Tháng 5 – Về với Làng Sen, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đài PT&TH Nghệ An
Chia sẻ
(VOV5) - Hàng năm vào những ngày lễ, đặc biệt là dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890), người dân từ khắp mọi miền đất nước lại về đây thăm Khu di tích để tưởng nhớ công ơn của Người.

Từ thành Phố Vinh, tỉnh Nghệ An, theo đường tỉnh lộ 46 đến km 13, rẽ trái theo con đường nhựa là đến với Di tích Quốc Gia đặc biệt- Khu di tích lịch sử lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Nơi đây là một cụm di tích lớn, một làng quê Việt được tái tạo, lưu giữ vẹn nguyên từ những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Với nét nguyên sơ, bình dị, mộc mạc và thanh bình, tiêu biểu cho vẻ đẹp làng quê mang đậm dấu ấn của văn hóa truyền thống Việt Nam.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 Cũng như bao làng quê trên đất nước Việt Nam - làng Sen thật dung dị, hồn hậu trong tâm thức mỗi con dân đất Việt. Ẩn mình giữa lũy tre xanh mộc mạc, có một nếp nhà tranh đơn sơ đó là ngôi nhà xưa của gia đình của chàng thanh niên Nguyễn Sinh Cung, nơi Người cất tiếng khóc chào đời, với những kỷ vật gắn với tuổi thơ như phản gỗ, khung cửi thân mẫu thường ngồi dệt vải… Vẫn còn đó những hàng cau, gốc mít, hàng rào dâm bụt đỏ rực, dẫn lối vào nhà.
Tháng 5 – Về với Làng Sen, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh - ảnh 1Cả gia đình vào tham quan quê Bác trong niềm hạnh phúc

Vẫn là hồ sen quanh năm nở hoa hương thơm ngào ngạt như tên gọi làng Sen. Xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, dù chỉ gắn bó với cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh 10 năm, nhưng đã hun đúc bồi đắp trong tâm hồn Người những tính cách và khí phách riêng có của con người xứ Nghệ.

Làng Sen, xã Kim Liên, quê nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lưu giữ nguyên vẹn ngôi nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, do nhân dân làng Sen xuất quỹ công để xây dựng, làm quà mừng dịp cụ đỗ Phó bảng khoa thi Hội năm 1901, gồm các hạng mục: nhà chính, nhà ngang, cổng, sân, vườn. Trong nhà còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị, như hai bộ phản gỗ, chiếc giường, rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, mâm bằng gỗ sơn đen…

Tháng 5 – Về với Làng Sen, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh - ảnh 2Toàn cảnh Di tích Quốc Gia đặc biệt- Khu di tích lịch sử lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Báo Nghệ An điện tử

Gian nhà trang trọng thiêng liêng nhất của gia đình ông Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, cụ thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nơi thờ tự bà Hoàng Thị Loan, người vợ, người mẹ hiền tảo tần, sớm phải ra đi ở tuổi 33. Tấm Biển "Ân tứ ninh gia" được ông Nguyễn Sinh Sắc trân trọng đặt bên bàn thờ như để báo đáp, cảm tạ ân đức của người vợ hiền cả một đời hy sinh vì chồng, vì con. Bên khung cửa nhỏ, chiếc án thư mòn dấu thời gian được xếp đặt ngay ngắn. Chiếc rương gỗ nhỏ dùng để đựng những sản vật của gia đình, đây là món quà hồi môn của ông bà ngoại dành tặng con gái Hoàng Thị Loan, khi lập gia đình. Nơi tuổi thơ Người đã men theo để chập chững tập đi. Những bước đi đầu tiên trong cuộc đời. 

Tháng 5 – Về với Làng Sen, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh - ảnh 3Khu nhà tại làng Hoàng Trù, quê hương của thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Báo Tuổi trẻ

Về với làng Sen hôm nay, hoa sen như những bàn tay dịu dàng, thân thương chào đón những vị khách thập phương. Lũy tre xanh bao quanh nhà Người biểu tượng cho khí chất con người Việt Nam, ngay thẳng, dẻo dai, linh hoạt, cả lũy tre hợp lại với nhau ken thành một bức tường thành đánh tan mọi kẻ thù. Ngôi nhà tranh ba gian dù đã trải qua bao sương gió nhưng vẫn vững chãi. Những tấm liếp cửa bằng tre đã nhẵn bóng với thời gian khiến du khách như đang chạm vào bao ký ức một thời tuổi thơ của Người.

