Chùa Kh’Leang - Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia ở tỉnh Sóc Trăng

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Với vẻ đẹp cổ  kính, giá trị nghệ thuật cao, kiến trúc đặc sắc của dân tộc Khmer, chùa Kh’Leang là hình mẫu để các ngôi chùa khác ở tỉnh Sóc Trăng học hỏi kiến trúc xây dựng.

Chùa Kh’Leang tọa lạc ở đường Tôn Đức Thắng, thành phố Sóc Trăng. Đây là một trong những ngôi chùa Khmer cổ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nay đã gần 500 năm tuổi. Cùng với chùa Dơi, chùa Kh’Leang là một trong hai di tích quốc gia ở tỉnh Sóc Trăng, thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:  
So với các ngôi chùa Khmer khác trong tỉnh Sóc Trăng, chùa Kh’Leang ít phải trùng tu, còn khá nguyên vẹn, xây dựng theo kiến trúc Khmer truyền thống. Chùa nằm trong khuôn viên rộng lớn, rợp bóng cây cổ thụ, nhiều nhất là cây thốt nốt, hoa sứ, hoa đại. Trong chùa Kh’Leang còn có Trường bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ.

Hòa thượng Tăng Nô, trụ trì chùa Kh’Leang, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "Diện tích chùa rộng khoảng 3 ha. Trường bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ rộng 1 ha còn chùa rộng 2 ha. Chùa xây dựng năm 1532. Trước đây, chùa không khang trang như thế này đâu, chùa xây lợp lá thôi, không rộng như giờ đâu. Sau này chùa trùng tu, xây dựng bằng gạch ngói. Kh’Leang tiếng Khmer có nghĩa là kho chứa gạo. Kiến trúc chùa theo truyền thống dân tộc Khmer."

Chùa Kh’Leang - Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia ở tỉnh Sóc Trăng - ảnh 1Cổng chùa Kh’Leang. Ảnh Ngọc Anh

Quần thể kiến trúc chùa bao gồm: chính điện, sa la, nhà tăng, hội trường,… được bố trí hài hòa, cân xứng. Điểm độc đáo là đa số các công trình trong chùa Kh’Leang đều được xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống của dân tộc Khmer Nam Bộ. Mỗi công trình đều được điêu khắc, chạm trổ hoa văn, họa tiết tinh xảo.

Tòa chính điện nằm ở trung tâm được chia làm ba bậc nền, có hàng rào bao xung quanh màu sắc rực rỡ. Bờ viền mái nóc có tượng rồng uốn lượn. Trên các đầu cột ở hành lang bao quanh chính điện đều có tượng Krud dang tay chống đỡ. Krud là một linh vật không tồn tại trong thế giới tự nhiên, nhưng lại xuất hiện khá phong phú trong các câu chuyện thần thoại, trong những công trình kiến trúc tôn giáo. Đã từ lâu, hình tượng Krud gắn chặt trong đời sống tâm linh và đời sống thẩm mỹ của người Khmer Nam Bộ.

Chùa Kh’Leang - Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia ở tỉnh Sóc Trăng - ảnh 2Chính điện chùa Kh’Leang. Ảnh Ngọc Anh

Bên trong chính điện có các cột bằng gỗ được thếp bằng vàng các hình ảnh nói về cuộc đời đức Phật Thích Ca, giáo lý Phật pháp. Nổi bật là bức tượng Phật đặt ngồi trên tòa sen lộng lẫy với vầng hào quang bằng điện lúc ẩn, lúc hiện, tạo nên sự uy nghiêm, thanh thoát và huyền ảo.

Ông Trần Ron, thành viên Ban quản trị chùa Kh’Leang, cho biết: "Chánh điện chùa độc đáo, hình dáng, mẫu mã hoa văn đẹp hơn các chùa khác. Nóc mái có chạm trổ nhiều con rồng, thần đứng hai bên bảo vệ phật. Chánh điện có ban thờ đức phật Thích Ca. Chính điện, sala tổ chức cho bà con phật tử làm lễ dâng cơm, giúp đỡ người nghèo."

