Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long

Bá Thi (tổng hợp)
Chia sẻ
(VOV5) - Hoàng thành Thăng Long minh chứng cho 13 thế kỷ giao lưu và ảnh hưởng văn hóa từ khắp châu Á. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Di sản Văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích văn hóa, lịch sử đặc biệt gắn với kinh thành Thăng Long – Hà Nội. Công trình kiến trúc đồ sộ này được xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử, là di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích tại Việt Nam. Vì lẽ đó, công tác bảo tồn, phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long sao cho xứng với tầm vóc của di sản, luôn được chính quyền Thủ đô Hà Nội, giới khoa học và các cơ quan hữu quan, chú trọng triển khai.
Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long  - ảnh 1Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: TTXVN

Hoàng thành Thăng Long (số 18 phố Hoàng Diệu, thành phố Hà Nội) được các nhà nghiên cứu và khảo cổ khai quật năm 2002 trên tổng diện tích 19.000m2, là cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất Việt Nam và của cả Đông Nam Á tại thời điểm đó. Cuộc khai quật  đã phát lộ những dấu vết của Hoàng thành Thăng Long trong tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ, xuyên suốt các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn (1010-1945), với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau. Tháng 8/2010, Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long–Hà Nội là Di sản Văn hóa thế giới. Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam khẳng định: Hoàng thành Thăng Long minh chứng cho 13 thế kỷ giao lưu và ảnh hưởng văn hóa từ khắp châu Á. Hiếm có di sản nào trên thế giới thể hiện tính liên tục lâu dài như Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Kể từ thời điểm đầu tiên thực hiện cuộc khai quật di chỉ khảo cổ và nhất là sau khi được công nhận Di sản Văn hóa thế giới, khu di sản Hoàng thành Thăng Long luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Báo cáo tại Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “20 năm nghiên cứu bảo tồn và phát huy di sản Hoàng thành Thăng Long” diễn ra tại thủ đô Hà Nội mới đây, chỉ rõ: sau khi được UNESCO ghi danh vào năm 2010, di sản này đã phát huy trên nhiều mặt, các đợt khai quật khảo cổ liên tục hé lộ thêm nhiều bí ẩn về kinh thành Thăng Long xưa. Đáng chú ý, đến nay, 8 cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam với Ủy ban Di sản thế giới về Khu di sản trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện hiệu quả.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam và Tiến sỹ Phan Thanh Hải, thành viên Hội đồng Di sản quốc gia, khẳng định: “Trong 20 năm qua và đặc biệt là từ hơn 10 năm nay, nói chính xác là 12 năm kể từ năm 2010 khi di tích Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, có thể nói rằng công tác bảo tồn và nghiên cứu để tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị của Di tích Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, đã được tiến hành hết sức khẩn trương, hiệu quả”.

“Điều quan trọng nhất ở đây là cùng với sự xuất lộ của các di sản như vậy thì ý thức về việc bảo tồn, phát huy di sản đang ngày càng được nâng cao, ở cả trong hệ thống quản lý nhà nước cũng như trong cộng đồng. Đây là điều hết sức quan trọng và tôi cho rằng đây chính là điều cốt yếu để giúp cho Hà Nội cũng như toàn thể người Việt Nam nói chung có thể gìn giữ và phát huy giá trị của Hoàng thành Thăng Long ngày càng tốt hơn”.

Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long  - ảnh 2Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Vietnam+

Theo quan điểm chung của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản là một quá trình lâu dài, đòi hỏi phải có kế hoạch và thực hiện một cách chiến lược. Trên quan điểm này, Giáo sư, Tiến sỹ Ueno Kunikazu, Trường Đại học nữ Naza – Nhật Bản cho rằng việc tiếp tục quá trình nghiên cứu khảo cổ đối với Hoàng thành Thăng Long là rất quan trọng. Bởi càng nghiên cứu thì sẽ càng tìm thêm ra được các vấn đề mới và những bằng chứng rõ ràng của lịch sử của Hoàng thành Thăng Long, qua đó tiếp tục phát huy giá trị nổi bật toàn cầu của di sản này.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội cho biết: Kế hoạch quản lý Di sản Hoàng thành Thăng Long giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030, tầm nhìn 2045, được xây dựng trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch quản lý Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long năm 2013, hiệu quả việc quản lý các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, đồng thời phân tích hiện trạng khu di sản trong giai đoạn hiện tại. Từ đó, đưa ra các biện pháp nhằm đảm bảo tính nguyên gốc và toàn vẹn của Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long như một kho lưu trữ chân thực các kiến thức về khảo cổ, văn hóa và di vật gắn với quá trình lịch sử của Nhà nước Việt Nam.

“Định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì Hoàng thành Thăng Long là một điểm đến hết sức quan trọng của Thành phố Hà Nội. Thực hiện nghị quyết 09 của Thành phố Hà Nội, chúng tôi xác định gìn giữ Di sản với ba chức năng của mình là bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long, để di sản này là của ngày hôm nay và cho cả mai sau”. - Ông Nguyễn Thanh Quang nói.

Tham luận tại Hội thảo “20 năm nghiên cứu bảo tồn và phát huy di sản Hoàng thành Thăng Long”, ông Lazare Eloudou Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới đánh giá cao việc chính quyền Thành phố Hà Nội đã triển khai hiệu quả các hoạt động nghiên cứu và bảo tồn phát huy các giá trị của Hoàng thành Thăng Long – một di tích lịch sử, văn hóa có tầm quan trọng đối với lịch sử lâu đời của Việt Nam. Quan chức UNESCO đồng thời cho rằng cần có cách tiếp cận mới về công tác bảo tồn để có thể phát huy hơn nữa những giá trị độc đáo riêng có của di sản văn hóa đặc biệt này.

Khẳng định ý kiến của các nhà khoa học là một trong những căn cứ, định hướng cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long trong giai đoạn mới, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nêu rõ, các giá trị di sản đã được xác định phải đóng vai trò cốt lõi trong việc đánh giá phương án phát triển hài hòa giữa các giá trị truyền thống với các yêu cầu của cuộc sống hiện đại ngày nay.
Những kết quả nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản trong 20 năm qua chính là những tiền đề và nền tảng vững chắc để Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long đi tới chặng đường tiếp theo, đó là định hướng trở thành một công viên văn hóa lịch sử, một điểm đến an toàn, tươi đẹp và đậm dấu ấn văn hóa lịch sử của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến

Feedback