Chị Nguyễn Kim Thanh, Hướng dẫn viên Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cho biết: "Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về quê lần đầu tiên thì chỉ có căn nhà lớn thôi. Đến năm 1959, Người về thăm quê lần thứ 2 thì có căn nhà thứ 2 mới được tìm về và dựng bên cạnh. Khi đó, Người về thăm đã thăm lại hai ngôi nhà mà đã gắn bó với Người trong 5 năm cùng tuổi niên thiếu. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận ra là quê hương mình có nhiều đổi mới, tiến bộ… Người động viên bà con phải xây dựng quê hương, xây dựng các Hợp tác xã và là hậu phương cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ và Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước."

Tại quê ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, những kỷ vật gắn liền với tuổi thơ và gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh được gìn giữ và giới thiệu đến công chúng. Giữa không gian tĩnh lặng yên lành. Ngôi nhà nhỏ vẫn vẹn nguyên những kỷ vật thiêng liêng gắn với tuổi niên thiếu của Người. Một cuộc sống giản dị đến khó tin…

Nơi đây, biết bao cuộc tao ngộ, bao lần đàm luận của các nhà nho yêu nước đầu thế kỷ 19 đã diễn ra sôi nổi nhiệt thành. Những day dứt trăn trở của các bậc cha chú trước vận mệnh dân tộc đã thấm vào tâm hồn, hình thành trong lòng yêu nước thương dân và hoài bão cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. "Ngôi nhà nhỏ 3 gian là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời và gắn bó 5 năm tuổi thơ trong tình yêu của gia đình. Sau 50 năm xa cách quê hương, ngày trở về thăm quê, Người đã rất xúc động trước những kỷ vật vẫn được giữ nguyên vẹn. Sau khi thăm ngôi nhà, Người đã ra trước thềm và ngôi lại nói chuyện với bà con nhân dân. Sau 50 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp lại người bạn thưở nhỏ là ông Nguyễn Thuyên… Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tay lên vai người bạn và nói: Ông bạn già có nhớ tôi không? Vết sẹo ngày xưa đi câu cá vấn còn đây này.      

Đến thăm Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên, du khách còn được đến thăm núi Động tranh, nơi có phần mộ của Bà nội, thân mẫu chủ tịch Hồ Chí Minh là bà Hoàng Thị Loan. Khu mộ được thiết kế như một bông hoa sen khổng lồ với đầy đủ phần đế sen, đài sen và tâm sen. Mái che phía trên mộ được cách điệu từ hình chiếc khung cửi và giải lụa che mát cho phần mộ. Đặc biệt sau ngôi mộ là một bức cuốn thư bằng đá. Cuốn thư được chạm trổ tinh xảo với hình tượng đầm sen toả ngát hương thơm. Phía trên là 9 đám mây quần tụ, biểu trưng cho hồn thiêng sông núi chứng giám và trường tồn cùng hình tượng người mẹ Việt Nam.

Chị Huyền Trang, du khách Hà Nội, chia sẻ: "Khi về thăm quê Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi rất xúc động. Được nghe kể về cuộc đời của Người nhưng không thể tin được cuộc sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại giản dị như vậy. Chuyến thăm rất ấn tượng với tôi và các con tôi. Qua từng kỷ vật, tôi và các con tôi càng thêm yêu quý và hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Người."

Hàng năm vào những ngày lễ, đặc biệt là dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890), người dân từ khắp mọi miền đất nước lại về đây thăm Khu di tích để tưởng nhớ công ơn của Người. Khu di tích còn là địa điểm tổ chức nhiều buổi sinh hoạt chính trị lớn, những nghi lễ của các cấp chính quyền, đoàn thể, đồng thời cũng là điểm tham quan du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Feedback