Việt Nam đang đối mặt với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và việc kiểm soát lây nhiễm, cập nhật những thông tin chính xác, kịp thời cho người dân đang được Chính phủ đặt lên hàng đầu. Để phòng, ngừa lây nhiễm dịch Covid-19, Việt Nam đã áp dụng công nghệ số, dựa trên nền tảng kết nối internet và Bluezone - Ứng dụng giúp “truy vết” nhanh những người có nguy cơ lây nhiễm Covid19 đã được triển khai.
Ứng dụng Bluezone được xem là một bước tiến mới, có tính đột phá trong việc sử dụng công nghệ để phòng, chống dịch
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Công nghệ Bluezone do Nhóm phát triển Bluezone của Tập đoàn công nghệ BKAV xây dựng và phát triển. Ra mắt vào ngày 28/4/2020, Bluezone được sử dụng trên điện thoại thông minh cho phép người sử dụng cài đặt trên điện thoại và ghi lại những tiếp xúc của người đó. Khi một người được xác định nhiễm bệnh, lập tức ứng dụng sẽ phát hiện những người tiếp xúc gần và đủ lâu, từ đó có những cảnh báo kịp thời.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách mảng Chống mã độc của BKAV, đại diện Nhóm phát triển Bluezone, cho biết: Lúc đầu Nhóm phát triển nghĩ ra rất nhiều tên gọi cho ứng dụng, cuối cùng Bluezone được chọn. Trong đó, blue là màu xanh, biểu tượng của sự bảo vệ, vùng an toàn và được bảo vệ. Bluezone vừa có ý nghĩa sự bảo vệ và dễ đọc, dễ nhớ cho người dùng.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn: "Ứng dụng Bluezone do Bộ Thông tin truyền thông và Bộ Y tế chủ trì, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự tham gia phát triển của Nhóm phát triển Bluezone của BKAV. Ứng dụng này sẽ giúp người dân theo dõi sự tiếp xúc gần, giúp người dân bảo vệ bản thân, cộng đồng trước đại dịch Covid-19. Ứng dụng này sử dụng công nghệ Bluetooth năng lượng thấp. Chúng ta có thể sự dụng Bluetooth năng lượng thấp kết nối với các điện thoại, điện thoại sẽ không tốn pin, chỉ khoảng 10%/ngày".
Từ tháng 3-4, các nước như Mỹ, Singapore, Australia, Việt Nam… đã sử dụng ứng dụng truy vết người nghi nhiễm bệnh. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng công nghệ để truy vết người nghi nhiễm. Với ứng dụng Bluezone này, khi người được xác định dương tính xuất hiện, những người tiếp xúc với người nhiễm trong khoảng thời gian 10 phút ở khoảng cách 2m trong 14 ngày sẽ nhận được cảnh báo bảo vệ cá nhân và cộng đồng. Ứng dụng Bluezone sẽ giúp khoanh vùng chính xác những người tiếp xúc, hạn chế những người cần phải đi cách ly, thay vì phải cách ly hàng nghìn người khi phát hiện 1 ca nhiễm bệnh. Ưu điểm của ứng dụng cảnh báo này là giúp phát hiện sớm, từ đó xác định đúng các F1, giảm số người phải cách ly. Ứng dụng truy vết người nghi nhiễm được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.
Ông Vũ Ngọc Sơn cho biết thêm: "Phần mềm này khi cài đặt sẽ tự động hoạt động và ghi nhận lại các tiếp xúc hằng ngày của người dùng. Trong trường hợp trong số người mà bạn tiếp xúc xác nhận là dương tính, hoặc tiếp xúc gần với người dương tính Covid-19 thì phần mềm sẽ cảnh bảo cho bạn về khoảng thời gian mà bạn đã tiếp xúc với ca nhiễm hay nghi nhiễm. Từ đó bạn cần có những biện pháp y tế để bảo vệ chính bạn và cộng đồng. Điều này cũng giúp khi phát hiện ra 1 ca F0 thì chúng ta sẽ “truy vết” rất nhanh".
Theo đánh giá của các chuyên gia, Ứng dụng Bulezone thể hiện năng lực công nghệ của nền công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam và cũng là lời khẳng định Việt Nam chủ động trong lĩnh vực công nghệ.
Ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc ươm tạo BK-Holdings, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội - Ảnh: Ánh Tuyết/Vietnam+
|
Ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc ươm tạo BK-Holdings, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho rằng: "Giá trị và công dụng của Ứng dụng Bulezone được chăm chút rất tỷ mỉ và tôi mong rằng ứng dụng này sẽ còn được phát triển, không chỉ dừng ở 14 triệu người đã tải về sử dụng đến thời điểm này, mà có thể số lượng người dùng sẽ lớn hơn nhiều phần mềm điện thoại khác mà chúng ta đã sư dụng. Tại Việt Nam, chúng ta có thể tin đến một thời điểm khi công dụng của Bulezone ngày càng được hiểu thì sẽ có đến 50-60 triệu người tải về để sử dụng".
Ứng dụng Bluezone là một sản phẩm sáng tạo của các kỹ sư trẻ tài năng của Việt Nam và từ sự thành công này sẽ là tấm gương cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam nhận diện ra những “khoảng trống công nghệ” đang mở ra rất nhiều cơ hội cho những ý tưởng sáng tạo có lợi về mặt kinh tế, đặc biệt hữu ích cho cộng đồng.