Năm 1955, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký Nghị định số 558, đặt Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) trực thuộc Chính phủ. Theo đó, Đài thành lập Phòng Tuyên truyền Chính trị, gọi tắt là Đối Nội, do nhà báo Nguyễn Văn Nhất làm trưởng phòng. Trong phòng có nội dung phát thanh dành cho công nhân. Năm 1956, trong không khí lao động sôi nổi khôi phục đất nước sau chiến tranh, chương trình Phát thanh được thành lập với tên gọi đầu tiên là “Từ nhà máy đến công trường”, lấy ca khúc “Ánh điện sáng trên cầu Việt Trì” của nhạc sỹ Hoàng Hà làm nhạc hiệu.
Phó Tổng Giám đốc VOV Vũ Hải phát biểu tại buổi gặp gỡ |
Từ đó, Chương trình có các danh xưng phù hợp với đặc điểm từng thời kỳ là Công nhân, Công nghiệp, Công nghiệp và phân phối lưu thông, Công nghiệp và thương mại, nay là nòng cốt của phòng Kinh tế tổng hợp thuộc Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp VOV1. Thời kỳ đầu, chương trình do VOV phối hợp với Tổng Công đoàn, nay là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện.
Thời kỳ Công nghiệp và Phân phối lưu thông, Đài phối hợp với Bộ Nội thương thực hiện chương trình phát thanh, mỗi tuần 2 lần. Tham gia làm Chương trình Phát thanh Công nghiệp và Thương mại có 73 thành viên, trong đó 59 nhà báo của VOV, 11 thành viên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và 3 thành viên của Bộ Nội thương.
Qua 61 năm phát sóng, Chương trình phát thanh "Công nghiệp và Thương mại" đã sản xuất nhiều tiết mục ghi đậm dấu ấn trong lòng thính giả như: Thợ Xây kể chuyện, Búa tạ truyền tin, Ý kiến người quản lý, Ý kiến người tiêu dùng, Tiết kiệm là quốc sách, Lao động và Công đoàn... Đặc biệt, câu chuyện truyền thanh công nghiệp và công nhân đã có vị trí xứng đáng trong thể loại này của Đài Phát thanh Quốc gia, được Hội nghệ sỹ sân khấu công nhận là một loại hình nghệ thuật báo chí đặc biệt.
|
Các thế hệ cán bộ, phóng viên phòng "Công nghiệp và Thương mại" chụp ảnh lưu niệm |
Tại buổi gặp gỡ, 4 thế hệ nhà báo làm chương trình này qua các thời kỳ đã chia sẻ, trao đổi những kỷ niệm, kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp để có những sản phẩm báo chí hay, phản ánh được đầy đủ các khía cạnh trong lĩnh vực công nghiệp. Nhà báo Lê Đình Đạo, nguyên Phó trưởng phòng Công nghiệp và thương mại, nguyên Phó Tổng Giám đốc VOV chia sẻ, Chương trình "Công nghiệp và Thương mại" đã đi tiên phong trong vấn đề chống tiêu cực ở lĩnh vực công nghiệp. Đây cũng là chương trình có sự hợp tác với các đơn vị để sản xuất chương trình và có lực lượng cộng tác viên hùng hậu cùng tham gia.
"Như chương trình Công nghiệp công dân ngày xưa có cả các đơn vị bên ngoài cùng tham gia làm chương trình. Ở đây có chương trình Đài truyền thanh công nhân mỏ của anh Võ Khắc Nghiêm, anh Mai Phương, anh Huỳnh Thái. Thứ 2 là bên Tổng liên đoàn Lao động có cả một phòng phát thanh riêng chuyên phối hợp với Đài để làm các chương trình công nhân. Bên Bộ Nội thương làm chương trình Phân phối lưu thông. Có lẽ cho đến bây giờ không có chương trình phát thanh nào mà lại tạo được sự mối quan hệ và lại kéo được các cơ quan bên ngoài vào làm với mình như chương trình này", Nhà báo Lê Đình Đạo cho biết.
Mặc dù Chương trình "Công nghiệp và Thương mại" đã sáp nhập thành phòng Kinh tế tổng hợp nhưng những cựu phóng viên, biên tập viên làm chương trình chính là người đã truyền lửa truyền thống tốt đẹp, tình yêu nghề cho các thế hệ phóng viên trẻ của phòng.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Tổng Giám đốc VOV Vũ Hải chúc các phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, cộng tác viên của chương trình phát thanh "Công nghiệp và Thương mại" mạnh khỏe, sống vui tươi và tiếp tục có nhiều đóng góp cho xã hội, đặc biệt là truyền đam mê nghề nghiệp cho các thế hệ phóng viên trẻ.
|
Bà Tô Vân - em gái Nhà báo, liệt sĩ Tô Chức |
|
Phó Tổng Giám đốc Vũ Hải nhận một số hiện vật của Liệt sĩ Tô Chức cho Phòng truyền thống VOV. |
Tại buổi gặp mặt, bà Tô Vân, em gái nhà báo liệt sỹ Tô Chức – một trong số những phóng viên của Chương trình phát thanh "Công nghiệp và Thương mại" đã hi sinh tại chiến trường Thừa Thiên Huế - đã trao tặng một số kỷ vật của liệt sỹ cho phòng truyền thống của VOV.