(VOV5) - Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam là một địa điểm du lịch hấp dẫn. Đặc biệt khi đến đây, du khách khi đến đây sẽ được các “hướng dẫn viên” người dân tộc là chính các chủ thể văn hóa trực tiếp giới thiệu những nét đẹp truyền thống và hướng dẫn trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt văn hóa của họ. Bản thân những người đồng bào khi rời quê hương đến với làng văn hóa – du lịch dân tộc luôn mang trong mình mong muốn bảo tồn nét văn hóa của dân tộc mình.
|
Già làng Ma Loan điều hành buổi lễ cúng sức khỏe của người Ê đê |
Nghe âm thanh tại đây:
Lễ cúng sức khỏe của người Ê đê được tổ chức vào thời điểm sau khi thu hoạch vụ mùa xong. Hôm nay già làng Ma Loan làm chủ lễ. Nhưng điều đặc biệt là lễ cúng sức khỏe truyền thống của người Ê đê không tiến hành ở cao nguyên Buôn Ma Thuột nắng gió mà ở một nơi cách trung tâm Hà Nội không xa. Đó là làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
Vốn sinh sống tại buôn A-kok-thon, Buôn Mê Thuột, Đak Lak, đầu năm 2016, già làng Ma Lao cùng một số người dân Ê-đê trong buôn đến sinh sống tại đây. Những nét đặc trưng trong không gian sinh hoạt của đồng bào Ê đê đều được tái hiện. Người Ê Đê duy trì gia đình lớn mẫu quyền gồm nhiều gia đình nhỏ cùng cư trú trong một ngôi nhà dài. Ngôi nhà dài được coi như một biểu tượng cho nền văn hóa đậm tính sử thi hùng tráng của đồng bào Ê Đê với những nét kiến trúc nghệ thuật bản địa độc đáo. Khi được mời về đây làm nhiệm vụ giới thiệu và quảng bá về văn hóa Ê đê, những người đồng bào đã coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình. Già làng Ma Loan, người dân tộc Ê đê chia sẻ: "Ma Loan rất mừng, được cử ra giới thiệu những gì mình biết, những gì mình có, cái nét của dân tộc mình, phong tục tập quán, nhà dài, trang thiết bị, vân đề sinh hoạt hàng ngày của dân tộc mình như thế nào để tất cả các dân tộc khác có thể hiểu về dân tộc chúng tôi là như thế. Mong muốn truyền lại tất cả cho các dân tộc khác hiểu biết về dân tộc mình như thế nào. Đó là một điều vinh dự nhất".
|
Buổi lễ cúng sức khỏe tổ chức tại làng du lịch - văn hóa các dân tộc. Khách mời là đại diện của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam |
Tại làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam, cũng như nhiều dân tộc khác, dân tộc Ê-đê có một không gian sống đậm chất Tây nguyên giống như xứ xở quê hương mình. Làng dân tộc Ê Đê, thuộc Khu các làng dân tộc II, có diện tích tổng thể gần 7000 m2, bao gồm 2 nhà sàn, 02 kho lúa và 2 nhà mồ. Tại đây, già làng Ma Loan luôn trăn trở quan trọng nhất bây giờ không chỉ là quảng bá về phong tục tập quán của dân tộc mình mà làm thế nào để nét đẹp văn hóa ấy không bị mai một. "Bây giờ ở làng, từ cái ham muốn của Ma Loan là muốn gìn giữ nét văn hóa của mình, muốn phát triển thì phải làm như thế nào đó, tạo cho tuổi trẻ, lớp mới để tiếp thu văn hóa của dân tộc mình về lâu về dài. Chứ sau này mình về già, không còn những người am hiểu, những người biết đánh cồng chiêng, các nhạc cụ. Nói chung là bây giờ nhiều thứ vẫn còn dùng được, chế lại được, nhưng đang lo sẽ dần mai một những thứ này. Tôi đang lo những chuyện đó, nên làm sao tất cả các nơi cùng chia sẻ, đóng góp, cùng có ý kiến, đề xuất, quan tâm vấn đề này để có thể gìn giữ mãi mãi về lâu về dài".
|
H Hoa Niê giúp cha trong lễ cúng sức khỏe của người Ê đê |
Có lẽ thấu hiểu những trăn trở đó của cha mình mà H’ Hoa Niê là con gái út của già làng Ma Loan, năm nay vừa tròn 23 tuổi, đã luôn kề cận giúp sức cùng cha trong việc lưu giữ bảo tổn nét văn hóa của Ê đê. Trong lễ cúng sức khỏe vừa rồi H’Hoa Niê làm nhiệm vụ giúp bố rót những chén rượu cần mời khách. Dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng cô gái này có am hiểu sâu sắc về phong tục, tập quán của dân tộc mình. H’Hoa Niê tâm sự, cô rất yêu thích công việc giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước về các nét đặc sắc của đồng bào Ê đê: từ chế tác nhạc cụ truyền thống, diễn tấu cồng chiêng cho đến công việc hàng ngày như dệt vài, đan gùi, chế biến ẩm thực "Em cảm thấy rất vui, là một người trẻ em luôn muốn giữ truyền thống văn hóa của mình lâu dài và luôn muốn giữ nét đặc sắc của người Ê đê mình bằng cách truyền lại và giữ lại, đưa nền văn hóa của mình và làng văn hóa như thế này để quảng bá, cho mọi người biết về cuộc sốn, hoạt động hàng ngày và con người Ê đê sống và làm việc như thế nào".
Ra Hà Nội lần này, H’Hoa Niê sẽ ở lại làng văn hóa-du lịch các dân tộc làm công việc của mình cho đến hết tháng 12. Và khi được hỏi, đôi mắt cô gái Tây nguyên này vẫn luôn sáng lấp lánh với lời khẳng định chắc chắn: nếu có cơ hội em còn muốn ở đây lâu nữa để mọi người hiểu nhiều hơn về dân tộc của em. Yêu quê hương và luôn trăn trở, khát khao phải làm gì đó đó cho quê hương. Tình cảm giản dị mà nồng đượm ấy của già làng Ma Lao và cô con gái H’Hoa Niê chợt khiến người ta liên tưởng đến sắc thắm tô điểm góc trời của những bông hoa Pơ-lang tháng ba nơi vùng cao nguyên nắng gió.