Chùa Kh’Leang mang đậm dấu ấn kiến trúc Khmer nhưng cũng pha trộn phong cách người Việt, người Hoa trong bài trí. Trong chính điện còn đan xen một số hình ảnh, hoa văn họa tiết trang trí của người Kinh ở bức cửa võng và của người Hoa trên các thân cột trụ, hình cá chép, rồng và các chữ Hán được vẽ trên các thân cột. Điều này phản ánh sự giao thoa văn hóa, nghệ thuật giữa 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer.

Chùa Kh’Leang - Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia ở tỉnh Sóc Trăng - ảnh 3Kinh lá buông lưu giữ ở nhà trưng bày chuyên đề văn hóa dân tộc Khmer.
Ảnh Ngọc Anh

Trước đây, chùa Kh’Leang lưu giữ các sách kinh làm bằng lá buông có chữ Khmer cổ khắc trên đó. Những hiện vật quý này hiện được lưu giữ tại nhà trưng bày chuyên đề văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng.

Chị Thạch Thị Loan, hướng dẫn viên nhà trưng bày chuyên đề văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "Người Khmer khắc chữ trên lá cây thốt nốt hoặc lá buông. Cây thốt nốt và cây buông có họ hàng với nhau. Lá buông thì khắc chữ tốt hơn lá thốt nốt vì không giòn. Người ta cắt lá buông ra thành từng đoạn, ép cho khô, ngâm nước để không bị mối mọt. Hiện vật kinh sách lá buông hơn 500 năm nay rồi. Sách nói về giáo lý dậy học, kiến thức kinh phật, các vị thuốc chữa bệnh, văn hóa… rất nhiều lĩnh vực tùy theo từng bộ sách."

Cũng như các ngôi chùa Khmer Nam Bộ, chùa Kh’Leang là nơi dạy học cho trẻ em dịp nghỉ Hè. Ngoài việc dạy tiếng nói, chữ viết, nhà chùa còn giáo dục về nhân cách sống, lòng hiếu thảo, ứng xử... Qua đó, giúp các em khôn lớn, trưởng thành sau này.

Ông Huỳnh Sa Wath, thành viên Ban quản trị chùa Kh’Leang, cho biết: "Trẻ em vào đây học chữ Khmer, từ lớp 1 tới lớp 5. Học sinh khi nghỉ Hè thì được cha mẹ đưa tới chùa để học hành miễn phí. Các sư trong chùa dậy học. Hiện, chùa có 3 lớp học với tổng cộng 30 em".

Chùa Kh’Leang còn là địa điểm du lịch nổi tiếng ở tỉnh Sóc Trăng. Hằng ngày, có khá đông du khách tới vãn cảnh nhà chùa. Anh Nguyễn Văn Thương, du khách ở tỉnh Bắc Giang, tới tham quan chùa Kh’Leang, cảm nhận: "Tôi lần đầu tiên đến với tỉnh Sóc Trăng. Đến với chùa Kh’Leang cảm nhận đầu tiên của tôi thấy nơi đây có nét văn hóa đặc trưng của người Khmer. Tôi thấy không gian rộng lớn, rất đẹp. Nếu có cơ hội nữa đến Sóc Trăng, chắc chắn tôi quay lại với chùa Kh’Leang một lần nữa".

Ngoài chức năng phục vụ tín ngưỡng, chùa Kh’Leang còn là nơi tổ chức các nghi lễ truyền thống của dân tộc Khmer, trong đó có lễ Chol Chnam Thmay (Lễ mừng năm mới),  Sen Dolta (Lễ cúng ông bà), lễ Ok Om Bok  (Lễ cúng trăng)… Với vẻ đẹp cổ  kính, giá trị nghệ thuật cao, kiến trúc đặc sắc của dân tộc Khmer, chùa Kh’Leang là hình mẫu để các ngôi chùa khác ở tỉnh Sóc Trăng học hỏi kiến trúc xây dựng.

Feedback