Ngày 21/4 hằng năm là ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Đây là thời điểm các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân nâng cao tinh thần đọc sách được diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước.
Hội sách Nhã Nam tại Hà Nội được bạn đọc trẻ nhiệt tình hưởng ứng.
- Ảnh: Khánh Huyền
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Muốn phát triển văn hóa đọc cần phải hướng việc đọc sách trở thành một thói quen không thể thiếu, một nét đẹp văn hóa trong cuộc sống của cá nhân, gia đình, trường học, cộng đồng. Việc đọc sách phải trở thành một nhu cầu thiết yếu, một nền nếp của gia phong, dòng tộc và ở phạm vi lớn hơn là chuẩn mực văn hóa quốc gia. Điều này đòi hỏi phải tạo dựng được môi trường đọc sách thuận lợi, xây dựng thói quen đọc sách ngay từ trong gia đình, trường học, đến cơ quan, tổ chức và cộng đồng.
TS Nguyễn Thụy Anh - Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con, tác giả của nhiều tập thơ dành cho thiếu nhi cho rằng, ở mỗi gia đình, bố mẹ phải có ý thức về việc đọc sách và trao truyền ý thức đó cho con trẻ, cùng nhau chia sẻ sách giữa bố mẹ và con cái, khuyến khích, dành thời gian để cho con đọc sách: "Thói quen đọc sách của trẻ em Việt Nam chưa phải là cao. Cần phải tạo thói quen đọc sách cho trẻ ngay từ khi con mới bắt đầu chào đời. Phải tạo cho các em không gian đọc sách một cách tự nhiên nhất, và điều quan trọng nhất là nền tảng văn hóa đọc trong mỗi gia đình…"
Để trẻ quan tâm và có hứng thú với việc đọc sách thường xuyên thì việc bố mẹ làm gương và dành thời gian đọc sách cho con nghe cũng rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn, theo tác giả-dịch giả Nguyễn Quốc Vương là trong quá trình đọc sách cùng con thì phải làm sao để đứa trẻ thưởng thức được nội dung của cuốn sách và có thể vận dụng, liên hệ những điều lĩnh hội từ cuốn sách vào cuộc sống một cách sinh động, thiết thực.
TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh tham gia giao lưu và chia sẻ với các bạn học sinh tại huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc trong "Ngày hội đọc sách và các hoạt động hưởng ứng ngày Sách Việt Nam 2023" - Ảnh: CLB Đọc sách cùng con. |
Đồng tình với ý kiến của TS Nguyễn Thụy Anh và tác giả-dịch giả Nguyễn Quốc Vương, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh thêm vai trò của Nhà trường. Theo nhà thơ, các trường học cần có những hoạt động giáo dục học sinh ngay từ bậc tiểu học về kỹ năng, thói quen đọc sách, bao gồm phương pháp đọc, kỹ năng tiếp cận sách, đọc sách có mục đích (học tập, nghiên cứu, giải trí), tiêu chí lựa chọn những cuốn sách đáng đọc; đưa ra một danh mục sách cần đọc trong một năm học...: "Trước đây tôi đi học thì buổi học cuối cùng là tiết kể chuyện, và hầu như tất cả học sinh không ai bỏ tiết đó. Cô giáo kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện mang tính nhân văn về con người, về ông bà cha mẹ, về thiên nhiên, về lòng tốt. Tôi nghĩ gia đình và nhà trường rất quan trọng trong việc tạo thói quen đọc sách cho trẻ…" - Ông Thiều khẳng định.
