Chương trình Phát thanh tiếng Đức: nhịp cầu hữu nghị Việt Nam-Đức

Vũ Hải/Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam
Chia sẻ

(VOV5) - Với thời lượng 30 phút, ngoài bản tin và các bài chính luận, chương trình còn có các chuyên mục giới thiệu đất nước và  con người Việt Nam.

(VOV5) - Với thời lượng 30 phút, ngoài bản tin và các bài chính luận, chương trình còn có các chuyên mục giới thiệu đất nước và  con người Việt Nam.

Sau 3 tháng chuẩn bị khẩn trương, ngày 1 tháng 3 năm 2006, Đài Tiếng nói Việt Nam chính thức phát sóng chương trình tiếng Đức. Chương trình được thuê phát sóng hướng vào châu Âu và phát trên sóng FM dành cho người nước ngoài ở Việt Nam. Với thời lượng 30 phút, ngoài bản tin và các bài chính luận, chương trình còn có các chuyên mục giới thiệu đất nước và  con người Việt Nam.


Chương trình Phát thanh tiếng Đức: nhịp cầu hữu nghị Việt Nam-Đức - ảnh 1
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Vũ Văn Hiền công bố phát sóng chương trình tiếng Đức ngày 1 tháng 3 năm 2006.


 Đầu năm 2005, tôi được bổ nhiệm làm Trưởng ban biên tập đối ngoại, nay là Hệ phát thanh đối ngoại quốc gia (VOV5). Hồi đó, qua công tác thư thính giả, tôi nhận thấy từ năm 1975, chương trình phát thanh tiếng Quảng Đông không nhận được một lá thư hồi âm nào của thính giả. Các biên tập viên, phát thanh viên tiếng Quảng Đông khi đó chỉ còn lại 3 người là anh Nguyễn Văn Giang, anh Đinh Thiết Hùng và chị Đinh Kim Oanh, và cả ba người cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu. Vấn đề đặt ra lúc bấy giờ là để duy trì tiếng Quảng Đông cần phải tuyển biên tập viên và phát thanh viên mới mà điều này vô cùng khó vì tại Việt Nam không có một cơ sở nào đào tạo tiếng Quảng Đông. Nếu muốn thì phải tuyển một lớp sinh viên mới ra trường rồi đào tạo và cũng phải mất vài năm như Ban biên tập đối ngoại đã từng làm trước đây với tiếng Nhật.  Trong khi đó, đối với thính giả Trung Quốc, Đài Tiếng nói Việt Nam đã có chương trình tiếng Bắc Kinh, liệu có cần thêm tiếng Quảng Đông vào lúc này nữa không khi mà nhân lực đảm bảo chuyên môn thì thiếu, kinh phí của Đài thì có hạn ? Nếu bỏ chương trình tiếng Quảng Đông thì lên chương trình phát thanh nào? Và vì sao ? Đó là những câu hỏi được đặt ra đối với Lãnh đạo Đài TNVN và Ban biên tập đối ngoại. Cuối cùng, sau khi tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia, tôi đề xuất với Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam là nên thay chương trình tiếng Quảng Đông bằng một trong hai chương trình: tiếng Đức hoặc tiếng Triều Tiên, nhưng ưu tiên tiếng Đức. Lý do chọn tiếng Đức thì rất nhiều, nhưng một trong những lý do quan trọng nhất, đó là Đức là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam trong Liên minh châu Âu. Là một trong những nước công nghiệp phát triển nhất thế giới, đứng thứ ba sau Mỹ và Nhật bản về GDP (Số liệu năm 2006), Đức thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam từ rất sớm: năm 1975. Dù lịch sử hai nước trải qua những năm tháng thăng trầm nhưng quan hệ Việt Nam - Đức vẫn không ngừng được củng cố và phát triển.  Nhiều  vị lãnh đạo Việt Nam như Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan văn Khải đã tới thăm Đức và các Thủ tướng Đức Helmut Koln, Gerhard Schtroeder cũng đã tới thăm Việt Nam. Hai nước có quan điểm tương đồng về nhiều vấn đề quốc tế, thường xuyên trao đổi, phối hợp trên các diễn đàn đa phương. Nhiều hiệp định hợp tác về kinh tế và văn hóa giữa hai nước đã được ký kết. Đức là một trong những thành viên EU có đầu tư lớn vào Việt Nam với gần 350 triệu USD. Kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Việt Nam và Đức đạt gần 2 tỉ USD và dự kiến còn tiếp tục tăng hơn nữa. Hàng năm, Đức dành khoảng 50 triệu USD viện trợ phát triển chính thức cho Việt Nam (Số liệu năm 2006).  


