Những căn nhà Đại đoàn kết: thành quả của chính sách vì người nghèo

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Chăm lo đời sống nhân dân là nhiệm vụ chính trị trung tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam. 

Những ngày qua, hàng nghìn căn nhà đại đoàn kết đã được trao tặng cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều địa phương của Việt Nam. Hoạt động này càng có ý nghĩa hơn khi Tết Nguyên đán của người Việt đang đến gần. Việc trao tặng những ngôi nhà đại đoàn kết cho người nghèo thể hiện chính sách nhân văn của Nhà nước, sự chung sức của cộng đồng để người nghèo có cuộc sống tốt hơn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

An sinh xã hội, trong đó có đảm bảo chỗ ở cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của mọi cấp chính quyền trong quá trình xây dựng và phát triển ở từng địa phương cũng như trên cả nước.

Những căn nhà Đại đoàn kết: thành quả của chính sách vì người nghèo - ảnh 1Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành bàn giao 1.400 căn nhà "Đại đoàn kết" tại Hậu Giang. Ảnh:  qdnd.vn

Kết quả cụ thể của chính sách vì người nghèo

Ngày đầu năm 2024, tỉnh Hậu Giang tổ chức khánh thành, bàn giao 1.400 căn nhà Đại đoàn kết. Đây là kết quả của đợt vận động các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho các hộ gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, được phát động từ tháng 9/2023 đến cuối năm 2023. Tính trong 20 năm qua, tỉnh đã vận động, xây dựng mới và sữa chữa khoảng 30.700 căn nhà Đại đoàn kết.

Cũng trong dịp đầu năm này, tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ tổng kết Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng 1.200 căn nhà cho hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh.

Trong khi đó, ở vùng cao của tỉnh Quảng Nam, những tháng cuối năm ngoái, chính quyền nhiều huyện cũng bàn giao những căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Những căn nhà được xây dựng khẩn trương và bàn giao theo đúng kế hoạch, giúp bà con có căn nhà mới, ổn định cuộc sống. 

Chị Hồ Thị Hiệp, dân tộc Ca Dong, ở thị trấn Prao, huyện Đông Giang, được nhận nhà, chia sẻ: "Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Là mẹ đơn thân, nuôi 2 con và mẹ già, được sự quan tâm của chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ nhà đại đoàn kết, cuộc sống hiện tại tạm ổn so với trước đây. Cám ơn chính quyền địa phương, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc đã quan tâm."

Tính trên bình diện cả nước, trong gần 3 năm, từ năm 2021 đến tháng 9/2023, cùng với sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước và sự trợ giúp của cộng đồng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa hơn 103 nghìn căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Trước đó, trong nhiệm kỳ 2014 – 2019, hệ thống Mặt trận các cấp đã vận động xây dựng và sửa chữa trên 153.000 căn nhà đại đoàn kết.

Phát biểu khi dự lễ khánh thành, bàn giao 1.400 căn nhà Ðại đoàn kết tại tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch nước Võ Văn Thường khẳng định: "Với tinh thần cùng chung tay để không ai bị bỏ lại phía sau, chúng ta đã hoàn thành một mục tiêu rất tốt đẹp. Thành tích đó cũng đặt nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới. Bên cạnh xây dựng nhà mới để trao cho các hộ gia đình khó khăn thì cần tiếp tục quan tâm sửa chữa nâng cấp những nhà tình thương, nhà tình nghĩa mà trước đây chúng ta đã xây dựng."

Tiếp tục chính sách nhân văn

Xuất phát từ quan điểm: người dân là trung tâm của mọi chính sách, mọi hoạch định tương lai, Việt Nam tiếp tục triển khai việc xây dựng, sửa chữa Nhà đại đoàn kết đồng thời sẽ thực hiện chính sách an sinh xã hội với độ bao phủ rộng hơn, trong thời gian tới. Tại Hội nghị Trung ương 8, khoá XIII (tháng 10 năm 2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận: phát triển xã hội “từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội”.

Theo đó, Việt Nam mở rộng phạm vi từ an sinh xã hội tập trung cho nhóm yếu thế, mức tối thiểu sang chính sách xã hội toàn dân, và toàn diện các mặt đời sống. Về đối tượng, không chỉ lo cho nhóm yếu thế, nhóm khó khăn mà sẽ mở rộng, tiến tới phát triển tầng lớp trung lưu mang tính dẫn dắt phát triển xã hội. Chính sách xã hội cũng phải đồng thời gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững; hệ thống an sinh xã hội linh hoạt, thích ứng với các cú sốc diện rộng, bảo vệ toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Chăm lo đời sống nhân dân là nhiệm vụ chính trị trung tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Việc xây dựng, trao tặng, sửa chữa những căn nhà Đại đoàn kết nói riêng, việc thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội nói chung đã và đang góp phần rất tích cực vào việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, phát triển bền vững của đất nước.

Feedback