Triển lãm “Hồ Gươm, Giao lộ Đông Tây” tái hiện hồi ức đẹp về Hà Nội xưa

Huyền Trang, Lê Phương
Chia sẻ
(VOV5) -Triển lãm cũng gợi lại cho công chúng nhiều hồi ức đẹp về Hà Nội ngàn năm văn hiến.

“Hồ Gươm, Giao lộ Đông Tây” là tên gọi của cuộc triển lãm đang diễn ra tại Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm và không gian đi bộ đường Lê Thái Tổ, Hà Nội. Qua triển lãm, công chúng hiểu thêm về sự thay đổi diện mạo của một Hà Nội xưa, giai đoạn cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20, giữa phương Đông và phương Tây, giữa cổ kính và hiện đại. Triển lãm cũng gợi lại cho công chúng nhiều hồi ức đẹp về Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
Bước vào không gian Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm, số 2 Lý Thái Tổ, Hà Nội, ấn tượng đầu tiên với người xem là một bức ảnh đen trắng khổ lớn, ghi lại diện mạo Hồ Gươm vào năm 1873 và năm 1884. Khác với cảnh quan sinh động, hấp dẫn của hiện tại, Hồ Gươm vào thời điểm đó vẫn “mang dáng dấp của ao hồ nông thôn với những cầu ao phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường ngày. Xung quanh hồ, các túp lều của người dân bản xứ san sát nhau đến nỗi để xuống được hồ, người ta phải len lỏi qua những ngõ ngách chật hẹp…”. (Theo tư liệu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia).
Triển lãm “Hồ Gươm, Giao lộ Đông Tây” tái hiện hồi ức đẹp về Hà Nội xưa - ảnh 1Triển lãm gợi lại cho công chúng nhiều hồi ức đẹp về Hà Nội ngàn năm văn hiến. Ảnh: VOV

Bên cạnh đó là hình ảnh của những kiost bán hoa được người Pháp dựng lên ở một góc của Hồ Gươm. Ít ai hình dung được đó chính là khu vực phố Hàng Khay – Đinh Tiên Hoàng ngày nay với những cửa hàng san sát. Đó chỉ là 2 trong số hơn 100 tài liệu, tư liệu, hình ảnh, bản vẽ thiết kế, bản đồ quy hoạch được giới thiệu tại “Hồ Gươm, Giao lộ Đông Tây”. Với 3 chủ đề chính: Quá trình thay đổi diện mạo Hồ Gươm, Bảo tồn không gian văn hóa lịch sử Hồ Gươm, Hồ Gươm – Trung tâm dịch vụ và văn hóa giải trí, triển lãm đã cung cấp nhiều thông tin thú vị cho người xem.

Ông Trần Đoàn Lâm, nhà nghiên cứu lịch sử, cho biết ông đã tìm thấy ở đây những tư liệu quý mà trước đó chưa từng được tiếp cận. "Triển lãm là cơ hội để tôi khám phá lại di sản, khám phá lại lịch sử và truyền thống của một vùng đất rất là yêu quý, đó là thủ đô Hà Nội. Không phải ai cũng có cơ hội được tiếp cận với những tư liệu cũ, đặc biệt là tư liệu bằng hình ảnh."

Triển lãm “Hồ Gươm, Giao lộ Đông Tây” tái hiện hồi ức đẹp về Hà Nội xưa - ảnh 2Khách tham quan Triển lãm. Ảnh: VOV

Hồ Gươm – dấu tích của một khúc sông Nhị Hà xưa, là thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô. Với vị trí đắc địa, nơi đây đã được người Pháp lựa chọn để trở thành trung tâm trong công cuộc chỉnh trang thành phố Hà Nội ngay khi họ đặt chân đến mảnh đất này. Dưới bàn tay quy hoạch của người Pháp, Hồ Gươm như một Giao lộ - điểm nối hai nét kiến trúc và văn hóa Đông – Tây, là sự chuyển biến hợp lý giữa khu phố Ta ở phía Bắc và khu phố Tây ở phía Nam.

Cùng với những nếp quen cũ, những tập quán sinh hoạt truyền thống của người Hà Nội, diện mạo mới của một đô thị phương Tây đã khiến cho lối sống của người dân có nhiều điều mới mẻ.   