Chương trình Phát thanh tiếng Đức: nhịp cầu hữu nghị Việt Nam-Đức - ảnh 2
Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Christian-Ludwig Weber-Lortsch với các biên tập viên, phát thanh viên chương trình phát thanh tiếng Đức.


 Nhớ lại những năm 50 của thế kỷ trước, nhiều thanh niên Đức đã đứng trong hàng ngũ của quân đội nhân dân Việt Nam chiến đấu chống  thực dân. Nước Đức cũng đã nuôi dạy những  học sinh đầu tiên của Việt Nam ở Morizburg. Trong những năm 60 của thế kỷ trước, nhiều công dân Đức xuống đường tuần hành ủng hộ Việt Nam đấu tranh vì sự nghiệp độc lập, thống nhất đất nước. Sự ủng hộ về vật chất và tinh thần của nhân dân Đức góp phần vào thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược. Một lý do khác để lên chương trình tiếng Đức, đó là có hàng vạn người Việt Nam đã từng sinh sống và làm việc tại Đức, biết tiếng Đức. Số học sinh, sinh viên học tiếng Đức tại Việt Nam ngày càng nhiều. Các doanh nhân và khách du lịch Đức ngày càng quan tâm đến Việt Nam. Giờ đây, người dân Việt Nam biết đến nước Đức không chỉ qua các danh nhân như Hegel, Goethe, Bechthoven... mà còn qua các nhãn hiệu nổi tiếng như Siemens, Mercedes-Benz.  Ngoài ra, theo kết quả thăm dò thính giả chương trình tiếng Anh của  Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện năm 2003, 20,95% thính giả của chương trình là người Đức, cao hơn cả thính giả Mỹ ( 18,09% ) và Anh (12,38%). Nhà báo Rainer Gotze, khi đến thăm Đài tiếng nói Việt Nam, cho biết tỉ lệ người nghe đài ở Đức là rất cao. Hơn 90% người Đức được hỏi cho biết hàng ngày đều nghe đài phát thanh. Ngay tại Đức, Chính phủ Đức cũng đầu tư rất lớn cho phát thanh. Hàng năm, ngân sách Chính phủ dành cho đài phát thanh quốc gia DW ( Làn sóng Đức) khoảng 270 triệu Euro (khoảng 320 triệu USD). Hơn nữa, tiếng Đức còn phổ biến ở Thụy Sĩ, Áo - những nước mà tỉ lệ người dân nghe đài cũng rất cao. Tại Thụy Sĩ, phát thanh còn thu được cả thuế: thuế nghe đài là 169,15 Francs Thụy Sĩ/đài/năm (khoảng 160USD/đài/năm).


Chương trình Phát thanh tiếng Đức: nhịp cầu hữu nghị Việt Nam-Đức - ảnh 3
Ông Vũ Hải với các biên tập viên, phát thanh viên chương trình tiếng Đức tại Lễ công bố phát sóng chương trình tiếng Đức.


