Bác Hồ với Đài Tiếng nói Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Người làm báo nói luôn ghi nhớ lời dạy của Bác: phải viết, phải nói thế nào để người nghe dễ nhớ, dễ làm theo

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị Lãnh tụ vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Người còn là nhà báo lớn khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Bác Hồ với Đài Tiếng nói Việt Nam - ảnh 1
Bác Hồ với các nghệ sĩ Đài Tiếng nói Việt Nam (Ảnh tư liệu)

Trong suốt cuộc đời hoạt động Cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn ý thức sâu sắc về vai trò, sứ mạng và tác dụng to lớn của báo chí. Với Người, báo chí không chỉ là công cụ tuyên truyền đường lối cách mạng mà còn là diễn đàn của đông đảo nhân dân, nơi chia sẻ nỗi niềm, tâm tư của người dân, nơi biểu đạt khát vọng sống của muôn người. Có hiểu dân mới huy động được nguồn lực của nhân dân cho Cách mạng. Báo chí là phương tiện hữu hiệu để huy động nguồn lực vô bờ bến đó. Sống ở châu Âu nhiều năm, giai đoạn đầu phát triển của báo phát thanh, Người càng thấu hiểu sức mạnh của loại hình báo nói này.

Chính vì vậy mà trong những ngày sôi sục của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp, Bộ Tuyên truyền và đồng chí Xuân Thủy, một trong ba cán bộ lãnh đạo của Ủy ban Cánh mạng Lâm thời Bắc bộ là phải gấp rút thành lập bằng được Đài Phát thanh Quốc gia.

Chỉ thị của Người nêu rõ hai nội dung quan trọng của Đài Phát thanh: Về đối nội, là phương tiện thông tin nhanh nhất, rộng nhất để truyền bá những chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, phản ánh kịp thời tình hình trong nước và thế giới; là cầu nối giữa trung ương với địa phương, chính quyền với nhân dân. Về đối ngoại: làn sóng có thể vượt qua biên giới quốc gia, không cần hộ chiếu, để chọc thủng bức màn bưng bít của chủ nghĩa đế quốc về tình hình cách mạng ở Việt Nam, đáp lại những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của chúng và nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

11 giờ 30 phút, ngày 7/9/1945, Đài Tiếng nói Việt Nam được ra mắt, đánh dấu bằng chương trình phát thanh đầu tiên dài 90 phút, bao gồm nội dung đối nội, đối ngoại, ca nhạc mà trọng tâm là long trọng phát đi toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình chiều 2/9/1945.

“Khoảnh khắc thời gian ấy, giờ phút lịch sử ấy chỉ diễn ra trong 90 phút, nhưng mãi mãi in đậm vào ký ức của người Việt Nam” (Phạm Văn Đồng - Lời tựa: Nửa thế kỷ TNVN – NXB CTQG 1995).

Những ngày đầu trứng nước của Đài TNVN cũng là những ngày tháng mà vận mệnh dân tộc, vận mệnh chính quyền Cách mạng như “ngàn cân treo sợi tóc”. Thật là hiếm thấy, trong núi công việc đối nội, đối ngoại, đối phó hàng ngày, hàng giờ với “thù trong giặc ngoài”, Bác Hồ vẫn dành thời gian hiếm hoi cho Đài TNVN. Bởi Bác biết: Đài Phát thanh Quốc gia ra đời trong Cách mạng, nhưng đi lên từ “bàn tay trắng”, từ con số “0” về cơ sở vật chất, từ điểm đầu xuất phát về nghiệp vụ báo nói và quá non trẻ về bản lĩnh chính trị. Người quan tâm chặt chẽ về nội dung tuyên truyền trên làn sóng phát thanh. Bác thấu hiểu và ý thức sâu sắc rằng: làn sóng Phát thanh Quốc gia là diễn đàn, là nơi gặp gỡ giữa lãnh tụ, lãnh đạo và nhân dân nên khi có việc nước khó khăn, sự kiện lịch sử phức tạp là Người đến Đài phát thanh, trực tiếp nói chuyện với đồng bào, chiến sĩ cả nước.

