong muốn của mình, thì phóng viên chúng tôi sẽ tận dụng ra sao? Đó là vào đầu năm 1998, tôi được Bộ Biên tập, Ban Biên tập Đối ngoại và Phòng Việt Kiều cử sang công tác tại Đài Phát thanh quốc gia Canada dưới hình thức “trao đổi nghiệp vụ”.
Đây là chuyến công tác nước ngoài thứ hai của tôi từ khi về Đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng lại là chuyến đầu tiên do cơ quan cử đi. Trước khi lên đường, tôi trao đổi với lãnh đạo phòng sẽ cố gắng tranh thủ thời gian vào ngày nghỉ cuối tuần để gặp gỡ được chí ít là một số kiều bào mình bên đó. Tôi cũng nhờ các anh bên Ban Việt kiều Trung ương giúp gửi công văn cho Đại sứ quán Việt Nam ở Canada (đương nhiệm khi ấy là bà Đại sứ Đinh Thị Minh Huyền) hẹn sẽ đến thăm và có buổi làm việc về tình hình cộng đồng người Việt ở Canada.
Vốn quen biết với vợ chồng anh Lương Châu Phước và chị Nguyễn Thị Thanh, những trí thức người Việt định cư ở Canada từ trước năm 1970 (cũng là những nhân tố hoạt động tích cực trong cộng đồng kiều bào ta bên đó), tôi thông tin tới anh chị về chuyến đi cùng dự định của mình cho buổi gặp gỡ với môt số bà con Việt kiều, nhờ anh chị giúp đỡ. Do vậy, tôi đã có những buổi trò chuyện thân tình và cởi mở với các anh chị em trí thức, doanh nhân người Việt đang sinh sống tại đây.
Thăm gia đình anh Lương Châu Phước, Việt kiều ở Montréal, Canada (đầu tiên bên trái). |
Những đồng hương trên đất khách ngày ấy đã chia sẻ cùng tôi thật nhiều cảm xúc. Song, cho dù chính kiến có khác nhau thế nào, thì mọi người đều nói lên nỗi nhớ quê hương tha thiết, mong có dịp được trở về thăm nơi chôn rau cắt rốn của mình và làm điều gì đó tốt lành cho đất mẹ. Có thể nói, chuyến công tác của tôi cùng chị bạn trong Ban biên tập Đối ngoại ngày ấy, tự đánh giá là “thành công rực rỡ”, bởi ngoài thời gian học hỏi và trao đổi nghiệp vụ với các bạn đồng nghiệp ở Đài phát thanh Quốc gia Canada, lần đầu tiên phóng viên Chương trình chúng tôi được gặp gỡ thính giả của mình ở xa Tổ Quốc.
Mùa Thu năm 2002, tôi sang công tác tại Cộng hòa Liên bang Nga theo thư mời của ông A-lec-xây Xiu-nhen-bec, Trưởng Ban Tiếng Việt, Đài Tiếng nói nước Nga. Tôi tiếp tục nhờ các anh lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài giúp gửi công văn đến Đại sứ quán Việt Nam ở Liên Bang Nga, thông báo để Sứ quán hỗ trợ cho chuyến công tác của mình. Đương nhiệm thời gian này tại Nga là ông Nguyễn Xuân Lưu, Tham tán Công sứ, Trưởng Ban Công tác Cộng đồng, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga.
Để đến được với xứ sở Bạch Dương năm ấy, tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất tận tình của các anh trong Ban lãnh đạo Tổng Công ty Thương mại Bến Thành-Matxcova như các anh Võ Hồng, Nguyễn Cảnh Thanh, Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Cảnh Nam, cùng nhiều anh chị em khác trong Tổng Công ty. Ngoài thời gian làm việc với Đài Tiếng nói Nước Nga và Sứ quán Việt Nam, tôi dành nhiều thời gian đến thăm một số Trung tâm thương mại của người Việt, thăm các doanh nhân và người lao động Việt Nam.
Một gian hàng của người Việt ở Saliut 5 (Tổng Công Ty Thương mại Bến Thành-Matxcova). Người mặc áo trắng đầu tiên bên trái là chủ và 2 người đàn ông Nga đứng sau làm thuê cho chị. |
Qua những buổi trò chuyện, tôi hiểu được phần nào sự nỗ lực vượt qua mọi khó khăn của cộng đồng người Việt ở Nga (kể từ khi Liên Xô tan rã và khối Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu thoái trào) để có thể mau chóng hòa nhập vào nước sở tại, vững vàng khẳng đinh và phát triển cơ sở làm ăn kinh tế của mình ở một đất nước đầy biến động lúc bấy giờ. Xin cảm ơn các anh chị, các bạn và các em đã giúp tôi hoàn thành tốt công việc của mình nơi xứ sở Bạch Dương với những trải nghiệm không thể nào quên.