 Chính vì vậy, việc lên chương trình tiếng Đức để cho thính giả Đức hiểu rõ về Việt Nam cũng như cho những người Đức và những người biết tiếng Đức ở Việt Nam có thêm thông tin về Việt Nam là hết sức cần thiết. Tổng Giám đốc Vũ Văn Hiền ủng hộ phương án lên chương trình phát thanh tiếng Đức. Và chỉ trong vòng 3 tháng, với sự giúp đỡ của Lãnh đạo Đài, các Ban chức năng, Trung tâm Kỹ thuật phát thanh, Trung tâm âm thanh, các vấn đề về nhân lực, tài chính và kỹ thuật cho chương trình phát thanh tiếng Đức đã được chuẩn bị hòm hòm. Việc chọn giọng đọc, nhạc hiệu, chọn nhạc cắt, nhạc sang trang, nhạc chuyên mục, lên kịch bản chương trình, dàn dựng, cách lồng tiếng động, rao sóng…và còn nhiều việc khác nữa để thực hiện một chương trình phát thanh hoàn chỉnh cũng đã được chuẩn bị một cách tỉ mỉ, nghiêm túc trước giờ phát sóng chính thức. Làm việc tại chương trình tiếng Đức có 6 biên tập viên, phát thanh viên hầu hết đều tốt nghiệp khoa Anh-Đức của các Trường ngoại ngữ Hà Nội. Sau 3 tháng đào tạo nâng cao ngôn ngữ do các chuyên viên Vụ châu Âu 2, Bộ ngoại giao hướng dẫn, học nghiệp vụ phát thanh do các nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam đảm nhận, lớp cán bộ trẻ này bước đầu có thể tham gia vào việc biên dịch và thể hiện trên sóng.  Ngày 1 tháng 3 năm 2006, lễ công bố phát sóng chương trình tiếng Đức của Đài Tiếng nói Việt Nam đã được tổ chức trọng thể tại 45 Bà Triệu, Hà Nội, với sự có mặt của Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, đại diện các bộ, ngành trung ương, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam, các vị trong đoàn ngoại giao, chuyên gia Đức... Sau một tháng phát sóng, chương trình tiếng Đức đã nhận được hàng trăm thư thính giả từ Đức, Thụy Sĩ, Áo, Pháp... gửi về, hoan nghênh Đài Tiếng nói Việt Nam lên chương trình tiếng Đức. Đây là nguồn cổ vũ, động viên vô cùng to lớn đối những biên tập viên, phát thanh viên của chương trình. Điều này cũng  cho thấy việc lựa chọn phát sóng tiếng Đức của Đài Tiếng nói Việt Nam là hoàn toàn chuẩn xác.  Hiện nay, ngoài thuê phát sóng ở nước ngoài cho thính giả ở châu Âu, phát sóng FM ở Việt Nam, chương trình tiếng Đức còn được phát trên mạng tại địa chỉ báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam: vov.vn. Năm 2011, Chương trình tiếng Đức cũng như các chương trình đối ngoại khác của Đài Tiếng nói Việt Nam đã có Trang thông tin điện tử riêng tại địa chỉ: vovworld.vn hoặc vov5.vn. Điều này rất thuận lợi cho thính giả, độc giả nước ngoài khi muốn nghe, xem các chương trình đối ngoại của Đài Tiếng nói Việt Nam nói chung và tiếng Đức nói riêng ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào.

Là một chương trình phát thanh đối ngoại mới ( tròn 9 năm vào ngày 1 tháng 3 năm 2015), những người thực hiện còn trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phát thanh, nhưng với sự ủng hộ của Lãnh đạo Đài, sự quan tâm giúp đỡ của các Ban chức năng, Kỹ thuật và các đơn vị biên tập, chương trình tiếng Đức của Đài tiếng nói Việt Nam ngày càng được cải tiến cả về nội dung và cách thể hiện, thu hút được nhiều thính giả, độc giả, thực sự trở thành cầu nối hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Đức./.                                                                                                                                                                                                                                                                                    



Feedback