Sử thi của người Xơ đăng nhóm T’đrá hay còn được gọi là hơ m’uan, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2001 – 2002, do Phó Giáo sư, Tiến sỹ Võ Quang Trọng, Giám đốc bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, xác định.
Tại tỉnh Kon Tum, trên địa bàn các huyện Đắc Hà, Đắc Tô, ông Võ Quang Trọng cùng nhóm điều tra đã sưu tầm được 106 bản kể.
Lễ hội bắc máng nước của người Xơ Đăng - Ảnh: Việt Hoàng
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Sử thi của người Xơ đăng là sử thi liên hoàn, mỗi tác phẩm là một câu chuyện độc lập, nhưng các câu chuyện lại có quan hệ mật thiết với nhau. Chuyện xoay quanh nhân vật Đăm Đuông với biết bao ước mơ, khát vọng lớn lao của cộng đồng. Ông Võ Quang Trọng cho biết: "Đăm Đuông là nhân vật chính diện. Đấy là nhân vật lý tưởng của người Xơ đăng. Ở đó, người Xơ đăng gửi gắm toàn bộ những phẩm chất cao quý nhất vào nhân vật lý tưởng của mình. Trước hết, đó là một chàng thanh niên khỏe mạnh, làm việc gì cũng giỏi. Từ đan lát, đi săn, làm nhà, mở mang đất đai… tất tần tật cái gì trong cuộc sống diễn thì chàng thanh niên này đều hiểu biết và làm rất là giỏi. Đấy là một người cực kỳ siêng năng. Hai nữa là đấy là một con người cực kỳ gan dạ. Gan dạ để chống chọi với thú dữ, các loại quỷ thần, rồi các kẻ xâm lược, rồi đánh bại các đối thủ khác nhau để mà giành lại người đẹp, giành lại bản làng của mình".
Thủ pháp ẩn dụ, so sánh, phóng đại được sử dụng nhiều lần khi nghệ nhân kể sử thi, khiến cho những yếu tố thần kỳ trong sử thi trở nên sống động, hấp dẫn. Thông qua nhân vật chính Đăm Đuông, đồng bào Xơ đăng gửi gắm biết bao ước mơ, khát vọng của dân tộc mình. Ngoài nhân vật chính, có rất nhiều nhân vật đại diện cho lý tưởng của nhân dân, trợ giúp cho nhân vật chính trong cuộc sống, trong cuộc chiến đấu. Ví dụ truyền cho nhau cách làm nhà rông như thế nào, truyền cho nhau cách đi săn như thế nào. Tức là cái gì diễn ra trong đời sống thì các nhân vật này đều có thể hiện và làm được mọi việc. Tôi cho rằng đó là nhân vật lý tưởng, anh hùng mà đồng bào Xơ đăng đã xây dựng lên thành một nhân vật anh hùng trong sử thi đại diện cho tộc người của mình trong sự chinh phục thế giới xưa kia để bảo vệ tộc người mình, bảo vệ làng quê của mình trong sự phát triển.
Sử thi Xơ đăng kể về những xung đột cá nhân, những cuộc chiến tranh giữa tộc người Xơ đăng với tộc người khác trong quá trình giữ đất, giữ làng, bảo vệ cộng đồng, mở mang bờ cõi. Toàn bộ quá trình lao động sản xuất, phong tục tập quán, nét văn hóa, những tri thức, kinh nghiệm sống… của người Xơ đăng cũng được phản ánh rõ nét trong các tác phẩm sử thi. Ông Quang Trọng cho biết thêm: "Rất nhiều người đã nói sử thi là bách khoa thư, cái gì có trong đời sống thì đều có trong bách khoa thư. Rất nhiều tác phẩm sử thi cho biết cách thức lập làng của người Xơ đăng như thế nào, cách chọn đất để lập làng ở đâu. Gần nguồn nước, đất đai phải tốt, đi lại thuận tiện. Ví dụ như cách thức bắt cá, dùng lá rừng thả xuống suối để cho cá nó say, người ta bắt. Kể cả nhân vật chính trong sử thi còn truyền đạt cho nhau cách thức làm rẫy như thế nào, cách thức săn thú như thế nào, cách thức vào rừng lấy măng… Tất cả đều có trong tác phẩm sử thi cả".
Điều gì trong sử thi Xơ đăng đã khiến cho nghệ nhân A Ar cũng như nhiều người dân trong cộng đồng Xơ đăng T’đrá say mê? Ông A Jar ở Plây Đôn, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum, người đã biên dịch thành công 15 bộ sử thi Xơ đăng, giải thích: "Có nhiều câu tục ngữ, thành ngữ rất quý. Và mỗi một bài có một ý nghĩa rất sâu sắc. Bài nào cũng hướng về chân- thiện- mỹ, giúp cho con người ta về mặt đạo đức. Người ta thấy được những cái hay, cái tốt mà người đời phải theo".
Nếu bạn lần đầu đến làng của người Xơ đăng T’đrá thì sử thi Xơ đăng sẽ là cuốn “bách khoa thư” giúp bạn rất nhiều trong hành trình khám phá văn hóa của cộng đồng dân tộc này.