Lớn hơn nhà trường, theo nhà văn Nguyễn Khắc Phê, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam để làm công việc mà theo cách nói của ông là chữa “chứng lười đọc sách” cho học sinh. Hội Nhà văn nên có biện pháp, những hành động cụ thể để các em có thì giờ và chịu đọc sách; để những cuốn sách hay in ra với biết bao tâm huyết, biết bao công sức, được hoàn tất sứ mệnh đẹp đẽ của mình: "Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Hội Nhà văn Việt Nam cùng ngồi lại với nhau, bàn bạc thật kỹ và ký một “hợp đồng” để thực thi công việc ý nghĩa này. Ví dụ, dành 20% thời lượng học văn của các cấp phổ thông cho hoạt động ngọai khóa, để giáo viên và học sinh thảo luận tự do về các tác phẩm văn học đã được một nhóm chuyên gia tuyển chọn và có nhà văn tham dự…Mỗi tháng, ít nhất 1 lần, phải tổ chức buổi ngoại khóa. Tất nhiên, hoạt động này có giá trị như “chính khóa” và được “tính điểm” theo một cách nào đó…"
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê còn mong muốn Hội Nhà văn Việt Nam và các Hội văn nghệ ở các địa phương vận động hội viên khắp cả nước tham gia chọn sách hay, cùng dự các buổi ngoại khóa với học sinh. Và nữa, cũng nên nghĩ tới việc liên kết, phối hợp với NXB Kim Đồng, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam và các Tập đoàn truyền thông văn hóa…để lan tỏa tới các trường học toàn quốc những buổi sinh hoạt ngoại khóa có chất lượng tốt…
Từng viết thư gửi Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo bày tỏ mong muốn trong các trường học nên có những tiết đọc sách đầu giờ trước khi vào tiết học chính, TS Nguyễn Mạnh Hùng- Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books, người được mệnh danh là “Tiến sỹ văn hóa đọc” vì có nhiều ý tưởng, cống hiến trong việc lan tỏa văn hóa đọc đến mọi nhà nhấn mạnh những yếu tố cốt lõi để phát triển văn hóa đọc, cho biết: Muốn có sách hay, sách đẹp, sách hấp dẫn thì các NXB, các Công ty sách, Nhà sách cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc lựa chọn đề tài, in ấn đẹp, đa dạng hình thức xuất bản; bên cạnh sách giấy cần chú trọng đến sách điện tử. Có sách hay rồi thì điều tiếp theo là phải có môi trường đọc sách để tạo cảm hứng cho độc giả. Cần tạo thêm những không gian công cộng để đọc sách, ví như Góc đọc sách ở Nhà văn hóa, bệnh viện, sân ga, tiệm cắt tóc…
Thời đại công nghệ số, việc đọc sách cũng khác xưa về không gian, về cách thức đọc. Để duy trì và phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh ấy, thiết nghĩ cần phải kết nối và phát triển một cách đồng bộ các yếu tố: thư viện, xuất bản, phát hành sách in với sách điện tử… Hệ thống thư viện phải phải được số hóa sách, sử dụng internet kết nối với người đọc để họ có thể đọc trực tiếp bằng máy tính, ipad, điện thoại thông minh, sách nói.
Tác giả - dịch giả Nguyễn Quốc Vương nói chuyện, giao lưu khuyến đọc với bạn đọc Thư viện tỉnh Thanh Hóa. - Ảnh: FBNV |
Từ kinh nghiệm viết sách và dịch hàng chục đầu sách về giáo dục, cũng như là diễn giả truyền cảm hứng về văn hóa đọc trong các trường học, cơ quan, xí nghiệp, tác giả - dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng, để phát triển mạnh văn hóa đọc ở cả chiều rộng lẫn bề sâu thì cần đến cả chính sách vĩ mô lẫn vi mô. Ở tầm vĩ mô, nhà nước cần phải sớm có bộ luật phát triển văn hóa đọc để tạo cơ sở pháp lý cũng như ràng buộc nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên có liên quan trong việc phát triển văn hóa đọc: "Nhà nước cần phải có bộ luật phát triển văn hóa đọc. Bên cạnh đó các ngành liên quan cũng phải vào cuộc…, từ gia đình cho đến xã hội…"
Trong bối cảnh hiện nay, phát triển văn hóa đọc là một nhiệm vụ cấp bách và lâu dài, có ý nghĩa sâu sắc đối với sự phát triển phồn vinh của đất nước. Do đó, nó không chỉ là ý thức, trách nhiệm, quyết tâm của mỗi cá nhân, mỗi văn nghệ sỹ mà còn là của toàn xã hội. Việc tổ chức ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam hằng năm cũng không nằm ngoài mong muốn góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách, phát triển văn hóa đọc sâu rộng, mạnh mẽ trong cộng đồng.