Phúc Sen – Làng rèn quanh năm đỏ lửa

Hoàng Hiền
Chia sẻ
(VOV5) - Với khoảng 150 lò rèn, người làng Phúc Sen xưa nay cho ra đời những nông cụ bền đẹp nổi tiếng gần xa.

Thủ đô Hà Nội khoảng 300km, cách Thành phố Cao Bằng khoảng 40km, làng rèn Phúc Sen, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, nằm cạnh con đường đến với Thác Bản Giốc, một trong những thác nước hùng vỹ nhất Việt Nam. Vùng đất dưới chân núi đá Pác Rằng này là nơi định cư của những người Nùng An với nghề rèn truyền thống. Với khoảng 150 lò rèn, người làng Phúc Sen xưa nay cho ra đời những nông cụ bền đẹp nổi tiếng gần xa.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:  
Hỏi thăm những người cao tuổi nhất ở Phúc Sen về ông tổ nghề rèn của làng, hay nghề có tự bao giờ, họ không hề hay biết. Ai cũng chỉ nói rằng được ông cha dạy nghề từ bé. Họ ước đoán nghề rèn có tại Phúc Sen ba trăm năm, đến bốn trăm năm trước. Ông tổ nghề rèn chỉ là do dân gian tưởng tượng, là một ông tiên đến đây thương người Nùng An nghèo khó nên dạy cách đúc rèn dụng cụ lao động, để khai hoang, trồng cây, săn bắt thú rừng.

Tuy vậy, theo lịch sử cùng những dấu tích còn lại, làng rèn Phúc Sen một thuở đã là công binh xưởng đúc rèn cơ khí, chế tạo vũ khí của triều đại nhà Mạc, khi nhà Mạc rời khỏi kinh đô Thăng Long năm 1593, lên Cao Bằng lập căn cứ chống lại nhà Lê (1428-1789). Nhà Mạc lập đô tại Cao Bằng trong hơn 80 năm (1593-1677). Chính vì thế, binh xưởng chế tác vũ khí cho quân đội nhà Mạc đã hình thành ở Phúc Sen.                 

 
Phúc Sen – Làng rèn quanh năm đỏ lửa - ảnh 1Một góc làng nghề Phúc Sen.

Giờ đây, đến Phúc Sen, đâu đâu cũng thấy các bếp than rực lửa và những đốm hoa lửa bùng lên sau những nhát búa của người thợ rèn. Các sản phẩm của làng nghề Phúc Sen bao gồm: nông cụ, dao, kéo… được ưa chuộng không chỉ tại khu vực miền núi phía Bắc mà còn được đặt hàng mang đi nhiều địa phương trong cả nước.

Bà Nông Thị Nga, ở huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, vừa chọn được cặp dao ở chợ Nà Giàng, cho biết: "Mỗi năm giá đình mua 2 con dao. Dao Phúc Sen làm đẹp hơn, sắc hơn. Dao này có thể đem theo đi núi lấy củi, lấy cỏ, phát rẫy. Dao chặt cây tốt."

Phúc Sen – Làng rèn quanh năm đỏ lửa - ảnh 2Người Nùng ở Phúc Sen có những bí quyết riêng, nguyên liệu rèn dao chủ yếu từ nhíp ô tô phế liệu.

Hầu như nhà nào ở Phúc Sen cũng có lò rèn và những bí quyết trong lựa chọn vật liệu và kỹ nghệ tôi luyện thép. Thợ rèn ở Phúc Sen chỉ dùng nhíp ô tô làm dao và các nông cụ khác. Đó là một loại thép tốt và công việc rèn đúc cũng đòi hỏi công phu hơn. Nhất là ở khâu tôi lưỡi dao. Những người thợ ở Phúc Sen chỉ cần nhìn màu của thanh thép nung đến độ nào thì rèn được, rèn đến khi nào mới bong hết vảy thép, hay ở mức nào mới nhúng lưỡi dao vào nước tôi...

Sự tuân thủ khắt khe kỹ thuật tôi luyện thép khiến người Phúc Sen có những nông cụ bằng thép tốt nhất. Ông Lương Văn Trường, ở xã Phúc Sen, cho biết: "Tôi đã theo nghề rèn được 13-14 năm. Chúng tôi sản xuất các loại dao: Dao liềm, dao quắm, dao phay, cưa, đục, dao lắp máy băm rau lợn, dao mài, đá mài,... Khi làm rất vất vả, chọn mua từng thanh nhíp thép, cho vào lửa, nung đỏ, cắt làm đôi, rồi đập tạo hình, ai làm giỏi thì được nhiều nhất là 4 con dao/ngày. Nhiều người nhận xét là dao dùng rất bền và sắc. Trong cả nước có nhiều nơi rèn dao nhưng họ làm khác, không giống ở đây.

Làng Phúc Sen không có miếu thờ tổ nghề, mà người thợ chỉ thờ cúng Tổ nghề rèn vào ngày rằm tháng 7 âm lịch và vào dịp Tết Nguyên Đán. Đặc biệt, trong những ngày Tết Nguyên Đán, các thợ rèn cất gọn đồ nghề và quét dọn lò rèn sạch sẽ rồi cắm một cành lá bưởi lên lò rèn để trừ tà, trừ ma. Sáng Mùng một Tết, gia đình sẽ làm cơm cúng tổ tiên và cúng "Tổ nghề". Đồ cúng gồm 1 con gà sống, 1 kg thịt lợn, 1 cặp bánh dày, 10 phong bánh khảo, chút rượu trắng cùng vàng hương...

Phúc Sen – Làng rèn quanh năm đỏ lửa - ảnh 3Giai đoạn cho nguyên liệu vào lò nung để tạo hình sản phẩm là giai đoạn quan trọng nhất và chỉ có người thợ cả mới cảm nhận được vì mắt nhìn không chuẩn sản phẩm sẽ bị dẻo do nung còn non hoặc giòn do nung quá già.

Người thợ rèn chính trong gia đình sẽ nhóm lửa lò rèn và rèn tượng trưng một vài dụng cụ với ý nghĩa mong cả năm lò rèn luôn đỏ lửa, làm được nhiều sản phẩm tốt. Vào dịp rằm tháng Bảy, lễ cúng Tổ nghề rèn cũng được tiến hành sau khi làm cơm cúng tổ tiên và cúng thổ công, thổ địa của làng.

Ông Long Văn Chiến, xã Phúc Sen, chia sẻ: "Thế hệ trẻ trong làng cũng rất nhiều người theo nghề rèn… Mà để làm được nghề rèn thì phải rất yêu nghề nên thế hệ trẻ tiếp nối sẽ cố gắng bảo tồn và duy trì nghề rèn truyền thống."

Phúc Sen – Làng rèn quanh năm đỏ lửa - ảnh 4Dao của Phúc Sen tuy không có hình thức đẹp nhưng lại nức tiếng về độ bền và sắc.

Đến với làng nghề Phúc Sen, bạn sẽ được thưởng thức các món ăn truyền thống từ người địa phương. Trong đó phải kể đến khâu nhục, vịt quay lá mắc mật, lợn cắp nách và thịt gác bếp. Mỗi một món ăn đều mang hương vị tuyệt vời của núi rừng. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức làn điệu dân ca đặc sắc của người dân tộc Nùng như dân ca cổ Hà Lều, Lượn, Sli… Chắc chắn đây sẽ là kỉ niệm khó quên của bạn khi có dịp ghé thăm làng nghề rèn Phúc Sen

Feedback