Sinh thời, Bác Hồ đã đến thăm Đài TNVN 6 lần, mỗi lần Bác giao một nhiệm vụ mới, một lời khuyên nhủ mới.

Lời căn dặn đầu tiên của Người là tuyên truyền trên Đài cốt yếu phải giữ vững nguyên tắc, nhằm mục tiêu bất di bất dịch là bảo vệ cho được nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc, đồng thời phải bình tĩnh, biết vận dụng sách lược mềm dẻo. Hay nói theo triết lý của người xưa mà Bác nhiều lần nhắc lại là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, ngày đầu về lại thủ đô, Bác nhắc nhở cán bộ, biên tập viên, nhân viên Đài TNVN là hết sức cảnh giác, kẻo ăn phải “kẹo bọc đường” của các thế lực thù địch. Người còn chỉ dạy “đất nước còn nghèo nên phải tự lực tự cường, phải làm việc theo kiểu con nhà nghèo, chứ đừng đòi hỏi nhiều ở Nhà nước”.

Về rèn luyện nghề phát thanh, Bác chỉ rõ: “Các cô, các chú phải luôn luôn nhớ mình làm báo nói, chứ không phải là báo in trên giấy trắng mực đen. Báo nói hay báo viết thì cũng phải luôn luôn đặt cho mình câu hỏi: Viết cho ai? Viết nhằm mục đích gì? Viết về cái gì và viết như thế nào? Làm báo nói thì phải chú ý viết như thế nào, nói như thế nào để người nghe thoáng qua lại hiểu được đúng điều mình muốn truyền đạt, làm sao cho người nghe dễ nhớ, dễ làm theo”.

Chính vì vậy mà khi Điều lệ Hợp tác xã ra đời, Bác đề nghị phải soạn thành diễn ca phát lên Đài cho bà con nông dân được nghe, dễ nhớ để làm theo. Đài Tiếng nói Việt Nam đã làm theo ý nguyện của Người. Những ngày cuối cùng trên giường bệnh, Bác vẫn nghe Đài, nghe được diễn ca điều lệ Hợp tác xã qua giọng ngâm của Nghệ sỹ Trần Thị Tuyết, giọng chèo ngọt ngào của nghệ sỹ Như Hoa. Bác khen tốt và đề nghị thưởng cho tác giả, diễn ca. Với Bác, Đài phát thanh Quốc gia là của dân, vì dân.

Trong những năm tháng khốc liệt nhất của 2 cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ từ năm 1947 đến năm 1968, đồng bào chiến sỹ cả nước, cũng như kiều bào ở nước ngoài không bao giờ quên đón nghe thơ Bác qua làn sóng phát thanh vào đêm Giao thừa. Khởi đầu là Tết Đinh Hợi (năm 1947), Bác đến thăm Đài TNVN lúc đó đang sơ tán tại Chùa Trầm, Chương Mỹ, cách thủ đô gần ba chục cây số. Tại đây, giữa đêm đông, Bác đã đọc thơ Xuân gửi đồng bào chiến sỹ cả nước:

“Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió

Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông

Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến

Chí ta quyết, lòng ta đã đồng

Tiến lên chiến sỹ! Tiến lên đồng bào!

Sức ta đã mạnh, người ta đã đông

Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi!

Thống nhất, độc lập nhất định thành công!”

Bài thơ Xuân của Bác phát vào Giao thừa Tết Mậu Thân năm 1968 cũng là mật lệnh tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam:

“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

Thắng trận, tin vui khắp nước nhà

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên!

Toàn thắng ắt về ta”

Được nghe thơ chúc Tết đầu Xuân của Bác đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đài Tiếng nói Việt Nam nghẹn ngào khi báo tin Bác ốm nặng, rồi Bác từ trần giữa ngày “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” mùa thu năm 1969. Ra đi theo tổ tiên, Bác để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, trong đó có các thế hệ cán bộ, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam./.

Nhà báo Nguyễn Đăng TiếnTổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam

Feedback