Một vài chuyến xuất ngoại sang Thái Lan (theo diện khách mời) tôi cũng ghé qua Sứ quán Việt Nam ở Bankok, gặp gỡ nhiều kiều bào ở vùng Đông Bắc Thái Lan, đặc biệt là ở các tỉnh Nong Khai, Nakhon Phanom, Udon Thani, thăm nơi Bác Hồ từng sống và hoạt động cách mạng. Mỗi chuyến đi xa, “lại thấy bao nhiêu điều mới lạ”, tôi có dịp biết đó biết đây, và đặc biệt là được gặp gỡ không ít kiều bào ta ở nước ngoài, hiểu và cảm thông hơn những thuận lợi và khó khăn cùng những băn khoăn của con dân nước Việt sống ở nơi xa về hiện tình đất nước. Nhờ vậy, các bài viết của phóng viên gần gũi hơn với thính giả Việt Nam ở xa Tổ Quốc.
Thăm trang trại trồng cam
của Việt Kiều ở tỉnh Udon Thani,Thái Lan,(2001 ) |
Để Tiết mục “Khách mời trong tuần” phong phú về nội dung, ngoài đối tượng kiều bào, tôi mở rộng quan hệ với các Hội thân nhân Việt Kiều ở Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình…,các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt những chuyến đi công tác cơ sở cùng đồng nghiệp, tư liệu thu nhận được không chỉ là phản ánh bức tranh toàn cảnh cuộc sống tươi mới của mỗi vùng quê, tôi còn gặp gỡ và phỏng vấn lãnh đạo một số tỉnh, thành phố về công tác hoạt động đối ngoại. Bên cạnh chính sách chung của Nhà nước, thì địa phương có quan tâm, khuyến khích gì thêm với kiêu bào “gốc” quê mình khi bà con về đầu tư hợp tác làm ăn?
Tiết mục “Việt Nam - Đất nước - Con người” do tôi phụ trách, ra đời khởi nguồn từ khi tôi được phân công theo dõi hoạt động của ngành Du lịch Việt Nam. Để có sản phẩm lên sóng, không chỉ là bài viết về những danh nhân, anh hùng, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, lễ hội truyền thống ở mỗi miền quê, phong tục tập quán đẹp của người Việt, mà còn là nội dung về văn hóa ẩm thực, những đặc sản của các vùng miền trên cả nước… khiến người nghe thêm yêu quý và tự hào về đất nước và con người Việt Nam. Loạt bài này chủ yếu sưu tầm và biên tập từ nguồn tư liệu thành văn (sách, báo), đặt bài cộng tác viên và đôi khi phóng viên tham gia viết.
Chuyến công tác Nam Định với đồng nghiệp |
Với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông đa phương tiện, Đài Tiếng nói Việt Nam những năm gần đây không ngừng đổi mới trang thiết bị kỹ thuật hiện đại. Các đồng nghiệp trẻ của chúng tôi ngày nay được “tác nghiệp” trong điều kiện thuận lợi hơn trước rất nhiều. Ngồi tại studio từ Hà Nội có thể cùng lúc kết nối với thính giả Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới qua “cầu” truyền thanh, truyền hình để thực hiện các cuộc phỏng vấn hay tọa đàm về một vấn đề nào đó. Từ các kênh thông tin trên mạng xã hội (YouTube, Facebook …) người Việt ở trong và ngoài nước cũng nhanh chóng biết được các sự kiện đã và đang diễn ra trên thế giới, cũng như ở Việt Nam. Suy nghĩ đa chiều của kiều bào qua các kênh thông tin nói trên đã giúp phóng viên có thêm những góc nhìn mới về đối tượng thính giả của mình.
Đi nước ngoài bây giờ cũng không còn là “của hiếm” với người làm “báo nói” như trước nữa.
Đất nước ngày một “thay da đổi thịt”, cuộc sống người dân Việt Nam hôm nay tuy còn không ít khó khăn phải vượt qua, nhưng đang từng bước được cải thiện.
