Vì một di sản xanh, sạch: kinh nghiệm từ Hội An

Mỹ Trà
Chia sẻ
(VOV5) - Việc bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch bền vững là một định hướng mang tầm chiến lược không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác.
(VOV5) - Việc bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch bền vững là một định hướng mang tầm chiến lược không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác. Với tính chất riêng của ngành du lịch, công tác bảo tồn di sản lại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đặc biệt là đối với Hội An, một trong những điểm sáng của hoạt động du lịch hiện nay. Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam(23/11) năm nay có chủ đề “Văn hóa Du lịch Di sản xanh, nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên”.

Vì một di sản xanh, sạch: kinh nghiệm từ Hội An - ảnh 1
Qua bao thăng trầm thời gian, Hội An vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính. (Ảnh:internet)


Nghe nội dung chi tiết tại đây:




Đầu những năm 90, Hội An lúc đó là những khu phố cổ xập xệ với nhiều mảnh đời nghèo khó. Nhiều công trình trong số gần 1000 ngôi nhà cổ và hơn 200 di tích gồm đình, chùa, miếu mạo có tuổi thọ hàng trăm năm đang ở trong tình cảnh xuống cấp, có thể sập bất cứ lúc nào. Tình trạng phổ biến trong những ngôi nhà cổ là 4, thậm chí 5 thế hệ sống chen chúc, chật chội với điều kiện sinh hoạt rất khó khăn. Mùa hè thì nóng nực còn mùa mưa, lũ, cuộc sống người dân có thể dùng từ “cùng cực” trong mênh mông nước ngập. Hàng trăm đơn của người dân gửi lên thị xã xin được cải tạo, sửa chữa nhà cổ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Hội An lúc đó là ông Nguyễn Sự đã từng ký và ban hành một văn bản mà sau này ông vẫn áy náy, coi mình là người vô trách nhiệm, may mà lúc đó chưa có ai là nạn nhân vì nhà sập: “Làm ngôi nhà mới thì rẻ gấp năm lần để trùng tu một ngôi nhà cũ, người ta sửa chữa theo kiểu nhà mới, tôi không cho sửa, người ta nói ông ghi vào đây là không cho sửa nếu sập nhà chết người, ông phải chịu trách nhiệm. Tôi ghi một câu rất trách nhiệm xét về góc độ một vị Chủ tịch, nhưng mà ở góc độ con người, chúng tôi là người được giao nhiệm vụ thì thực chất là rất vô trách nhiệm là:  “Đồng ý cho sửa nhưng sửa theo nguyên gốc của nó”. Người ta đã không có tiền sửa nhà cổ rồi anh ghi như vậy thì là trách nhiệm, nhưng mà sửa theo nguyên gốc thì đánh đố với người dân.”

Áp lực cuộc sống khiến nhiều nhà ở Hội An đã bất chấp lệnh cấm vẫn tự ý phá bỏ nhà cổ và xây mới khiến ông Nguyễn Sự buộc phải ra lệnh cưỡng chế. Trước tình cảnh ấy, ông Nguyễn Sự hiểu rằng không thể tiếp tục lún sâu vào vòng luẩn quẩn cấm và cưỡng chế vì cái mất đi ở đây không chỉ là di sản mà còn là lòng dân. Để giải bài toán bảo tồn và phát triển, Ủy ban nhân dân thị xã Hội An nhận định ưu tiên số 1 là phải để người dân phố cổ hưởng lợi từ di sản. Ưu tiên tiếp theo là phải giúp dân có tiền sửa nhà cổ theo nguyên gốc. Bên cạnh đó, chủ trương thu hút khách du lịch và khuyến khích người dân làm kinh doanh các mặt hàng phục vụ du lịch ra đời một cách bài bản, có chọn lọc giúp người dân không chỉ đổi đời mà còn thay đổi nhận thức: “Ban đầu người ta có được đồng ra đồng vào, sau này người ta giàu lên thì người ta càng thấy rằng giá trị mà ông bà họ để lại lớn quá. Nó không chỉ là niềm tự hào mà mang lại lợi ích thiết thực nữa. Khi đó người ta ra sức bảo vệ, giữ gìn di sản.”

