Quỹ Thanh niên Bình Định lập nghiệp, khởi nghiệp, “bà đỡ” cho thanh niên làm giàu

Thành Long
Chia sẻ
(VOV5) - Nguồn vốn này đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ nhiều dự án khởi nghiệp cho thanh niên, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Từ năm 2015, Tỉnh đoàn Bình Định thành lập Quỹ “Thanh niên Bình Định lập nghiệp, khởi nghiệp”. Nguồn vốn này đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ nhiều dự án khởi nghiệp cho thanh niên, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, đồng thời phát huy vai trò của tổ chức đoàn trong đồng hành với thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Năm 2019, sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghề đan ghế nhựa giả mây, chị Nguyễn Thị Lệ Thủy ở thôn Kinh Tế, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định mạnh dạn mở xưởng gia công tại nhà. Lúc đầu, chị đầu tư gần 100 triệu đồng mua máy bắn ghim bằng hơi và một số vật dụng khác rồi liên hệ với các công ty ở Bình Định để nhận hàng về gia công ghế nhựa giả mây. Thời gian đầu, công việc suôn sẻ nên chi nhận thêm hàng để người dân trong thôn cùng làm. Việc mở xưởng gia công các sản phẩm ghế nhựa giả mây của chị Thủy đã giải quyết việc làm cho nhiều đồng bào Chăm Hroi ở địa phương.
Quỹ Thanh niên Bình Định lập nghiệp, khởi nghiệp, “bà đỡ” cho thanh niên làm giàu - ảnh 1Chị Nguyễn Thị Lệ Thủy, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định đang làm gia công sản phẩm ghế nhựa giả mây - Ảnh: VOV

Chị Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết từ giữa năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, nguồn hàng bị đứt gãy, thiếu tiền để trả cho công nhân. Trong lúc khó khăn, chị Thủy được Quỹ “Thanh niên Bình Định lập nghiệp, khởi nghiệp” vay 150 triệu đồng, lãi suất 0,3% để duy trì hoạt động và trả tiền công cho người lao động. Cơ sở của chị hiện đang giải quyết việc làm cho hơn 20 người làm tại chỗ và nhiều người làm gia công ở nhà.

Anh Bùi Khắc Bảo, chủ cơ sở may đồng phục Thiên Ân ở khu phố 1, phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định khởi nghiệp bằng nghề may đồng phục. Anh Bảo cho biết trong thời gian ảnh hưởng dịch Covid-19, kinh doanh gặp khó khăn, anh đã vay 200 triệu đồng từ nguồn Quỹ “Thanh niên Bình Định lập nghiệp, khởi nghiệp”. Anh Bảo đã mua thêm máy may, máy ép nhiệt khổ lớn, nâng cấp nhà xưởng, sản xuất thêm nhiều sản phẩm mới, tạo việc làm cho lao động địa phương. Sắp tới anh sẽ mở rộng nhà xưởng 70 triệu đồng và mua thêm phụ liệu. Mở rộng thêm mảng đồng phục, anh có thêm nhiều khách hàng nên đang mở rộng ra thị trường các tỉnh như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Đắk Lắk.

Quỹ Thanh niên Bình Định lập nghiệp, khởi nghiệp, “bà đỡ” cho thanh niên làm giàu - ảnh 2Anh Bùi Khắc Bảo, chủ cơ sở may đồng phục Thiên Ân ở khu phố 1, phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định - Ảnh: VOV

Đến nay, Quỹ “Thanh niên Bình Định lập nghiệp, khởi nghiệp” đã hỗ trợ cho thanh niên vay vốn lãi suất thấp thực hiện 18 dự án khởi nghiệp với tổng số tiền gần 3,5 tỷ đồng. Anh Hà Duy Trung, Bí thư Tỉnh đoàn Bình Định cho biết, với những thuận lợi về thủ tục cho vay và lãi suất thấp, nhiều dự án được thực hiện từ nguồn Quỹ này đã mang lại thu nhập cao cho đoàn viên, thanh niên.

Theo anh Hà Duy Trung: "Nguồn quỹ này tạo điều kiện cho thanh niên dễ tiếp cận hơn, mục đích để tạo điều kiện phát triển kinh tế tại địa phương, giúp cho thanh niên bám trụ tại địa phương xây dựng các mô hình, trang trại phát triển kinh tế để tạo việc làm, giải quyết việc làm cho thanh niên tại địa phương. Đó là cách mà tập hợp đoàn kết thanh niên trên địa bàn dân cư".

Hiện nay, nguồn vốn do Ban Thường vụ tỉnh đoàn Bình Định quản lý hơn 7 tỷ đồng, góp phần giải ngân cho các thanh niên các có các mô hình kinh tế lập nghiệp, khởi nghiệp đạt hiệu quả. Trong đó, có các mô hình do thanh  niên đứng ra làm chủ. Tỉnh đoàn ưu tiên cho các thanh niên xây dựng các sản phẩm OCOP, giúp các bạn có việc làm và phát triển kinh tế trên chính quê hương của mình.

Với những thuận lợi về thủ tục cho vay và lãi suất thấp, nhiều dự án thực hiện từ nguồn Quỹ này đã mang lại thu nhập cao cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Feedback