Đảng, Chính phủ và Nhà nước Việt Nam ngày càng quan tâm đến công tác kiều bào. Nghị quyết 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài được ban hành với nhiều nội dung nhằm thu hút trí thức doanh nhân, nhà đầu tư kiều bào về hợp tác với trong nước, như xem xét miễn thị thực cho một số bà con về nước, mở rộng thêm đối tượng người Viêt Nam được mua nhà gắn liền với quyền sử dụng đất ở Việt Nam, cho phép kiều bào mua cổ phần của các doanh nghiệp trong nước, đồng thời tiến hành đơn giản hóa các thủ tục hành chính, xuất nhập cảnh, cư trú đi lại, hợp pháp hóa các loại giấy tờ, chính sách một giá …
Cùng đồng nghiệp báo Quân đội Nhân dân và các anh chị Hội Thân nhân Việt Kiều Hải phòng thăm Công Ty BVT của Tổng Giám đốc Bùi Văn Tuyền, Việt kiều Pháp, tại Hải Dương |
Nghị quyết cũng nêu rõ: Với tinh thần đại đoàn kết dân tộc, lấy mục tiêu độc lập dân tộc, dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh làm điểm tương đồng, chấp nhận những quan điểm khác nhau, không phân biệt quá khứ, chính kiến, mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước đều có chỗ đứng trong khối đại đoàn kết toàn dân.
Có thể nói, những năm qua, các chuyến về thăm Viêt Nam của nhiều trí thức, doanh nhân và bà con ta ở nước ngoài, trong đó có các ông Nguyễn Cao Kỳ, nhạc sĩ Phạm Duy, thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng không ít người từng làm việc trong chính quyền Sài Gòn trước đây, hay người có tư tưởng đi ngược lại với trong nước, đã thể hiện tính ưu việt của chính sách và tác động tích cực trong công đồng như thế nào.
Cũng chính sự “trở về” ngày càng nhiều của người Việt xa xứ đã góp phần làm phong phú thêm “công việc bếp núc” cho phóng viên chương trình chúng tôi.
Các nhà báo lão thành của chương trình Việt Kiều- - trái qua phải: Xuân Tân, Thụy Chóng, Anh Trang, Huyền Yến, Thái Thuyên.
|
40 năm, một chặng đường non nửa thế kỷ đã đi qua, Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc xứng đáng là “nhịp cầu âm thanh” kết nối tình cảm của kiều bào ta với quê hương, nhận được sự tin yêu, trân quý không chỉ của thính giả Việt Nam sinh sống ở nơi xa, mà của cả bạn bè quốc tế.
Cố tiến sĩ Đông Phương học Ivo-Vaxiliev, người Tiệp Khắc (nay là CH Séc), từng dịch tập thơ “Nhật Ký Trong Tù” của Chủ Tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Tiệp, và cố Chủ tịch Hội hữu nghị Nga - Việt, ông Glazunop từng nói với chúng tôi rằng, hai ông rất vui mỗi khi nghe được làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam qua chương trình Việt Kiều. Đây thật sự là niềm tự hào của các thế hệ phóng viên, biên tập viên phòng Việt Kiều chúng tôi.
40 năm một chặng đường, thế hệ đầu tiên của những người làm báo nói cho thính giả Việt Nam ở nước ngoài cũng đã chia tay “ngôi nhà chung” VOV và phòng Việt Kiều nghỉ hưu từ lâu, người còn, người đã đi xa. Mỗi khi nghe tiếng nhạc hiệu của chương trình với những “giọt” đàn bầu thánh thót do các thành viên đầu tiên của phòng chọn lựa, đặc biệt là nghe nhạc hiệu của hai tiết mục “Việt Nam - Đất nước - Con người” và “Khách mời trong tuần” do chính mình chọn từng nét nhạc làm nên, khiến lòng tôi không khỏi bồi hồi, …
Lan man đôi dòng “chuyện mình chuyện nghề” trong dịp kỷ niệm 40 năm chương trình dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc lên sóng, thật nhiều cảm xúc.
Khi những trang viết này đến với bạn đọc, thì không ít đồng nghiệp thân quý của tôi ở phòng Việt Kiều đã đến với Thế giới người hiền. Nhớ các anh Nguyễn Thắng Lộc, Thái Thuyên và các bạn Nguyễn Huy Dung, Nguyễn Hải Tần - những ngưới từng sát cánh cùng chúng tôi làm nên “thương hiệu” cho một chương trình phát thanh xứng tầm trên làn sóng của Đài tiếng nói Việt Nam suốt những năm qua.
Đại diên Ủy Ban Nhà Nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Ban Biên tập Đối ngoại, phóng viên phòng Việt kiều và một số kiều bào tham dự buổi giao lưu đón Xuân Quý Mùi – 2003 tại Đài TNVN - 45 Bà Triệu - Hà Nội .
|
Mấy mươi năm ấy, biết bao nhiêu tình. Xin trân quý gửi tặng bài viết này tới các anh chị, các bạn, các em và các cháu đồng nghiệp phòng Việt Kiều cùng thính giả Việt Nam ở xa Tổ quốc - những đồng hương trên đất khách của tôi.