Với mục đích bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, đồng thời phát triển kinh tế, xã hội các dân tộc, ngày hội văn hóa thể thao du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc đã được tổ chức luân phiên 2 năm một lần. Năm nay là lần thứ X, bà con các dân tộc trong vùng tề tựu tại ngày hội trong không khí rộn ràng, hân hoan.
Khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ X |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
10 tỉnh vùng Đông Bắc như: Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa đã hội tụ tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc vào những ngày đầu của tháng mười một để tham gia Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch trong không khí sôi nổi, nhộn nhịp, rộn ràng. Những lời ca, điệu múa hòa nhịp trong tiếng trống, tiếng chiêng trong các buổi liên hoan văn nghệ quần chúng đã mang đến sắc màu những nét văn hóa dân gian các dân tộc Việt Nam.
Một tiết mục biểu diễn của các đoàn trong khuôn khổ ngày hội |
Không gian lễ hội được tái hiện qua các phần trích đoạn nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc như Lễ hội lồng tồng của dân tộc Tày ở Bắc Kạn, Lễ Tết nhảy của người Dao quần chẹt ở xã Lãng Công, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc; Tái hiện đám cưới của người Pà Thẻn ở xã Tân Bắc, huyện Quang Bình (Hà Giang); Lễ cầu an của người Nùng xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên)… Ông Dương Văn Thủ, một nghệ nhân dân tộc Tày, tham gia trình diễn tại ngày hội cho biết: “Mục đích của lễ hội cầu an, cầu mùa là do trước đây nước lũ về nhiều. Do vậy, mới cần thực hiện nghi lễ để cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho mọi người đến hái lộc được vui vẻ, một năm mới được nhiều lộc. Sau khi thực hiện nghi lễ, trong quá trình sản xuất, bà con cảm thấy các vụ mùa được thuận lợi hơn”.
Đặc biệt tại ngày hội này, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc được đón nhận bằng của Tổ chức UNESCO vinh danh nghi lễ và trò chơi dân gian kéo co là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ông Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, cho rằng việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống là rất cần thiết trong đời sống hiện nay: "Ngày hội văn hóa thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ 10 năm 2018 với chủ đề bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc trong thời kỳ đổi mới hội nhập và phát triển bền vững đất nước là dịp để tôn vinh và quảng bá những giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Đông Bắc trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đồng thời đây còn là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên các dân tộc gặp gỡ giao lưu trao đổi học tập kinh nghiệm nâng cao ý thức trong việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Trên cơ sở đó tăng cường giáo dục truyền thống yêu nước tự hào dân tộc cùng cố tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước".
Trong ngày hội này, vận động viên quần chúng của 10 đoàn cũng tham gia thi các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, đấu vật, ném còn…. nhằm khơi dậy trò chơi đặc trưng của đồng bào các dân tộc. “Em thấy những ngày hội như thế này rất có ý nghĩa cho mọi người, vừa được giao lưu văn hóa lại vừa được giao lưu thể thao. Em đi thi, em cảm thấy rất vui. Đội thể thao của tỉnh Lạng Sơn có 20 người tham gia ngày hội” - Em Lý Thị Kim Huyền, 17 tuổi, người dân tộc Nùng, vừa chiến thắng đối thủ trong cuộc thi đẩy gậy, chia sẻ. Huyền thích tham gia vào những cuộc thi và những ngày hội như thế này bởi đây là dịp Huyền được làm quen, giao lưu, kết nối với các anh, chị, em ở nhiều tỉnh, thành khác nhau trên đất nước.
Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhận định, chủ thể của ngày hội rất đa dạng về lứa tuổi, thành phần dân tộc là cơ hội để thế hệ nghệ nhân lớn tuổi trao truyền các tri thức, bản sắc văn hóa cho thế hệ trẻ. Ngày hội văn hóa thể thao du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc không chỉ tạo điều kiện cho các dân tộc giao lưu mà điều quan trọng là nâng cao nhận thức về giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc từ đó tự thấy có trách nhiệm giữ gìn và bảo tồn các phong tục, tập quán, tín ngưỡng mang đặc trưng của dân tộc mình.