(VOV5)- Cái nắng chói chang, gay gắt của tiết trời tháng 5 cũng không làm cho lượng khách đến với thánh địa Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam giảm đi chút nào. Một khu phế tích , chỉ còn vài cái tháp không còn nguyên vẹn, gạch ngói ngổn ngang. Vậy điều gì khiến cho khu di tích này hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến vậy?
Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, cách thành phố Ðà Nẵng khoảng 70 km về phía tây nam, cách Trà Kiệu khoảng 10 km về phía tây trong một thung lũng kín đáo. Đến Đà Nẵng, du khách có thể thuê xe máy, hoặc ô tô hay đi theo tuyến xe buýt chạy thẳng đến Mỹ Sơn mất khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Mỹ Sơn là di tích Ấn Độ giáo của vương quốc Chămpa, nơi đây hiện còn in dấu hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch đá, được xây dựng từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 13. Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn thờ một bộ Linga hoặc hình tượng của thần Siva - Ðấng bảo hộ của các dòng vua Chămpa. Vị thần được tôn thờ ở Mỹ Sơn là Bhadrésvara, là vị vua đã sáng lập dòng vua đầu tiên của vùng Amaravati vào cuối thế kỷ 4 kết hợp với tên thần Siva, trở thành tín ngưỡng chính thờ thần - vua và tổ tiên hoàng tộc. Một trong những điểm đặc sắc nhất trong kiến trúc tháp Chăm chính là những bức phù điêu trên tường tháp và gạch xây tháp. Người Chăm đã dùng một chất vữa mỏng để xây tháp và các nghệ nhân đã tiến hành chạm khắc thẳng vào nền tường gạch những họa tiết tỉ mỉ, tinh tế. Điều này cũng khiến cho bao du khách đến tận nơi để được nhìn thấy sự kỳ diệu của các công trình này. Từ thành phố HCM, ông Đinh cho biết đây là lần đầu tiên gia đình ông đến Mỹ Sơn. "Nghe nói là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia và thế giới đến để cho biết. Cũng nghe nói cũng chưa hình dung gì về di tích này. Đến đây thấy cổ kính và mình tìm hiểu được văn hóa của người Chăm."
Bà Trần Thị Du Hoài cho biết, gia đình bà đi máy bay từ thành phố HCM đến Đà Nẵng, rồi từ Đà Nẵng thuê xe ô tô vào Mỹ Sơn. Mọi chi phí cho chuyến đi không đắt, di chuyển lại thuận lợi. Bà rất mê vẻ đẹp, kiến trúc của khu di tích này. "Thấy kiến trúc rất tốt, thời gian như vậy mà vẫn còn nguyên, không có xi măng gì mà toàn gạch không, mặc dù qua thời gian mà vẫn giữ được gốc tích."
Năm 1898, một nhà khoa học người Pháp tên là M.C. Paris đã phát hiện ra Mỹ Sơn và ngỡ ngàng trước vẻ đẹp cổ kính uy nghi của nó. 30 tháp còn lại ở Mỹ Sơn có niên đại xây dựng liên tục từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ XIII đã làm nên một bảo tàng kiến trúc và điêu khắc ngoài trời vô giá về nền văn hóa Chăm. Nghệ thuật xây dựng, chạm khắc, quan niệm của người Chăm xưa về vũ trụ, các đấng thần linh, về con người... đã đem đến cho khu đền tháp này một vẻ đẹp kỳ bí có một không hai ở Đông Nam Á. Điều bí ẩn nữa của tháp Chăm Mỹ Sơn là nghệ thuật chạm khắc trên gạch đến độ tinh tế. . Trải qua thời gian, chiến tranh, khu đền tháp Mỹ Sơn bị tàn phá nặng nề nhưng những gì còn lại ở Mỹ Sơn đều toát lại vẻ đẹp huyền bí, cuốn hút khách du lịch đến từ mọi nơi trên giới. Một du khách đến từ Tây ban Nha chia sẻ: "Tôi đã đến Hà Nội, Huế, Hạ Long, Đà Nẵng, Hội An và Mỹ Sơn. Mỗi nơi một khác nhau. Đến đây tôi rất buồn vì đền đài bị chiến tranh hủy hoại. Những gì ở đây rất khác biệt với văn hóa của chúng tôi. Những điểm tham quan ở đây đẹp, phong cảnh đẹp và con người dễ thương"
Đứng trước khu đền A1, ngôi đền được cho là đẹp nhất của thánh địa Mỹ Sơn giờ chỉ còn trơ lại nền móng, ông Huỳnh Tấn Lập - Phó Trưởng Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn, cho biết: "Đây là một trong những ngôi đền đẹp nhất ở Mỹ Sơn. Nghệ thuật kiến trúc điêu khắc đã đạt đến đỉnh cao trong nghệ thuật kiến trúc của người Chăm . Nhưng do thời gian và đặc biệt trong giai đoạn chiến tranh ngôi đền này bị ảnh hưởng nặng nề, bị sập hoàn toàn chỉ còn nền móng. Công việc trùng tu của một kiến trúc sư người Ba Lan vào năm 1980, ông tập kết những hiện vật rơi đổ trưng bày trên nền sân. Hiện nay nhóm này là điểm du khách thích đến và tìm hiểu, nghiên cứu."
Khu di tích Mỹ Sơn chỉ còn lại mấy khu đền đài là những phế tích nhưng giá trị nghệ thuật và tâm linh vẫn thu hút mọi người. Điều gì hấp dẫn khiến cho du khách đến với một khu di tích như vậy. Theo ông Huỳnh Tấn Lập: "Hầu hết các đền trong di tích Mỹ Sơn đều nằm trong hiện trạng là phế tích cho nên di tích nào cũng có thực trạng nguy cơ nhất. Việc giữ gìn hiện tại là làm công tác bảo vệ, phát dọn định kỳ cho thảm thực vật xâm hại di tích. Ở đây điều kiện thiên nhiên rất khắc nghiệt, mùa mưa lũ rất lớn nên việc tác động xói mòn ảnh hưởng hàng năm. Mặc dù như vậy nhưng với giá trị di sản của Mỹ Sơn nên cộng đồng quốc tế và nhân dân rất quý trọng. Lượng khách hàng năm đến với Mỹ Sơn hàng năm tăng cao. Năm 2011 trên 200.000 lượt khách tham quan, trước 1999, chỉ có vài chục ngàn người/năm."
Mỹ Sơn giờ trở thành điểm đến không thế thiếu đối với du khách nước ngoài khi đến với dải đất miền trung yêu dấu. Bình quân mỗi ngày khu di tích đón từ 500 – 700 khách, đặc biệt những ngày cuối tuần hoặc lễ tết lượng khách tăng lên 1.200 – 1.500 khách. Đi cùng với đó là những dịch vụ ngày càng hoàn thiện. Hiện nay Mỹ Sơn xuất hiện trong bản đồ du lịch thế giới, là điểm tham quan, nghiên cứu hấp dẫn./.