Trải qua bao tháng năm, thủ đô Hà Nội đã có nhiều đổi thay. Trong đó, Hồ Gươm nhanh chóng trở thành trung tâm hành chính, tín ngưỡng, thương nghiệp, dịch vụ và văn hóa giải trí, một Giao lộ - điểm kết nối hai nét kiến trúc và văn hóa Đông - Tây.

Bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, cho biết: "Giao lộ Đông – Tây chứng minh một nền giao thoa văn hóa giữa phương Đông và phương Tây trước khi Pháp vào và khi Pháp vào thì mang văn hóa phương Tây vào. Cho nên kể cả những công trình kiến trúc xung quanh Hồ Gươm cũng mang hơi hướng đấy. Chính vì thế nên chúng tôi đặt tên như vậy cho thân thuộc và gợi mở những cảm xúc của những người trước đây đã sống ở trong thời kỳ Hà Nội thay đổi diện mạo, đặc biệt là Hồ Gươm. Chúng tôi cũng muốn để công chúng biết đến tài liệu lưu trữ còn lưu giữ tất cả những hình ảnh gợi cho công chúng những cảm xúc về Hà Nội trong mùa thu như thế này."

Qua các hình ảnh, tư liệu tại triển lãm, công chúng được ngược dòng thời gian, nhớ lại hình ảnh di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Hồ Gươm cùng nhiều kỷ niệm đẹp trong hồi ức. Sự cộng hưởng giữa hai nét kiến trúc và văn hóa Đông – Tây đã tạo nên một dấu ấn rất riêng cho Hồ Gươm và Phố cổ ngày nay. Chứng kiến sự đổi thay của khu danh thắng này qua thời gian, nhiều du khách và người dân Thủ đô không khỏi ngỡ ngàng và bồi hồi xúc động.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo chia sẻ: "Nhà tôi cách Hồ Gươm khoảng 100m. Do đó, Hồ Gươm đối với tôi như một ngôi nhà thứ 2. Đến nay tôi đã ở 70 năm. Mỗi lần được xem những tư liệu về Hồ Gươm giống như triển lãm này, những thay đổi trong dĩ vãng lại dội về làm tôi rất xúc động. Bởi vì tôi được nhìn lại những cái mình đã từng thấy mà bây giờ không còn nữa, thậm chí có những điều chính tôi cũng chưa biết vì nó có quá lâu, trước cả khi mình ra đời. Được đọc lại những thông tin này, tôi đã biết thêm về những điều được gọi là “nền văn hóa Hồ Gươm”.

Dù trong quá khứ, hiện tại hay tương lai, Hồ Gươm vẫn luôn đóng vai trò là trung tâm, nơi hỗ trợ cho các hoạt động truyền thống, nơi chứng kiến và tiếp nhận những thăng trầm lịch sử của thành phố và người dân nơi đây. Thông qua 22 hình ảnh bản vẽ cùng hơn 100 tư liệu quí được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia cung cấp, những hồi ức đẹp về Hồ Gươm và Hà Nội xưa được tái hiện chân thật, với những hình ảnh quen thuộc về đời sống sinh hoạt của người dân Hà Nội nói chung và người dân khu vực quanh Hồ Gươm nói riêng.

Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó trưởng Ban Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội, cho biết: "Chúng tôi mong muốn hơn 100 tư liệu sẽ giúp công chúng hiểu hơn về giai đoạn khi người Pháp đến Việt Nam, đến Hà Nội. Người Pháp đã có những qui hoạch mà đến nay, những hình ảnh, công trình xưa cũ đó vẫn còn đang hiện hữu tại không gian khu vực Hồ Hoàn Kiếm. Qua những hoạt động triển lãm này, chúng tôi mong muốn mọi người cùng chung tay để gìn giữ, bảo tồn những giá trị di sản của Thủ đô."

Những tư liệu, hiện vật sau khi trưng bày tại triển lãm “Hồ Gươm, Giao lộ Đông Tây” (từ ngày 06 – 31/10), dự kiến sẽ được Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội đưa vào các trường học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung. Hoạt động nhằm giúp các em học sinh và công chúng có cơ hội được tiếp cận, tìm hiểu sâu hơn về những tư liệu quí của Thủ đô Hà Nội. Thông qua đó, góp phần định hướng trong cộng đồng về ý thức giữ gìn và qui cách ứng xử với di sản của văn hóa Thăng Long Hà Nội.

Feedback