Nghe âm thanh bài tại đây:
Múa dân gian là loại hình nghệ thuật tồn tại lâu đời nhất trong nghệ thuật múa Việt Nam. Múa dân gian không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo trong đời sống tinh thần của người dân, mà còn thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc.
Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, ngành văn hóa Việt Nam dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác bảo tồn và phát huy những nét tinh hoa của loại hình nghệ thuật này.
Điệu Xòe truyền thống của đồng bào Thái tại Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Việt Nam có 54 dân tộc và mỗi dân tộc đều có những điệu múa dân gian của riêng mình. Các điệu múa dân gian xuất phát từ sinh hoạt, lao động, sản xuất, các mối quan hệ xã hội của mỗi cộng đồng dân cư, thể hiện sự sáng tạo và thẩm mỹ của cộng đồng dân cư ấy. Ngoài việc mang đặc trưng văn hóa tộc người, múa dân gian còn mang đặc trưng của văn hóa vùng miền.
Theo đó, vũ điệu của người dân Tây Nguyên hồn nhiên và mềm mại. Các dân tộc vùng Tây Bắc lại ưa chuộng cách nhảy múa rộn ràng, vui nhộn. Những điệu múa của người Việt ở vùng đồng bằng Bắc bộ lại chú trọng sự mềm mại, uyển chuyển và chậm rãi. Người Mường có múa sạp, chàm đuống, chàm thau. Người Thái có múa xòe nón, xòe khăn, xòe vòng. Người Khmer có múa Xayăm, rồm vông. Người Êđê có múa khiên, múa trống.Tồn tại song song và gắn bó mật thiết với múa dân gian là múa tín ngưỡng như múa hầu đồng của người Việt, kim pang then của người Thái, múa cấp sắc của người Dao.
Ngoài ra, còn có múa cung đình mang tính chất chuyên nghiệp tồn tại trong cộng đồng người Việt và người Chăm nhằm phục vụ tầng lớp vua chúa ngày xưa. Trong xã hội hiện đại, di sản múa dân gian có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành múa chuyên nghiệp Việt Nam. Do đó, việc bảo tồn, kế thừa, phát huy giá trị của múa dân gian, được ngành chức năng quan tâm, thúc đẩy.
Bà Trương Thị Ngọc Bích, Trưởng khoa Diễn viên múa, Học viện Múa Việt Nam, nêu ý kiến: "Khâu đầu tiên của việc bảo tồn là phải sưu tầm, nghiên cứu và nắm vững nguồn gốc, phong tục tập quán và luật động chính trong múa dân tộc. Muốn bảo tồn được thì phải có sự xuyên suốt, đồng bộ trong việc quản lý, triển khai. Cần tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn và mời những giáo viên có trình độ chuyên môn cao để trang bị kiến thức về nghệ thuật dân tộc cho người làm công tác múa một cách toàn diện, sâu sắc hơn."
Phụ nữ Mường vui nhảy sạp. Ảnh: baodantoc.vn |
Trên thực tế, hàng nghìn điệu múa dân gian của các dân tộc ở Việt Nam đã trở thành cảm hứng vô tận để các biên đạo múa vận dụng, sáng tạo các tác phẩm mang hơi thở thời đại nhưng vẫn giữ được hồn cốt dân tộc. Theo nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Văn Quang, việc đưa chất liệu múa dân gian dân tộc vào múa chuyên nghiệp ở Việt Nam dựa trên những nguyên tắc cơ bản để tránh làm mai một các giá trị truyền thống của múa dân gian.Trách nhiệm nặng nề này đặt lên vai các thế hệ biên đạo trẻ cuả Việt Nam: "Muốn hiện đại thế nào thì cũng không thế đánh mất bóng dáng ngôn ngữ, truyền thống và bản sắc văn hóa của dân tộc. Bản sắc nhìn ở góc độ ngôn ngữ, tức là các động tác múa được biến đổi cho phù hợp với thời đại, nhưng không mất đi bản sắc và giá trị của dân tộc đó."
Múa dân gian dân tộc được coi là tài sản quý báu của văn hóa dân tộc, là mạch nguồn khơi dậy cảm hứng sáng tạo trong nghệ thuật múa muôn đời sau của người Việt. Trải qua bao thế hệ, loại hình nghệ thuật độc đáo này ngày nay càng cần được gìn giữ và phát triển mạnh mẽ.
Bà Trương Thị Ngọc Bích, Trưởng khoa Diễn viên múa, Học viện Múa Việt Nam, nêu ý kiến: "Múa dân gian dân tộc phải luôn giữ được vai trò quan trọng của mình, là diện mạo quốc gia, là sức mạnh mềm, là động lực cho sự phát triển của nền kinh tế, tăng cường uy tín và vị thế của Việt Nam trong mối quan hệ quốc tế. Và Việt Nam hoàn toàn tự hào về nền văn hóa dân tộc của mình."
Để giữ được nguyên giá trị, bản sắc văn hoá của các điệu múa dân tộc, cần có một tư duy và tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển ngành múa Việt Nam dựa trên nền tảng chất liệu múa dân gian.Trong đó, việc đầu tư tài chính, đặc biệt là đầu tư để lực lượng nghệ sĩ không ngừng sáng tạo, nâng cao chất lượng chuyên môn, đưa nghệ thuật múa dân gian lên một tầm cao mới, là hoạt động thiết thực.
Cùng với đó, cần khai thác và phát huy giá trị nghệ thuật múa dân gian dân tộc của các vùng miền, dân tộc thiểu số phù hợp để tổ chức thành các sản phẩm văn hóa du lịch, nhằm lan tỏa nghệ thuật múa dân gian đến cộng đồng người dân trong nước và quốc tế. Đây chính là những giải pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy những giá trị độc đáo của múa dân gian các dân tộc Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.