(VOV5) - Với lợi thế tự nhiên là hệ thống sông ngòi, kênh, rạch dài gần 1.000 km kết nối các tỉnh lân cận và Campuchia, Thái Lan, đồng thời là trung tâm kinh tế - văn hóa – xã hội lớn, Thành phố Hồ Chí Minh rất giàu tiềm năng phát triển du lịch đường sông. Hiện thành phố đang có những hướng phát triển mới, đưa du lịch đường sông trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và nước ngoài.
|
Ảnh minh họa: thethaovanhoa.vn |
Với lịch sử trên 300 năm tuổi cùng lợi thế tự nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều tiềm năng để đưa du lịch đường sông trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, thưởng thức các giá trị văn hoá của du khách. Thành phố mong muốn phát triển mô hình “du lịch thành phố” (city tourism), kết hợp giữa du lịch đường sông với các giá trị văn hóa, ẩm thực, lịch sử, kiến trúc ven bờ, đang được nhiều quốc gia phát triển rất thành công như Italia, Hà Lan, Anh, Pháp… Theo Thạc sỹ Huỳnh Văn Sinh, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, du lịch đường sông tại Thành phố Hồ Chí Minh phải gắn với lịch sử tập quán sinh sống trên bến dưới thuyền của người dân Sài Gòn xưa, gắn với các giá trị văn hóa sông nước nổi bật của vùng đất này. "Thành phố Hồ Chí Minh là nơi giao lưu văn hóa rất nhiều, trong đó điểm nhấn kết nối du lịch đường sông, đường thủy kết nối các món ẩm thực, đặc biệt như hương vị khẩn hoang của khu vực Bình Quới – Thanh Đa hết sức tuyệt vời. Hay như là chúng ta đi lên khu vực miệt vườn trái cây Lái Thiêu. Hay là chúng ta kết nối với khu vực các di tích lịch sử ở quận 9, chùa Hội Sơn, Bảo tàng Áo Dài… đều kết nối trên hành trình du lịch đường thủy rất tốt"
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, để các tour du lịch trên sông ngày càng hấp dẫn, thành phố khuyến khích xây dựng các điểm dừng trung gian để du khách có nhiều lựa chọn trong hành trình, tiến tới xây dựng các chợ nổi trên sông, tăng cường quảng bá các dịch vụ du lịch trên sông. Trong những năm tới, du lịch đường sông giữa thành phố Hồ Chí Minh sẽ được kết nối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các nước láng giềng của Việt Nam như Campuchia, Thái Lan "Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò là cửa ngõ trong quá trình kết nối du lịch trong khu vực. Cùng với các doanh nghiệp, chúng ta phát triển các loại hình du lịch đường thủy, gắn với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các tour dài hơn như Campuchia hay Thái Lan để phát triển các loại hình du lịch đường thủy".
Hiện Tổng công ty Du lịch Sài Gòn đang triển khai đóng mới tàu nhà hàng có sức chở 800 khách khai thác tại khu vực trung tâm thành phố. Tập đoàn Trung Thuỷ chuẩn bị triển khai dự án Góc Sài Gòn nhằm tái hiện lịch sử hình thành và phát triển của thành phố hơn 300 năm qua. Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng, địa điểm du lịch cũng như quảng bá nhằm mục tiêu đưa du lịch đường sông trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn.