Trưng bày văn hoá Chăm nhân kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng Ninh Thuận

Chia sẻ
(VOV5) - Hàng chục hiện vật cổ liên quan đến văn hoá Chăm được trưng bày giúp người xem có cái nhìn tổng quát về văn hoá vật thể và phi vật thể của người Chăm.

Sáng 16/4, Trung tâm nghiên cứu văn hoá Chăm phối hợp với Bảo tàng tỉnh Quảng Nam tổ chức trưng bày chuyên đề “Di sản văn hoá Chăm Ninh Thuận – Quảng Nam” nhân kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng Ninh Thuận (16/4/1975 – 16/4/2021).

Trưng bày văn hoá Chăm nhân kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng Ninh Thuận - ảnh 1Cắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa Chăm Ninh Thuận – Quảng Nam”.
Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Hàng chục hiện vật cổ liên quan đến văn hoá Chăm được trưng bày giúp người xem có cái nhìn tổng quát về văn hoá vật thể và phi vật thể của người Chăm. Đó là những hình ảnh, hiện vật gắn với các làng nghề truyền thống như: làng thuốc nam, làng gốm, làng dệt có mối quan hệ đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của người Chăm; các trang phục, nhạc cụ, biểu tượng chữ viết, lễ hội… thể hiện quan niệm, nhân sinh quan, thế giới quan của người Chăm đã tồn tại hàng ngàn năm qua. Ông Nguyễn Tri Kiếm, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Hiện vật có giá trị về mặt văn hoá, về mặt kiến trúc. Nó thể hiện được một thời kỳ phát triển rực rỡ của người Chăm, Vương quốc Chăm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam những năm thế kỷ thứ IV, thế kỷ IX và thế kỷ XIII. Qua cuộc trưng bày này nhằm giới thiệu đến công chúng những giá trị của hiện vật có trên địa bàn Quảng Nam; góp phần tuyên truyền, quảng bá cũng như phát huy bảo tồn văn hoá của người Chăm."

Được biết, những hiện vật mà bảo tàng mang đến trình bày chỉ mới là một số ít hiện vật quý hiếm của đồng bào Chăm ở tỉnh Quảng Nam.

Feedback