Đền Xã Tắc - Di tích lịch sử Quốc gia nơi địa đầu Tổ quốc

Vũ Miền
Chia sẻ
(VOV5) - Đền Xã Tắc, đình Trà Cổ đang là những bệ đỡ văn hóa tinh thần, là những “cột mốc văn hóa” giúp đất và người Móng Cái vững độc lập, chủ quyền Tổ Quốc.

Nằm bên bờ Ka Long, dòng sông biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đền Xã Tắc, Thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, không chỉ là nơi thờ tự, thực hành các tín ngưỡng văn hóa dân gian của cư dân nơi đây mà còn có ý nghĩa như cột mốc văn hóa, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Mới đây, di tích lịch sử - văn hóa hàng trăm năm tuổi này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp Quốc gia bởi những giá trị đặc sắc, riêng có.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
 
Đền Xã Tắc - Di tích lịch sử Quốc gia nơi địa đầu Tổ quốc - ảnh 1Đền Xã Tắc bây giờ.

Những bia đá cổ và bài vị cổ còn lưu lại tại đây ghi rõ: Đền Xã Tắc được xây dựng vào khoảng cuối thế kỉ XIII, đầu thế kỷ thứ XIV để thờ thần Xã Tắc, Bản Cảnh Thành Hoàng Xã Tắc Đại Vương thuộc Châu Móng Cái, nước Đại Việt xưa. Theo truyền thuyết, những vị thần này luôn che chở muôn dân và phù hộ cho đất đai màu mỡ, mùa màng bội thu... Thuở ban đầu, đền Xã Tắc nằm ở mép sông với quy mô chỉ ba gian nhà, mặt tiền quay về hướng nam, mái lợp ngói âm dương. Trải qua thăng trầm lịch sử và sự tàn phá của thời gian, công trình này đã bị phá hủy và đươc phục dựng, trùng tu lần gần nhất vào năm 1989.

Ông Bùi Hữu Thiềm, 70 tuổi, sinh sống tại phường Ka Long, cho biết: "Đền Xã Tắc trước đây như phế tích rồi. Nhưng nhân dân đã đề nghị được phục dựng nên khang trang như bây giờ. Đây là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm của chúng tôi và cả thế hệ mai sau gìn giữ nơi đây như cột mốc biên giới."

Khu vực đền Xã Tắc được mở rộng với diện tích khuôn viên khoảng 20 nghìn m2, trên  khu đất cao, tách biệt với những tấp nập của phố xá. Đền được xây hai tầng, tám mái với những họa tiết hoa văn chạm trổ tinh xảo, mái lợp ngói mũi hài. Tại Đền Xã tắc hiện còn lưu giữ được ba tấm bia cổ có niên đại từ năm 1879, trên đó có ghi danh những người đã góp công, góp của để xây dựng nên. Năm 2005, đền Xã Tắc đã được xếp hạng di tích lịch sử, văn hoá cấp tỉnh và đến năm 2018, lần đầu tiên thành phố Móng Cái đã phục dựng lễ tế Xã Tắc như tìm kiếm và gìn giữ phần hồn của đời ngôi đền hàng trăm năm nơi địa đầu Tổ quốc.

Ông Trần Đình Thành, Cục Phó Cục di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Thành phố Móng Cái là một trong ít các địa phương của cả nước còn duy trì việc thờ thần và thực hiện lễ tế đền Xã Tắc: "Đền Xã Tắc của Móng Cái là một trong số hiếm các đền Xã Tắc hiện còn của Việt Nam. Đàn Xã Tắc là di tích quan trọng liên quan đến tín ngưỡng văn hóa truyền thống của Việt Nam. Ngoài ra vị trí của Đền tồn tại đến ngày nay cùng dấu vết của nó có ý nghĩa lịch sử và vai trò rất là quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền của đất nước như là một cột mốc văn hóa.

Với người dân vùng biên giới, đền Xã Tắc đã vượt ra khỏi phạm vi thờ thần của một làng, một khu vực, trở thành ngôi đền thờ thần của non sông, đất nước đúng như ý nghĩa của cụm từ “sơn hà, xã tắc”. Hiện những đền, chùa tâm linh đã được thành phố Móng Cái kết nối, xây dựng thành những tuyến điểm tham quan với nhiều nét văn hóa truyền thống và hiện đại đan xen như tuyến điểm du lịch trung tâm Thành phố Móng Cái đến bãi biển Trà Cổ, Ðài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn; Ðền Xã Tắc, đình Trà Cổ, các điểm du lịch Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái; Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ; Di tích nơi thành lập chi bộ Ðảng đầu tiên tại Móng Cái... 

Ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái, cho biết: "Thành phố sẽ tiếp tục xây dựng, củng cố, khảo sát, thu thập, tổng hợp các tài liệu về di tích để có báo cáo cụ thể đánh giá, xếp hạng các di tích cho xứng tầm với vị trí.  Đồng thời, huy động các nguồn lực để bảo tồn và phát triển du lịch văn hóa, tâm linh để truyền tải những thông tin, quảng bá du lịch đến du khách trong và ngoài tỉnh".

Thành phố Móng Cái đang trên đà phát triển, hứa hẹn trở thành đầu mối kinh tế quan trọng tại khu vực Đông Bắc của Tổ Quốc, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái là khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vùng Bắc Bộ, của vành đai kinh tế ven biển Bắc bộ và hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái - Phòng Thành (Trung Quốc)..

 Những di tích văn hóa - lịch sử như đền Xã Tắc, đình Trà Cổ đang là những bệ đỡ văn hóa tinh thần, là những “cột mốc văn hóa” giúp đất và người Móng Cái vững độc lập, chủ quyền Tổ Quốc nơi địa đầu Đông Bắc, cùng cả nước đi lên trong công cuộc đổi mới, hội nhập.

Feedback