Khởi nghiệp sáng tạo ở các huyện miền núi Quảng Nam

Phương Cúc
Chia sẻ
(VOV5) - Cộng đồng doanh nghiệp miền núi Quảng Nam đã cùng chia sẻ kinh nghiệm để phát triển các sản phẩm đưa vào sản xuất, kinh doanh.

Những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam có nhiều chính sách, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp và cá nhân, thanh niên địa phương các huyện miền núi khởi nghiệp sáng tạo, làm giàu trên quê hương. Nhiều dự án sáng tạo tại huyện miền núi Quảng Nam đã mang lại hiệu quả trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và hệ sinh thái. Các sản phẩm này được chế biến từ sâm và các loại dược liệu quý đã tạo việc làm ổn định cho người dân.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây cũng là một trong số các địa phương đầu tiên tổ chức công nhận, công bố ý tưởng dự án khởi nghiệp, nhằm lan tỏa tinh thần văn hóa khởi nghiệp trong cộng đồng.

Tại Hội chợ trưng bày sản phẩm, công bố ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo năm 2022 diễn ra cuối tháng 6/2022, sản phẩm nấm lim xanh của Hợp tác xã nấm lim xanh xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My đã được trao giải nhất. Đây là sản phẩm này không những thân thiện môi trường, mà còn hỗ trợ sức khỏe cho con người.

Khởi nghiệp sáng tạo ở các huyện miền núi Quảng Nam - ảnh 1Nấm lim xanh là dược liệu tốt cho sức khỏe con người và thân thiện với môi trường -. Ảnh: VOV

Anh Phạm Mạnh Cường, thành viên Hợp tác xã cho biết, lim xanh vốn là cây bản địa. Thấy có giá trị, anh cùng một số thành viên thành lập Hợp tác xã và đang liên kết bao tiêu cho 15 hộ dân. Sắp tới Hợp tác xã sẽ có thêm nhiều sản phẩm làm từ nấm lim xanh, giúp bà con tăng thu nhập.

“Việc trồng nấm lim xanh chúng tôi kết hợp với vấn đề bảo vệ môi trường. Chúng tôi đang vận động bà con trồng cây lim xanh tại huyện. Thứ nhất để lấy cành, nhánh sau đó sản xuất ra cây nấm lim xanh. Kết hợp với đó là tương lai sẽ lấy gỗ lim chống sói mòn, bảo vệ môi trường trong thời gian tương lai" - anh Cường nói.

Là cây trồng truyền thống ở các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, cây quế đã, đang là nguồn thu nhập chính, giúp đồng bào các dân tộc Ca Dong, Xê Đăng, Mơ Nông từng bước thoát nghèo. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, sản xuất ra những sản phẩm từ cây quế Trà My. Anh Trần Viết Hùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quế Trà My cho biết, hiện nay thị trường có rất ít sản phẩm làm từ loại cây này nên anh cùng với bạn bè quyết định triển khai dự án khởi nghiệp này. Đến nay, công ty có 40 sản phẩm được làm từ cây quế như: nước rửa chén, các loại tinh dầu, trà, rượu,… Anh Trần Viết Hùng cho biết, sắp tới, sản phẩm lăn ngừa muỗi hương quế sẽ được xuất khẩu sang Singapore: “Thông qua việc làm của mình, tôi mong muốn người dân thấy được giá trị thực sự của cây quế. Bằng những sản phẩm có mặt tại thị trường, người dân thay vì trồng những cây khác thì họ bắt đầu trồng cây quế, phát huy giá trị cây quế Trà My. Thông qua sản phẩm doanh nghiệp mong muốn góp phần cho bà con tránh được việc được mùa thì mất giá”.

Khởi nghiệp sáng tạo ở các huyện miền núi Quảng Nam - ảnh 2Quế Trà My, tỉnh Quảng Nam là cây dược liệu có nhiều giá trị, giúp nâng cao thu nhập cho người dân địa phương - Ảnh: VOV

Các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam có lợi thế rất lớn so với các địa phương khác về các sản phẩm sâm và dược liệu. Hiện nay, nhiều huyện miền núi như Tiên Phước, Bắc Trà My, Đông Giang, Hiệp Đức… tham gia sáng tạo khởi nghiệp. Các sản phẩm này hầu như đều đạt giải cấp Trung ương và cấp vùng. Ông Phạm Ngọc Sinh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban điều hành hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Quảng Nam cho biết: "Điều này cho thấy, giá trị khác biệt luôn tạo nên giá trị lớn trong quá trình hình sản phẩm sáng tạo khởi nghiệp ở những địa phương miền núi. Đến nay, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, tùy theo mỗi mô hình khởi nghiệp trong mỗi giai đoạn. Những hỗ trợ đó đồng hành cùng người khởi nghiệp 3 nội dung lớn. Thứ nhất, là đào tạo nâng cao kiến thức. Đối với các huyện miền núi thì chúng tôi tập trung điều này nhiều hơn. Thứ 2, là chúng tôi hỗ trợ đăng ký bảo hộ những giá trị sản phẩm đặc trưng tài sản trí tuệ. Thứ 3, là hỗ trợ kết nối thương mại. Ba hỗ trợ đó tập trung xoay quanh là: sở hữu trí tuệ- đổi mới công nghệ- và mô hình kinh doanh mới, tạo ra một sức bật cho dự án khởi nghiệp”.

Những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đổi mới đã phát triển rất mạnh mẽ ở Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, cùng với sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư quốc tế cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Riêng tại khu vực nông thôn, miền núi, những năm gần đây đã manh nha một dòng chảy ngược, khi nhiều người quyết định bỏ phố, về quê khởi nghiệp. Trăn trở với nguồn tài nguyên địa phương, khao khát làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, cùng vốn kiến thức và tư duy đổi mới… nhiều “Startup” Việt nói chung, miền núi Quảng Nam nói riêng, đã và đang góp phần vào quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Nhiều dự án sáng tạo tại huyện miền núi Quảng Nam đã mang lại hiệu quả trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và hệ sinh thái, tạo việc làm ổn định cho người dân.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, trong thời gian qua phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được cộng đồng doanh nghiệp phát huy mạnh mẽ và trải đều trên các địa phương. Đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, thanh niên khởi nghiệp miền núi Quảng Nam đã cùng chia sẻ kinh nghiệm để phát triển các sản phẩm đưa vào sản xuất, kinh doanh mang lại dấu ấn, góp phần tạo kinh tế cho xã hội.

Feedback