“Bà giáo” Vũ Thị Bé – Khởi nghiệp từ nông nghiệp

Đài PTTH Thái Bình
Chia sẻ
(VOV5) - Không chỉ chú trọng về kỹ thuật để có năng suất, thu nhập cao mà vấn đề an toàn thực phẩm luôn được bà Bé đặt lên hàng đầu. 

Sinh ra, lớn lên, làm việc tại thành phố Thái Bình, nhưng đến khi được nghỉ hưu cách đây 6 năm (năm 2018), bà Vũ Thị Bé lại quyết định rời phố, về quê khởi nghiệp làm nông nghiệp. Làm kinh tế giỏi, năm ngoái, bà được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh khen thưởng.

“Bà giáo” Vũ Thị Bé – Khởi nghiệp từ nông nghiệp - ảnh 1Bà Bé thu hoạch na Thái cuối vụ - Ảnh: Báo Thái Bình
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Lúc còn đi làm, bà Bé luôn ao ước có một mảnh vườn, một cái ao nhỏ để trồng cây, thả cá thư giãn sau các buổi lên lớp. Khi nghỉ dạy về quê, mấy lần đi qua cánh đồng thôn Tràng Vinh thấy cả khu ruộng trũng cấy lúa bị đổ, không năng suất, bà Bé đã xin chính quyền xã và các hộ dân xin mảnh ruộng này để cải tạo với mục đích nuôi trồng. Khi biết tin bà Bé muốn về nông thôn khởi nghiệp, người thân trong gia đình đều ngăn cản.

Ông Vũ Văn Nhỏ, em trai bà Bé, ở phường Hoàng Diệu, Thành phố Thái Bình, chia sẻ: "Chị tôi bị bệnh đau cột sống đã lâu… Chị đã bao năm cống hiến sức lực cho sự nghiệp giáo dục rồi, bây giờ về phải hưởng cái an nhàn của cuộc sống hưu trí, thế mà chị cứ thế này thì chị vất vả đến bao giờ?".

Còn đây là những băn khoăn của anh Bùi Ngọc Hữu, thôn Tràng Vinh, xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình: "Cô ấy là một người giáo viên về hưu mà về đây làm nông nghiệp. Tôi cứ nghĩ không biết cô ấy có làm được không hay cô ấy có vấn đề gì không!".
1 năm sau khi về hưu, (năm 2019), được sự đồng ý của chính quyền xã và hộ có ruộng, bà Bé vận động các con vay vốn và đầu tư trên 2 tỷ đồng (hơn 80.000 USD) thuê máy đào ao, xây chuồng, làm vườn trên diện tích 8.000m vuông nhằm xây dựng thành một trang trại quy mô, khoa học để phát triển chăn nuôi, trồng trọt. 
Bà Vũ Thị Bé cho biết: "Từ em tôi, cháu tôi cho đến bạn bè , hàng xóm láng giềng phản đối gần như 100 %. Nhưng tôi muốn mình có thể áp dụng được tất cả những gì mình đã học, cũng là để truyền cảm hứng cho con cháu để dạy con, dạy cháu đam mê lao động".

Bà Vũ Thị Bé cùng con trai là anh Trần Mạnh Hoàng bắt tay vào quy hoạch, quyết tâm đưa cánh đồng chua trũng thành gia trại tổng hợp theo mô hình vườn, ao, chuồng. Giữa đồng không mông quạnh, xa khu dân cư hai mẹ con bà Bé dồn hết công sức để đào ao, thả cả, xây dựng chuồng, trại, trồng cây ăn quả, cây cảnh, tận dụng khoảng trống, bà trồng xen cỏ nuôi bò. Ngày đêm lăn lộn với nắng gió nội đồng nên nước da trắng trẻo của một cô giáo ở thành phố nay trở nên đen sạm. Bàn tay chỉ quen cầm phấn, cầm bút nay chai sần, gân guốc. Vừa lo toan, tính toán, vay mượn để đầu tư vào mô hình, lại phải chống chọi với bệnh đau cột sống khiến việc đi lại của bà trở nên khó khan, khiến đôi lúc bà có suy nghĩ buông bỏ để về thành phố. Tuy vậy, khó khăn, thử thách đã không làm người phụ nữ nhỏ bé gục ngã. Với sự kiên cường và những kiến thức của một cô giáo dạy sinh vật, chỉ sau 1 năm, mô hình đã mang lại những thành quả đầu tiên.