Vật liệu để trùng tu nhà cổ ở Hội An chủ yếu bằng ngói âm dương và gỗ nhóm 1 nên rất đắt tiền. Hội An có chính sách rõ ràng về mức hỗ trợ về kinh phí trùng tu từ 30-75%, thậm chí 100%  tùy theo mức độ hư hại của di tích và tùy theo vị trí của ngôi nhà. Ngôi nhà ở vị trí sâu trong ngõ, hẻm, nơi người dân không có nhiều nguồn thu từ du lịch sẽ được ưu tiên với mức cao. Đón chúng tôi trong căn nhà cổ gần 300 năm ở hẻm 126/2 đường Trần Phú, phường Minh An, Thành phố Hội An, ông Thái Tế Bưu cho biết ngôi nhà của ông được tài trợ 75% tiền sửa chữa và được các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản đến tận nơi khảo sát và tư vấn sửa chữa: “Nhà tôi được Nhà nước bảo trợ lớn nhất vì Nhà nước xếp vào dạng di tích đặc biệt. Nhà này xưa lắm, gần 300 năm. Tôi rất hài lòng. Mình quá ít tiền nên sợ không đủ khả năng. Mình phục chế lại nguyên trạng chứ không thêm bớt.” 

Tâm sự với chúng tôi trong căn nhà hai gian ba chái của tộc họ, ông Thái Tế Bưu kể về những tháng ngày vất vả mưu sinh với đủ nghề từ phu bốc vác đến bán hàng rong ngoài phố để nuôi gia đình. Giờ đây du lịch phát triển, chỉ một cửa hàng may mặc rộng 50m2 của cô con gái đã trở thành nguồn thu nhập chính giúp cả gia đình ông no ấm và còn có tiền để góp cùng Nhà nước tu sửa ngôi nhà tổ. Những chính sách miễn thuế ban đầu và hỗ trợ người dân trong kinh doanh đã làm đổi đời nhiều gia đình ở phố cổ. Ông Phạm Văn Khoa, chủ cửa hàng đèn lồng ở số 122 Trần Phú kể rằng: “Thời kỳ bao cấp gia đình nhiều khó khăn, phải làm đủ nghề. Sau này khi có du khách rồi thì mới khấm khá. Giờ cả gia đình sống bằng nghề lồng đèn, thu nhập cũng được. Rất hài lòng vì công việc cũng nhẹ nhàng.”

Để tạo thu nhập cho những hộ dân sống trong ngõ, hẻm, chính quyền Hội An đã có những cơ chế ưu đãi giúp họ có mặt bằng kinh doanh ở chợ đêm Nguyễn Hoàng từ 17h đến 22h hàng ngày. Chị Lê Thị Thông cho biết: “Nhà em bên An Hội không có mặt bằng nên thành phố bố trí ki-ốt để bán hàng và quảng bá làng nghề. 2 năm đầu thì miễn không thu thuế. Thành phố cũng hỗ trợ dạy nghề và hỗ trợ 50% lãi suất cho những cơ sở sản xuất nào có nhu cầu phát triển. Đỡ nhọc hơn các nghề trước, cuộc sống tốt hơn nhiều. Gia đình cũng sắm sửa được những cái mình mơ ước và làm nhà làm cửa, sinh hoạt gia đình tốt hơn.”

Từ chỗ lao đao vì di sản, người Hội An nay đã đổi đời và được hưởng lợi từ di sản như thế đó. Điều đó khiến họ yêu quý và biết trân trọng di sản của cha ông. Họ không chỉ ra sức giữ gìn mà còn tạo ra những giá trị mới cho di sản./.

Feedback