Bà Vũ Thị Bé cho biết: "Năm đầu tiên, cá được hơn 30 triệu (hơn 1.200 USD), bò lãi được 24 triệu (1.000 USD), vịt được 170 triệu (7.000 USD). Hai mẹ con phấn khởi quá. lại nuôi tiếp 1 trại nuôi vịt nữa".

“Bà giáo” Vũ Thị Bé – Khởi nghiệp từ nông nghiệp - ảnh 2Bà Bé đầu tư mở rộng chuồng trại nuôi bò giống - Ảnh: Báo Thái Bình

Niềm vui chưa được bao lâu thì đại dịch COVID-19 ập đến. Đàn vịt thương phẩm lên đến hàng nghìn con của bà Bé đến ngày xuất chuồng mà không thể tiêu thụ được. Khó khăn, bế tắc lại đổ lên đôi vai nhỏ bé của bà. Bà đi đến quyết định khó khăn nhất là bán nhà ở thành phố Thái Bình để trả nợ và tiếp tục đầu tư trang trại. Thời điểm đó, nhân lực không có, 2 mẹ con bà phải tự làm, nhiều hôm đến 21h  mới ăn cơm. Hàng ngày cập nhật thông tin, kiến thức trên mạng, tìm hiểu nhu cầu thị trường, bà Bé quyết định thay đổi cây trồng, vật nuôi, chuyển từ trồng ổi, cam sang trồng na Thái Lan, đào cảnh; chuyển từ nuôi vịt thương phẩm sang nuôi vịt sinh sản.

Bà Bé tâm sự: "Nhìn chung là đến nay, tôi thấy là đã có một chút thành công. Năm ngoái, nếu tính tổng trừ chi phí sản xuất đi còn lợi nhuận được khoảng 400 triệu (16.000 USD). Năm nay, tôi phấn đấu lợi nhuận khoảng 500 đến 600 triệu (20.000-24.000 USD)".

Không chỉ chú trọng về kỹ thuật để có năng suất, thu nhập cao mà vấn đề an toàn thực phẩm luôn được bà Bé đặt lên hàng đầu. Bà thường nói với con trai làm gì cũng phải có cái tâm, phải đặt cái tâm, cái đức lên hàng đầu: "Tôi chủ yếu sử dụng thuốc sinh học khi cây trồng bị sâu bệnh. Nếu sâu bệnh thì tôi giã tỏi phun, bã thì pha nước tưới. Bò chủ yếu là ăn cỏ ăn cám gạo, tôi cứ đặt ở các nhà có máy sát để lấy cám".

Chủ tịch UBND xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, ông Phạm Sơn Hải, đánh giá mô hình của bà Vũ Thị Bé là mô hình điểm, mang lại hiệu quả  kinh tế cao, có thể  triển khai nhân rộng tại địa phương, góp phần thúc đẩy, cổ vũ người dân địa phương tích cực tích tụ ruộng đất, khắc phục tình trạng ruộng đất bị bỏ hoang. Theo ông Hải: "Mô hình của chị Vũ Thị Bé góp phần cổ vũ, động viên người dân địa phương… học tập làm theo để nâng cao hiệu quả. Nhất là trong xây dựng nông thôn mới nâng cao đang cần  các mô hình như của bà Bé". 

Để tăng hiệu quả của trang trại, thời gian tới, bà Vũ Thị Bé cho biết sẽ xây dựng thêm chuồng để tăng đàn vịt đẻ và bò; đầu tư xây dựng kho lạnh để bảo quản trứng vịt, xây dựng lò ấp trứng nhằm chủ động trong khâu giống, giảm chi phí và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương hơn.

Feedback